Nơi neo giữ hồn quê
Những ngôi đình, đền thờ trầm mặc trên mảnh đất được tạo lập gắn liền với hành trình mở cõi, khẩn đất, lập làng của những người con đất Việt, ở đó không chỉ đơn thuần là một địa điểm tâm linh mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng.
Luôn nhớ về nguồn cội
Dưới tán cây bông gòn, Di tích lịch sử Đền Đức Thánh Trần (tổ dân phố 1, phường An Lạc) được phụng lập hơn nửa thế kỷ trước hiện hữu bình dị giữa lòng thị xã Buôn Hồ. Ban đầu, đền thờ được dựng tạm bằng cây rừng, vách ván, mái lợp tôn, chính giữa đền đặt một trang thờ và treo bức tranh vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Trải qua 7 lần trùng tu, tôn tạo, Đền thờ Đức Thánh Trần đã khang trang, trở thành điểm đến tâm linh, nơi tỏ lòng thành kính, ghi nhớ công ơn của những người dân tỉnh Nam Định di cư vào huyện Krông Búk (nay chia tách là thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Búk) sinh sống, lập nghiệp đối với vị anh hùng có công lớn trong việc 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông.
Đồng bào Mường hào hứng với diệu nhảy sạp trong Lễ Khai hạ tại đình Thịnh Lang (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hữu Hùng |
Theo lời ông Nguyễn Trọng Luy, Phó Ban Quản lý Đền Đức Thánh Trần, năm 1947 những người Nam Định đầu tiên đặt chân đến vùng đất này (khoảng 9 nhà), trong đó có các cụ Trần Văn Định, Thu Ba, Bổn… Tất cả đều làm thuê cho đồn điền Rossi, sau khi an cư, các cụ chọn địa điểm này lập Đền thờ Đức Thánh Trần.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đền thờ Đức Thánh Trần không chỉ là nơi thờ phụng, sinh hoạt tín ngưỡng mà Ban Quản trị Đền do các cụ Đặng Văn Đậu, Năm Phụng, Hà Hạnh… đã vận động, kêu gọi chủ đồn điền cà phê Rossi đứng ra móc nối với lực lượng Bảo An tại khu vực H4 để che giấu cho việc tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn được, chủ yếu là cung cấp cho các đội công tác dọc tuyến H4 (gồm các huyện Krông Năng, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ ngày nay).
Hằng năm, nơi đây diễn ra nhiều sinh hoạt tín ngưỡng và các lễ hội truyền thống như: Lễ thanh minh, tất niên, đặc biệt Lễ húy kỵ Đức Thánh Trần vào ngày 20/8 âm lịch là dịp để đông đảo nhân dân trên địa bàn tưởng nhớ công ơn vị tướng tài ba của dân tộc và cũng là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức nguồn cội, lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
Từ mái Đền xưa, ngày nay đã có nhiều đổi khác nhưng ở đó luôn có mạch ngầm “giữ lửa” hào khí Đông A (hào khí quân, dân thời nhà Trần) bất khuất để mỗi khi Tết đến, Xuân về, rất đông người dân, du khách đến với Đền Đức Thánh Trần cùng nhớ về cội nguồn với niềm tự hào sâu sắc và cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc, thành công.
Giữ trọn tình cảm quê hương
Đình làng Thịnh Lang, ở thôn 3 (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) đã trở thành “ngôi nhà chung” của đồng bào Mường tỉnh Hòa Bình đang sinh sống ở TP. Buôn Ma Thuột và các địa phương lân cận.
Ông Nguyễn Văn Lập, Chủ đình Thịnh Lang kể, vào khoảng năm 1956, trong cuộc di dân của đồng bào Mường, cha ông chưa chọn ở đất này, mà vào huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) làm nghề hái chè thuê cho một đồn điền của Pháp (nay là Nhà máy chè Bàu Cạn) rồi lập làng, dựng đình tại đây. Tuy nhiên, không lâu sau, thấy không hợp thổ nhưỡng, điều kiện canh tác dài lâu nên các chức sắc làng quyết định di cư về xã Hòa Thắng an cư lập nghiệp.
Nghi thức cúng ở Đình Thịnh Lang (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) thực hiện đúng bản sắc văn hóa người Mường. Ảnh: Hữu Hùng |
Ban đầu, đình được dựng bằng tranh tre, nứa lá đơn giản, sắc phong, thần phả cùng nhiều tài liệu chữ Hán khác ghi chép về đình Thịnh Lang mang theo từ tỉnh Hòa Bình được đặt trang trọng tại đình. Không may, hơn 1 năm sau ngày thành lập đình bị cháy thiêu rụi toàn bộ “hồn cốt” của ngôi đình. Năm 1970, đình được tu bổ lại như ngày nay.
Thế hệ như ông Lập không nhớ đình Thịnh Lang đã qua bao nhiêu đời chủ đình, chỉ biết rằng đình có sức cộng cảm lớn, tình làng nghĩa xóm cố kết bền chặt, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, nhất là trong các dịp lễ hội của đình.
Như Lễ Khai hạ của đình Thịnh Lang vào mồng 7 tháng Giêng (âm lịch) trở thành chất keo gắn kết cộng đồng khi mọi người được “phân vai” cụ thể: Người cao tuổi lo việc cúng kính, cố vấn sắp xếp, tổ chức lễ hội khoa học, không rình rang mà vẫn bảo đảm các giá trị gốc; phụ nữ tất bật bày biện mâm cúng đủ đầy, đẹp, khéo, tiết kiệm; thanh thiếu niên tổ chức các trò chơi dân gian…
Chị Nguyễn Thị Ngọc Vân (thôn 2, xã Hòa Thắng) cho hay, những năm gần đây, thanh thiếu niên là lực lượng chủ chốt tổ chức các trò chơi trong lễ hội đình làng. “Có cơ hội tìm về các trò chơi ngày xưa như ném còn, đi cà kheo, nhảy sạp, đập niêu, bịt mắt bắt vịt… giúp thế hệ trẻ gần gũi, gắn bó với nhau, từ đó tình yêu quê hương, nguồn cội được vun đắp”.
Xã hội phát triển, đình làng cũng trải thăng trầm biến động, nhưng hồn cốt, nguyên khí đình xưa vẫn còn đó - nơi neo giữ hồn quê.
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc