Sôi động Hội diễn Nghệ thuật quần chúng huyện Cư Kuin
Hội diễn Nghệ thuật quần chúng huyện Cư Kuin tổ chức vào ngày 17/10/2023, có sự tham gia của nhiều hội phụ nữ cơ sở.
Chị em của đủ 8 xã Dray Bhăng, Ea Hning, Ea Bhốk, Cư Êwi, Ea Tiêu, Ea Ktur, Ea Hu và Hòa Hiệp đều góp mặt, với 30 tiết mục đủ cả đơn ca, song ca, tốp ca, độc tấu nhạc cụ và múa, nhảy dân vũ, nội dung ca ngợi Tổ quốc, Bác Hồ, quê hương, tình yêu…
Hội diễn lần này không hiếm những giọng hát đẹp, như: Ngọc Hân (xã Ea Hu), Tường Vân (xã Ea H’Ning) với ca khúc “Việt Nam trong tôi là”; Nguyễn Thị Phương (xã Dray Băng) với “Non nước hữu tình”; Nguyễn Thị Hải (xã Ea H’Ning) với “Những bông hoa trong vườn Bác”…
Tiết mục “Đất nước tình yêu” của xã Hòa Hiệp, dù chỉ hát một bè nhưng chất giọng và phong cách biểu diễn cũng mang lại sự đồng cảm của khán giả. Riêng tiết mục tốp ca “Đất nước trọn niềm vui”, lẽ ra phải được gọi là hát – múa, vì rất hoành tráng. Hơi tiếc một chút cho các đạo diễn phần múa phụ họa nhiều quá, dài quá, đội hình đông quá, chiếm trọn sân khấu, át cả diễn viên hát.
Ít ỏi nhất là thể loại tấu nhạc cụ, chỉ duy nhất tiết mục độc tấu Harmonica “Cô gái vót chông” của xã Hòa Hiệp. Tuy chưa tạo được dấu ấn, bởi phần trình bày hơi đơn giản, nhưng cũng góp phần tạo nên sự đủ đầy thể loại của hội diễn.
Một tiết mục biểu diễn tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng huyện Cư Kuin. |
Có ba tiết mục đúng nghĩa với múa là “Hương sen đất Việt” trên nền nhạc không lời, duyên dáng về hình thể, chặt chẽ về kết cấu, phù hợp về trang phục. Với múa sạp “Nhịp điệu Tây bắc”, đạo diễn rất cố gắng tạo hình động tác, nhưng vẫn quá đơn giản trong một hội diễn nghệ thuật; múa “Bức họa đồng quê” trên nền nhạc ca khúc này cũng không thể hiện được cảnh đồng quê mùa gặt bằng vũ điệu.
Nhiều nhất là thể loại được gọi là nhảy dân vũ. Loại hình này không được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam công nhận là múa, vì chỉ mang tính chất nhảy giao lưu cộng đồng hay nhảy dưỡng sinh nhưng phong trào này hiện rất phổ biến. Bởi chị em có chỗ tụ hội một cách lành mạnh, lại góp phần tạo nên vẻ duyên dáng cho hình thể. Nhưng đưa vào hội diễn nghệ thuật quần chúng thì… e là chưa đúng nghĩa. Sẽ chính xác hơn, nếu như giới thiệu là nhảy dân vũ trên nền nhạc bài dân ca quan họ “Ba quan mời trầu” (tiết mục của xã Dray Băng) với những tấm áo tứ thân điệu đàng; hoặc gọi là nhảy zumba, cha cha cha hay disco trên nền nhạc ca khúc nào đó, với những động tác phong phú, uyển chuyển và mang tính nghệ thuật cao hơn. Còn tên những tiết mục “Nhảy dân vũ hát về người phụ nữ Việt Nam, Cùng hành quân giữ mùa xuân, Nông thôn ngày mới, Triệu triệu trái tim”… thì chưa phải là nghệ thuật múa lẫn nhảy! Lại nữa, mỗi đoàn chỉ có gần 20 chị em, tham gia cả nhảy lẫn múa phụ họa, vậy mà các chỉ đạo nghệ thuật xếp hai tiết mục múa liền nhau, khiến các chị em thay trang phục biểu diễn rất cập rập.
Góp ý những điểm này, không phải là phê bình, mà chỉ để lần hội diễn sau hay hơn, nâng tầm nghệ thuật hơn lên. Cuối năm công việc bận rộn nhưng hơn 200 chị em “bánh đa bánh đúc” vẫn tập hợp, tham gia biểu diễn được thế này đã là điều vô cùng trân quý. Hơn nữa, âm nhạc không chỉ khiến con người gần lại với nhau hơn mà còn có tác động giúp vượt lên khó khăn trong cuộc sống.
H’Linh Niê
Ý kiến bạn đọc