Multimedia Đọc Báo in

Hội tụ những sắc màu văn hóa

07:30, 11/02/2024

Đắk Lắk có bao nhiêu dân tộc anh em cùng sinh sống là có bấy nhiêu sắc màu văn hóa, mà cụ thể nhất chính là dòng văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên - Trường Sơn; văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc và văn hóa dân tộc Kinh, mang đủ sắc thái ba miền Bắc - Trung - Nam.

Những nét đẹp ấy đã và đang vẫn đang được gìn giữ như những suối nguồn tươi mát, cùng hợp lưu tạo nên dòng chảy bất tận trong không gian văn hóa Tây Nguyên.

Bức tranh văn hóa đa sắc màu

Các dân tộc thiểu số tại chỗ như Êđê, M’nông, Giarai… được biết đến với nền văn hóa bản địa phong phú và đa dạng, những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức quý giá như đàn đá, cồng chiêng cùng các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng phong phú và kho tàng văn học dân gian đặc sắc.

Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc tại chỗ.

Ngoài vai trò là phương tiện diễn tấu nghệ thuật, cồng chiêng còn thể hiện quyền uy, sự giàu sang của mỗi gia đình, dòng tộc, buôn làng, là vật thiêng trong tín ngưỡng của các dân tộc Tây Nguyên, thành tố đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên. Hầu hết ở các lễ hội dân gian, nghi lễ truyền thống đều có tiếng cồng chiêng dù ở quy mô nhỏ như gia đình hoặc lớn hơn là của cả cộng đồng.

Ngày nay, ở Đắk Lắk công tác bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể nói chung và Không gian Văn hóa cồng chiêng được các cấp chính quyền và người dân quan tâm. Các lớp truyền dạy đánh chiêng, lời nói vần, kể khan thường xuyên tổ chức, các nghi lễ truyền thống được khôi phục…, càng khẳng định giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.

Đeo vòng tay chúc sức khỏe tại Lễ chúc sức khỏe của người Êđê.

Khi đến sinh sống ở Đắk Lắk, các dân tộc thiểu số phía Bắc mang theo nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, làm giàu thêm đời sống tinh thần trên quê mới.

Hơn ba mươi năm trước, đồng bào dân tộc Tày từ tỉnh Cao Bằng đến xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) để lập nghiệp, mang theo cả điệu then, đàn tính của quê hương.

Chị Đoàn Ngọc Thảo (42 tuổi, thôn Cao Thắng) tâm sự: “Lúc ấy, cả thôn có 80 hộ là người Tày nhưng chỉ có vài cây đàn tính do ông bà mang từ ngoài quê vào và truyền lại cho con cái trong nhà. Điệu then, đàn tính được ví như là linh hồn của đồng bào Tày, chính vì vậy, nhiều năm qua, tôi và các hộ người Tày khác trong thôn đều cố gắng gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Thôn đã thành lập Câu lạc bộ Vang mãi điệu then - đàn tính để tạo không gian giao lưu, sinh hoạt cho mọi người sau những giờ làm việc mệt mỏi, đồng thời trao truyền lại cho lớp trẻ.

Nghệ nhân Y Djuăn Mjâo, huyện Cư M’gar (bên phải) tham gia biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023 .
Trong quá trình giao lưu, tiếp biến, giao thoa văn hóa, 49 dân tộc anh em vẫn giữ được những nét đặc trưng văn hóa riêng của mình, đồng thời cũng gia nhập vào ngôi nhà chung của văn hóa Đắk Lắk, tạo cho vùng đất này có một nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc.

Tương tự, những lễ hội truyền thống của người Việt như Lễ hội đua thuyền nam truyền thống đầu xuân (huyện Krông Ana), Hội vật truyền thống Vụ Bổn (huyện Krông Pắc)… cũng đã trở thành nét văn hóa truyền thống ở địa phương.

Những lễ hội này có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng, không chỉ mang đến niềm vui, khí thế cho năm mới mà còn mang trong mình sức sống và ước mơ cầu mong cho mỗi gia đình và cả cộng đồng ngày càng phát triển phồn thịnh.

Gắn bó keo sơn

Theo thời gian, bức tranh đa sắc màu văn hóa trên vùng đất Đắk Lắk càng được các thế hệ người dân giữ gìn, tô điểm. Đặc biệt hơn, trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhau đã có sự gắn bó mật thiết, gần gũi, tạo nên tình cảm thắm thiết, nhất là qua các ngày hội.

Ngày hội Văn hóa các dân tộc tại các địa phương trên địa bàn tỉnh là dịp để những con người thuộc nhiều dân tộc đang cùng sinh sống ở mỗi vùng đất kết nối lại với nhau.

Gần đây nhất, Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk lần đầu tiên được tổ chức như một ngày hội lớn của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh. Mọi người cùng nhau tụ hội, giới thiệu những nét đặc trưng, đặc sắc nhất của dân tộc mình đến với bạn bè.

Huyện Buôn Đôn giới thiệu văn hóa đặc sắc của người Lào qua âm nhạc, ẩm thực; huyện Krông Ana giới thiệu sự độc đáo của người Mường qua điệu đâm đuống; huyện Ea H’leo giới thiệu nét đẹp của văn hóa của người Giarai…

Câu lạc bộ Vang mãi điệu then – đàn tính của người Tày xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

Cũng từ những ngày hội mà tình cảm mọi người thêm gắn bó thắm thiết. Dù không phải là người Thái nhưng chị Nguyễn Thị Hân (44 tuổi, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) lại là một thành viên của đội múa xòe truyền thống huyện Krông Năng.

Chị chia sẻ trong niềm tự hào: “Về làm dâu người Thái được 20 năm, được tiếp xúc với các món ăn, trang phục, lễ nghi của người Thái mỗi ngày, tôi cảm thấy vô cùng yêu quý những nét đẹp văn hóa này. Khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống và thực hiện những điệu múa uyển chuyển, tôi thấy dòng máu của người Thái như đang chảy trong tâm hồn mình”.

Còn nghệ nhân Y Djuăn Mjâo (huyện Cư M’gar) bày tỏ niềm phấn khởi, qua các ngày hội ông không chỉ được gặp nhiều bạn bè, mà còn có thể trao đổi kinh nghiệm, từ đó nâng cao trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Thảo Ngọc
 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.