Multimedia Đọc Báo in

Bức tranh đa sắc màu văn hóa trong lòng Buôn Ma Thuột

08:42, 16/02/2024

Như một Đắk Lắk thu nhỏ, TP. Buôn Ma Thuột có 40 dân tộc trên tổng số 49 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh. Lưu giữ những thanh âm, trang phục, ẩm thực riêng mà lại rất chung, các dân tộc anh em tạo nên bức tranh đa sắc màu văn hóa cho phố núi cao nguyên…

1. Nét nổi bật trong ngàn ngàn “mảnh ghép” tạo nên bức tranh đa sắc ấy, không thể không kể đến các lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Ở xã Hòa Thắng, dịp Tết đến xuân về cũng là thời điểm đồng bào dân tộc Mường cùng hòa chung niềm vui trong ngày lễ khai hạ (còn gọi là lễ khuống mùa). Đây là lễ hội có truyền thống lâu đời, lớn nhất của dân tộc Mường, được tổ chức vào mùng Bảy tháng Giêng (âm lịch) hằng năm với ý nghĩa tôn kính các vị thần linh và mong cầu mùa vàng bội thu, vạn vật phát triển thuận lợi, cuộc sống no ấm hạnh phúc.

Ông Nguyễn Văn Phú, chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa Mường xã Hòa Thắng tự hào: Xã Hòa Thắng có khoảng 30% người Mường sinh sống, trong đó tập trung chủ yếu ở các thôn 1, 2 và 3. Dẫu xa quê ở các tỉnh miền Bắc vào Đắk Lắk lập nghiệp đã hàng chục năm, song người Mường vẫn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Từ xây dựng miếu thờ, đình làng, đến tổ chức các lễ hội như: lễ rửa lá lúa, tổ chức vào khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch; lễ mừng cơm mới, tổ chức khoảng tháng 10 âm lịch… Trong niềm vui chung, bà con thường tự hào khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống, cùng giao lưu cồng chiêng, tham gia các trò chơi dân gian, như: đẩy gậy, ném còn, kéo co, nhảy bao bố, leo cột mỡ…

Nếp nhà dài ở buôn Akô Dhông.

Cũng với quan niệm vạn vật hữu linh, hầu hết đồng bào các dân tộc trên địa bàn phố núi Buôn Ma Thuột đều tổ chức các nghi lễ, lễ hội trong năm. Tiêu biểu phải kể đến đồng bào Êđê có các lễ: cúng cơm mới, lễ cúng thần lúa, cúng bến nước, lễ cầu mưa; người M’nông có lễ kết nghĩa anh em, lễ cúng lúa đầy bồ; người J’rai có một số lễ liên quan đến vòng đời người như cầu sức khỏe, cưới chồng… Dẫu khác nhau về thời gian tổ chức, nghi thức thực hiện, song các nghi lễ, lễ hội của đồng bào các dân tộc đã góp phần quan trọng thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

2. Hội tụ nhiều thành phần dân tộc, nên ẩm thực của người dân phố núi vô cùng phong phú và đa dạng.

Nét đặc trưng nhất có lẽ là cách chế biến ẩm thực đậm chất đại ngàn của đồng bào các dân tộc. Bà con thường sử dụng các vật dụng có sẵn của núi rừng như ống tre, nứa, lá rừng, lá chuối, bếp củi... để làm nên những món ăn vừa quen, vừa lạ. Không một công thức cụ thể, từ người nọ truyền nối người kia, từ những ngọn rau, dược liệu mọc ở bìa rừng, hay hái trong vườn, bà con có thể giã, trộn để làm nên các loại gia vị tự nhiên. Quá trình tẩm ướp, nêm nếm được người nấu tính toán, đo đếm hợp lý. Các món ăn vì vậy đều mang một hương vị rất riêng.

Đơn cử như chế biến món gà nướng phải ướp gà với một ít sả, mật ong rừng, các loại gia vị khác đi kèm; gà nướng chỉ tuyệt hảo khi được chấm với muối sả hoặc muối ớt rừng xanh. Hay như nấu món canh loóng chuối, nguyên liệu thiết yếu không thể thiếu là thân cây chuối thái mỏng, xương heo hoặc xương bò đã ninh nhừ, cùng gia vị đi kèm là lá lốt, lá tía tô, hạt dổi giã mịn.

Mang phong vị đặc trưng, kho ẩm thực của đồng bào các dân tộc còn có rất nhiều món ăn độc, lạ, được mẹ thiên nhiên ban tặng. Đáng kể nhất là các món từ kiến vàng và trứng kiến như canh kiến vàng, muối kiến vàng, gỏi trứng kiến, thường được dân tình “đi săn” nhiều nhất vào đầu mùa mưa. Rồi còn có món sâu muồng, có nhiều nhất là từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 dương lịch. Cùng với rượu cần men lá truyền thống, các món ăn dân dã ngày xưa ấy giờ lại là đặc sản, trở thành nét ẩm thực độc đáo, hấp dẫn du khách.

Nét đẹp trang phục truyền thống ở phụ nữ dân tộc Mường ở TP. Buôn Ma Thuột.

Chị H Tit Aliô (dân tộc Êđê) cho hay, sinh sống ở buôn Akô Dhông - buôn du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh, hầu hết các mẹ, các chị người Êđê đều biết, nấu ngon các món ẩm thực bản địa. Từ những món đơn giản như lá mì xào, cà đắng giã, đu đủ giã, gỏi cà đắng, đến các món cầu kỳ như vách bò, canh cà đắng, canh bột… Người Êđê thường dùng gia vị đậm đà, cay, đắng nên ai chưa quen sẽ thấy khó ăn, nhưng khi ăn được thì sẽ rất ghiền.

3. Đa sắc màu về văn hóa, song khi sống chung thành phố, 40 dân tộc như anh em một nhà.

Không khó để thấy, trên muôn nẻo buôn làng, xã, phường của thành phố luôn có đồng bào các dân tộc chung sống thuận hòa, đoàn kết, cùng đồng hành, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, góp sức chung xây dựng nông thôn mới, làm giàu trên quê hương. Còn tại các chương trình văn hóa nghệ thuật, các chương trình lễ hội, đặc biệt là các lễ hội có quy mô lớn trên địa bàn như Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, ngày hội văn hóa truyền thống các dân tộc, hội chợ xuân, chương trình chào xuân mới… luôn được địa phương nâng tầm tổ chức với sự tham gia của đa dân tộc, đa thành phần. Bức tranh đa sắc ấy nói lên một điều rằng, nét đẹp văn hóa dân tộc luôn được đồng bào, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã và đang nỗ lực gìn giữ, tôn vinh và phát triển.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Phạm Thị Hải Bình chia sẻ: Trong nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thành phố đã tổ chức dạy tiếng nói, chữ viết, khuyến khích các dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống, mở các lớp học đánh ching kram, múa xoang, câu lạc bộ đàn tính, hát then, dệt thổ cẩm, phục dựng các nghi lễ truyền thống… Qua đó, thúc đẩy du lịch văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Quỳnh Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.