Multimedia Đọc Báo in

Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa truyền thống

07:16, 21/11/2023

Say mê nhạc cụ truyền thống Êđê từ nhỏ nên mỗi khi trong buôn Drah 2 (xã Cư Né, huyện Krông Búk) có lễ hội gì, ông Y Môi Mlô (SN 1952) đều có mặt, say sưa xem đánh cồng chiêng, diễn tấu các loại nhạc cụ.

Âm thanh tiếng chiêng cùng những đêm bập bùng ánh lửa bên ché rượu cần nghe các già làng kể sử thi đã ngấm vào máu thịt, theo ông ông Y Môi lớn lên từng ngày.

Nghệ nhân Y Môi chia sẻ: “Ngày ấy, thời gian rảnh, tôi thường đến nhà các nghệ nhân, già làng trong buôn học đánh chiêng và chơi các loại nhạc cụ đing năm, đing tắk ta. Nghe nhiều đến mức nhớ giai điệu rồi về nhà tự tập. Dần dần tôi thuộc tất cả bài chiêng của người Êđê và biết sử dụng hầu hết các loại nhạc cụ”.

Nghệ nhân Y Môi Mlô ở xã Cư Né (huyện Krông Búk) diễn tấu thuần thục nhiều loại nhạc cụ dân tộc Ê đê.

Ông còn dành nhiều thời gian tìm hiểu sâu các loại nhạc cụ để chế tác, rồi trở thành nghệ nhân chế tác ching kram điêu luyện của địa phương. Ông có thể tạo ra thanh âm chuẩn xác, giàu cảm xúc cho mỗi chiếc ching kram làm bằng tre, trúc. Nhiều người biết đến tài năng của ông đã tìm đến tận nhà nhờ chỉnh chiêng, đặt mua nhạc cụ. Nhờ vậy, ông Y Môi lại được bận rộn, say sưa chế tác.

Theo nghệ nhân Y Môi, ching kram là một sản phẩm âm nhạc độc đáo chỉ riêng dân tộc Êđê mới có. Bộ ching kram được quy ước theo dãy số lẻ, thường có 5, 7 hoặc 9 chiếc hợp. Khi tất cả cùng vang lên sẽ tạo nên một dàn hợp xướng. Để chế tác ching kram, nghệ nhân phải vào rừng chọn các cây tre già. Tre chẻ từng khúc rồi phơi khô khoảng 2 tháng. Mỗi ching kram có một âm sắc, giai điệu khác nhau nên nghệ nhân chế tác phải là người biết cảm âm, đôi tay khéo léo mới phát hiện được sự pha âm, lệch âm. Khi bộ ching kram đã hoàn thành, cần phải để khoảng 5 tháng cho âm thanh của tre thay đổi. Lúc đó, nghệ nhân điều chỉnh âm thanh ching kram bằng cách cắt ngắn ống hoặc gọt miệng ống tre.

Nghệ nhân Y Môi Mlô (bên phải) nhận được nhiều Giấy khen của các cấp, ngành trong công tác gìn giữ văn hóa truyền thống.

Những năm gần đây, buôn làng ngày một đẹp hơn, đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt, nhưng niềm vui chưa trọn vẹn bởi thanh thiếu niên không yêu, không mê văn hóa truyền thống như thế hệ của ông Y Môi hồi ấy. Trăn trở trước những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông bị mai một, nghệ nhân Y Môi nỗ lực trao truyền cách đánh cồng chiêng, kỹ thuật chế tác nhạc cụ cho thế hệ trẻ bằng tất cả tâm huyết, đam mê.

Niềm vui của nghệ nhân Y Môi nhân đôi, khi nhiều năm nay, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Búk mời ông truyền dạy đánh chiêng cho các em học sinh trên địa bàn. Nếu em nào chưa hiểu, chơi chiêng không đúng nhịp hoặc chưa có hồn thì ông kiên trì giải thích, cầm tay từng em để dạy cách đánh cho đúng âm, đến chừng nào hòa nhịp được mới thôi. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của nghệ nhân Y Môi, nhiều thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số của xã đã biết đánh chiêng, yêu tiếng chiêng....

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc