Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò các “báu vật nhân văn sống”

09:53, 17/12/2023

Nghệ nhân dân gian được xem là “báu vật nhân văn sống” trong các buôn làng, không những góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa mà còn thúc đẩy phát triển du lịch tại cộng đồng.

GS.TS. Tô Ngọc Thanh (nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) từng nhận định, những nghệ nhân dân gian là tài sản vô giá của văn hóa Việt Nam. Trong một thời điểm lịch sử nhất định, ở một cộng đồng thường xuất hiện những con người quy tụ trong họ gần như toàn bộ vốn liếng và tài năng sáng tạo của cộng đồng về một hay vài lĩnh vực nào đó của văn hóa. Do vậy, họ trở thành người đại diện, người đầu đàn của cộng đồng về lĩnh vực đó.

Cộng đồng tự hào về họ vì nhờ có hoạt động sáng tạo của họ mà bản sắc văn hóa của cộng đồng được thể hiện tập trung, sắc nét. Đồng thời, chính họ là người lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ sau vốn liếng văn hóa của cộng đồng. Chẳng những thế, bằng tài năng, tâm huyết và trình độ của mình, những nghệ nhân đã tự mình sáng tạo hoặc chắt lọc sáng tạo của cả cộng đồng, góp phần bổ sung, làm giàu đẹp thêm cho truyền thống văn hóa và bản sắc văn hóa cộng đồng.

Nghệ nhân trổ tài tại Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

Với cách nhìn nhận đó, UNESCO đã từng ra khuyến nghị công nhận những nghệ nhân dân gian là “Báu vật nhân văn sống” (Living human treasures), được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam tham gia thực hiện. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã thông qua Quy chế công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” nhằm tôn vinh tài năng, sáng tạo, công lao giữ gìn, thực hành truyền dạy của các cá nhân: Nắm giữ và thực hành ở trình độ cao những giá trị, kỹ năng, bí quyết văn hóa - văn nghệ dân gian, sẵn sàng và có khả năng truyền dạy toàn bộ hiểu biết của mình cho thế hệ trẻ.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể, về đối tượng, là công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian. Cho đến nay, nhiều cá nhân được trao tặng danh hiệu nghệ nhân (nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân) với tiêu chí xét duyệt cụ thể, thông qua các hội đồng khoa học từ cơ sở đến trung ương.

Điển hình, qua nhiều đợt xét tặng, hiện nay Đắk Lắk có 41 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và 3 nghệ nhân được truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Những cá nhân được phong tặng danh hiệu là những người đã nắm giữ tri thức, bí quyết, nghệ thuật trình diễn các loại hình văn hóa dân gian: cồng chiêng, sử thi, truyện kể, dân ca, dân vũ, luật tục, nghi thức lễ hội, nghề thủ công đan lát, dệt thổ cẩm… tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Những nghệ nhân này được xem là “báu vật nhân văn sống”, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa tại các buôn làng.

Các nghệ nhân dân gian đóng góp tích cực trong bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

Qua sự công nhận, phong tặng các danh hiệu cao quý cho thấy, nghệ nhân có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì, phát huy các giá trị di sản trong cộng đồng với việc thực hành và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đáng nói hơn, khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng hiện nay đang có lợi thế với sự đa dạng văn hóa tộc người trong phát triển du lịch gắn với môi trường sinh thái. Vì vậy, vai trò của nghệ nhân trong các buôn làng, các thiết chế văn hóa cơ sở, các ngành nghề thủ công hay tập quán lễ hội cần được quan tâm đúng mức. Chắc chắn, bên cạnh sự đầu tư những cơ sở vật chất khác, nguồn tài nguyên nhân văn, nghệ nhân sẽ đem đến sự thu hút du khách với sự độc đáo vốn có. Bởi, khi thực hành kỹ thuật nghề truyền thống, tham dự một lễ hội, quan sát một nghi lễ, xem diễn xướng sử thi, dân vũ hay diễn tấu cồng chiêng, các nghệ nhân được tham gia trực tiếp sẽ đem đến sự thú vị cho du khách.

Luật Di sản văn hóa cũng có quy định cụ thể về chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với các nghệ nhân: "Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể". Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp chính quyền quan tâm đến việc tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, góp phần trong công cuộc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Với xu thế phát triển hiện nay, những di sản văn hóa các tộc người thiểu số ở Đắk Lắk trở thành là một lợi thế, nét độc đáo trong khai thác du lịch. Các nghệ nhân - nguồn nhân lực quan trọng từ các buôn làng cần được quan tâm hơn trong chính sách của thể chế quản lý, của địa phương để bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

    Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.