Multimedia Đọc Báo in

Đắk Nông - bức tranh văn hóa đa sắc

08:29, 10/12/2023

Ngày 1/1/2024, tỉnh Đắk Nông đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Được tách ra từ “người anh” Đắk Lắk nên Đắk Nông cũng có những nét tương đồng về nhiều mặt, không những là nơi quần cư của hơn 40 dân tộc anh em mà còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa dân gian truyền thống.

Từ lễ hội truyền thống

Hằng năm, trong khí trời ấm áp của những ngày đầu năm mới, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lại nô nức tổ chức các lễ hội truyền thống để cảm tạ thần linh, trời đất đã ban cho một mùa vàng bội thu. Thông qua lễ hội, đồng bào cầu xin Yàng (thần linh) ban những điều tốt lành cho cộng đồng và cũng muốn thể hiện tinh thần lạc quan, ý chí vươn lên chinh phục thiên nhiên, thể hiện khát vọng về cuộc sống.

Mỗi lễ hội có quy mô cũng như cách thức tổ chức khác nhau nhưng đều được thực hiện theo đúng nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng, theo đúng nghi thức cổ truyền như cúng thần linh, đón bạn, cầu tài, cầu sức khỏe và may mắn. Còn phần hội gồm nhiều hoạt động sôi nổi thu hút đông đảo người dân tham gia như đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, thi giã gạo nấu cơm nhanh, đánh chiêng, dệt thổ cẩm…

Trong các lễ hội, phụ nữ M’nông thường thi giã gạo nấu cơm nhanh.

Một số lễ hội lớn, tiêu biểu như lễ sum họp cộng đồng, lễ kết nghĩa bon buôn (M’nông); lễ cúng bến nước, lễ rước K’pan (Êđê); lễ mừng lúa mới, lễ kết bon (Mạ)… Riêng đồng bào các dân tộc phía Bắc tổ chức các lễ hội như lễ ném còn, lễ lồng tồng (xuống đồng), lễ mừng thọ, lễ trưởng thành… Tại lễ hội, đồng bào các dân tộc đều mặc trang phục truyền thống và mang theo một số sản phẩm đặc trưng của dân tộc mình để giới thiệu cho bạn bè gần xa được biết.

Đồng bào các dân tộc bản địa còn tự hào về vốn di sản văn hóa phi vật thể được kết tinh qua nhiều thế hệ. Đó là cồng chiêng, Ót N’drông của người M’nông; kể khan, hát ayray của người Êđê… được cất lên hòa quyện với tiếng cồng, tiếng chiêng, tạo nên không gian đầy mê hoặc lôi cuốn người nghe. Vinh dự hơn, Ót N’drông của người M’nông cũng là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, có âm hưởng mượt mà gắn liền với đời sống xã hội và là niềm tự hào lớn của đồng bào.

Đến những món ăn đặc sản

Trong bữa ăn gia đình hằng ngày, đồng bào các dân tộc thiểu số thường chế biến các loại rau như đọt mây, măng, lá bép, cà đắng, rau dớn… hái trên rừng hay nương rẫy. Có lẽ, ấn tượng nhất là phải nói đến đọt mây, khó tìm, khó thấy hơn măng, nhưng mùa nào cũng có. Ðồng bào thường lấy phần đọt có gai về làm thức ăn, khi bóc hết lớp vỏ cứng bên ngoài sẽ lộ ra phần thân non bên trong màu trắng nõn nà. Cách chế biến đơn giản nhất là luộc, xào hoặc nướng than. Cầu kỳ hơn thì dùng đọt mây để chế biến nhiều món như xào thịt bò, nấu canh thụt, gỏi…

Cồng chiêng là “linh hồn” của lễ hội ở Tây Nguyên.

Các món ăn này không chỉ có mặt trong bữa ăn hằng ngày mà còn được trân trọng thưởng thức trong những lễ hội truyền thống. Song hành với đọt mây là lá bép hay còn gọi rau nhíp mọc nhiều ở bìa rừng, nơi ẩm thấp nên mỗi khi đi nương rẫy hay lên rừng, bà con hái về dùng. Lá bép non có màu đỏ phớt, dưới cuống lá màu xanh, khi nấu chín có vị dẻo, ngọt và bùi, thường dùng để nấu canh thụt chung với đọt mây, hay xào với các thực phẩm khác...

Không chỉ sử dụng làm thức ăn, một số loại lá cây, rễ cây cũng được đồng bào chế biến thành loại men ủ rượu cần rất đặc trưng. Rượu cần luôn có mặt trong các lễ hội truyền thống, những buổi gặp mặt đầu năm hay sum họp cộng đồng. Trong men say của rượu cần bên bếp lửa hồng, tiếng cồng chiêng dặt dìu, điệu múa xoang uyển chuyển như gọi mời cộng đồng cùng nắm tay cho vòng xoang thêm nối nhịp. Ðiều đáng nói là giờ đây, những món ăn dân dã ấy nghiễm nhiên trở thành “đặc sản” có mặt ở không ít nhà hàng, quán ăn, thu hút thực khách thưởng thức. Vì vậy, hiện có không ít người xem việc đi tìm hái đọt mây, lá bép, cà đắng là “nghề” để cải thiện cuộc sống.

Trung bình mỗi năm, đồng bào các dân tộc ở Đắk Nông tổ chức hàng trăm lễ hội và tùy theo điều kiện kinh tế mà lễ hội lớn hay nhỏ. Đây chính là “chất keo” gắn kết cộng đồng và tạo nên bức tranh văn hóa đặc sắc, mang đậm bản sắc Tây Nguyên.     

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.