Multimedia Đọc Báo in

Tây Nguyên trong ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn

13:25, 29/11/2023

Nhạc sĩ Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích (1928 – 2003) quê ở miền cát trắng Hải Lăng, Quảng Trị, nhưng lại sinh ra trên đất Quảng Nam. Song Huế chính là mạch nguồn nuôi dưỡng ông từ thuở lên 10, là nơi mở ra bước ngoặt mang yếu tố quyết định về sự nghiệp, cùng quan điểm thẩm mỹ và cảm hứng sáng tác âm nhạc của ông.

Trong suốt hành trình hơn 50 năm sáng tác và tham gia cách mạng (1945 – 2003), nhạc sĩ Trần Hoàn đã để lại cho đời nhiều tác phẩm âm nhạc vượt thời gian và không gian, đi vào lòng công chúng yêu âm nhạc như: “Sơn nữ ca”, “Lời người ra đi”, “Một mùa xuân nho nhỏ”, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”...

Với trách nhiệm của một người chiến sĩ, nghệ sĩ – một cán bộ quản lý văn hóa, nghệ thuật, nhạc sĩ Trần Hoàn đi đến nhiều nơi trên mọi miền đất nước. Trong mỗi chuyến đi ấy, ông đã không quên ghi lại những cảm xúc của mình với vùng đất nơi đến bằng những khúc “tâm ca” sâu lắng và thiết tha. Trong đó, dấu ấn vùng đất, con người, cảnh vật Tây Nguyên đã xuất hiện trong nhiều ca khúc của ông.

Nhạc sĩ Trần Hoàn giao lưu với công chúng yêu âm nhạc tại Đắk Lắk tháng 5/2001. (Ảnh tư liệu gia đình của nhạc sĩ)

Cảm hứng Tây Nguyên được Trần Hoàn thể hiện dịu dàng, thiết tha và tình cảm qua ca khúc “Mùa thu Ban Mê” đầy chất thơ: “Ai bảo nơi này không có mùa thu/ Ban Mê vào mưa khói mờ sương tỏa/ Hoa vàng bay rải đầy phố nhỏ/ Gió bâng khuâng dịu nhẹ bước chân người/ Tháng tám Ban Mê nhớ về Hà Nội/ Và hoa sữa có còn rơi/… Đến với miền Tây Nguyên/ anh đã gieo mùa thu Hà Nội/ Hạt nảy mầm giữa rừng núi xa xôi/… Ban Mê giờ thắm đỏ mùa thu”… Hay trong “Gặp Huế trên cao nguyên” (phổ thơ Văn Công Hùng), cũng cảm xúc và giai điệu nhẹ êm, nhưng lại chan chứa nỗi niềm day dứt khi thoảng thấy bóng Huế trên cao nguyên khiến nhạc sĩ cồn cào nhớ Huế, càng làm cho cao nguyên thêm mộng mơ: “Tà áo trắng vương trong chiều Tây Nguyên/ Tiếng dạ láy trầm như cồng no gió/ Con dốc đổ cồn cào nỗi nhớ/ Dáng Huế trong em, phố núi trong mưa/ Tóc em xanh trời Huế bốn mùa/ Cao nguyên đội nón em nghiêng chờ gió/ Áo em trắng mà bazan thì đỏ/ Mắt học trò háo hức chờ dòng Hương”… Và, trong bài “Đà Lạt rất hiền phải thế không anh?”, Trần Hoàn lại dâng trào cảm xúc về con người, cảnh vật phố núi rất đỗi dịu hiền, dễ mến bởi một “Đà Lạt rất hiền phải thế không anh/ Lá thông rơi làm em ngơ ngác/ Con đường nhỏ nhẹ chân em bước/ Gió vô tình, tóc bay bay/… Đà Lạt rất hiền phải thế không anh/ Những nụ cười ngày đầu mới gặp/ Anh chợt nhớ dưới lung linh ánh mắt/ Khoảng trời xanh vời vợi đến khôn cùng…”.

Song hành cùng cảm xúc trữ tình, thiết tha, Tây Nguyên lại hiện ra qua những cảm nhận chân thật và trìu mến về cuộc sống đổi mới từng ngày của đồng bào nơi đây. Trần Hoàn đã vẽ nên “Bên dòng sông Dak Bla” như một bức tranh sinh động về Tây Nguyên: “Bên cầu Con-clo, anh lắng nghe em hát/ Trên nhà rông thoáng mát, lững lờ dòng Dak Bla/ Ơi câu hát Bana, như tình ca muôn thuở/ Đôi mắt em rực lửa, nhìn anh, nhìn anh/…Ơi cô gái Bana đã qua rồi đói khổ/ Đảng cho em làm người/ Thầy dạy em cái chữ/ Dân cho cả cuộc đời/ Cha cho em đôi vai rắn chắc/ Mẹ cho em bồ câu đôi mắt/ Anh cho em tình yêu mênh mang và những nỗi nhớ thắm nồng”…

Với bút pháp dung dị nhưng rất đỗi nồng nàn, Trần Hoàn đã để lại nhiều ca khúc không thể quên, một phong cách riêng biệt, không thể lẫn với ai. Như các nhà phê bình âm nhạc đã khẳng định: Những tác phẩm âm nhạc của Trần Hoàn không phải cho riêng ai – theo nghĩa rộng và không phải cho riêng một xứ sở, địa phương nào mà đó là sự gần gũi, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung, trong đó có Tây Nguyên nói riêng.

Những ca khúc của ông là những bức tranh hài hòa, trọn vẹn, hay có khi chỉ mới là những bản phác thảo… Phải chăng, bởi tâm hồn ông – một tâm hồn miền Trung sâu đậm buồn vui, sướng khổ đã vỗ vào ông mà rung lên thành tiếng, thành lời...

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc