Multimedia Đọc Báo in

Thần giữ cổng làng của dân tộc Xê Đăng

08:29, 15/10/2023

Dân tộc Xê đăng sinh sống tập trung ở tỉnh Kon Tum và một bộ phận cư trú tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Theo tập quán, đồng bào Xê đăng thường sống thành từng nóc (plơi). Mỗi nóc có thể có từ 12 - 15 hộ gia đình (thường là bà con anh em, họ hàng) cùng quần cư bên nhau thành một làng.

Cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, mỗi khi xây dựng làng mới, cất nhà xong là người Xê đăng liền tiến hành rào làng, làm cổng ngõ rất kiên cố. Hàng rào xung quanh làng không chỉ để bảo vệ làng mà còn là chỉ dấu phân định giới mốc, địa vực cư trú, sở hữu đất đai của gia đình, tộc họ và của cả buôn làng. Đây cũng là dấu hiệu thông báo điều kiêng cữ, cấm người ngoài vào làng khi gặp những biến cố như dịch bệnh. Mỗi làng thường bố trí vài cổng ngõ, cổng phụ để bà con vào rừng, lên rẫy, xuống suối, cổng chính là lối vào trung tâm làng. Tại cổng chính, đồng bào Xê đăng thường đặt hai bức tượng thần giữ cổng làng, gọi là Crap.

Nghệ nhân trẻ dân tộc Xê đăng tạc tượng thần giữ cổng làng.

Người ngoài trước khi vào làng sẽ nhìn thấy hai pho lượng được tạc rất đơn sơ, vẻ mặt hơi hoang dã và bí ẩn. Tượng được làm từ một thân cây dớn (thuộc họ dương xỉ), một loại cây mọc rất nhiều ở rừng Ngọc Linh. Tượng thường thể hiện một nhân vật không có chân, đôi tay được làm bằng tre gắn vào thân cây dớn, một tay cầm gươm, một tay cầm chiếc khiên tre. Gương mặt hai pho tượng trông khá dữ tợn, mắt trợn tròn, miệng nhe răng lởm chởm với những chiếc răng được lấy từ bộ răng của con chó gắn vào. Chỉ bằng con dao nhọn và chiếc mác bén ngọt, những thân cây dớn được chặt từ rừng mang về, nghệ nhân đã tạo tác nên một bức tượng độc đáo. Với những nhát gọt chính xác, dứt khoát, không chi tiết cầu kỳ nhưng bức tượng lại mang tính cách điệu và sự biểu cảm rất cao.

Người Xê đăng xem tượng cổng làng như một vị thần bảo vệ buôn làng, có đủ năng lực chống lại các thế lực tà ma quấy nhiễu, gây tai họa cho người dân và cuộc sống bình yên của buôn làng. Nó cũng là một biểu tượng cho sức mạnh của làng. Hằng năm, vào mùa xuân, người Xê đăng sửa chữa hàng rào, cổng ngõ và làm lễ cúng máng nước. Theo lễ thức truyền thống, thầy cúng sẽ giết một con chó lấy máu đổ vào nguồn nước tại máng nước của làng và lấy nước đó đem về chế biến để làm mâm lễ cúng thần giữ làng. Người Xê đăng quan niệm con chó là con vật gắn bó và giúp bảo vệ nhà cửa, cảnh báo khi có kẻ xấu xâm nhập vào làng nên trong khi thực hiện nghi lễ cúng thần làng, máu của con chó được già làng lấy bôi vào tượng cổng làng. Bộ răng của con chó, sau khi thực hiện xong nghi lễ hiến sinh cũng được người chủ lễ cắm xuống đất ngay tại chỗ đặt tượng cổng làng.

Tượng thần giữ cổng làng của dân tộc Xê đăng.

Theo tín ngưỡng dân gian của đồng bào Xê đăng, những vị thần linh, trong đó có tượng cổng làng được xem như một vị phúc thần. Tượng cổng làng luôn mãi là hình ảnh in đậm dấu ấn và trường tồn trong tâm thức của cộng đồng dân tộc Xê đăng. Tượng cổng làng có giá trị về dân tộc học nên chúng được sưu tầm, bảo quản, trưng bày ở nhiều bảo tàng trong nước như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Kon Tum, Bảo tàng Quảng Nam, Bảo tàng Đà Nẵng…

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc