Multimedia Đọc Báo in

Phiêu cùng dân vũ Êđê

10:03, 14/02/2024

Từ những điệu múa gắn liền với các nghi thức cúng tế và nghi lễ dân gian, dân vũ của người Êđê đã trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc phục vụ du lịch, góp phần tạo nên điểm nhấn thu hút người dân và du khách.

Giữ gìn vốn quý của cộng đồng

Giống như nhiều dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, người Êđê có một kho tàng múa dân gian rất phong phú với nhiều sắc thái biểu cảm lấy chất liệu từ chính đời sống thường ngày. Đa số các bài múa được sử dụng trong các nghi lễ, lễ cúng thể hiện sự tôn kính với các đấng siêu linh, xua đuổi tà ma, ăn mừng chiến thắng cùng ước vọng của bà con về cuộc sống yên bình, no ấm. Có thể kể đến các bài múa tiêu biểu của người Êđê như múa K’tung khăk (múa trống), múa Ghat khil (múa khiên), múa chim Grưh, múa Pah kngăn drông Yang (vỗ tay gọi thần)…

Theo bà H’Dương Êban (buôn Tuôr, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột), từ xa xưa, mỗi buôn đều có những đội múa riêng, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tương tự như diễn tấu chiêng, mỗi buôn lại có những cách biến tấu, sáng tạo riêng cho từng bài múa của buôn mình dựa trên các nguyên tắc chung, tạo nên sự phong phú, độc đáo cho loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian, nghệ thuật múa dân gian đã ít nhiều mai một khi các nghi lễ, lễ hội truyền thống không còn được cộng đồng ở các buôn làng chú trọng.

Các tiết mục văn nghệ mang tính cộng đồng của người Êđê luôn có sức hút lớn. Ảnh: Y Bây Kbuôr

Gần 30 năm công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột, bà H’Dương Êban đã có dịp đến nhiều buôn làng, sưu tầm cách thức biểu diễn và ý nghĩa các điệu múa qua lời kể của các bậc cao niên. Trong các điệu múa cổ, bà H’Dương quan tâm đặc biệt đến bài múa chim Grưh và đã tóm lược thành 5 động tác chính mô phỏng theo động tác của con chim Grưh là: cất cánh, sải cánh, bay, lượn và tắm mưa. Đặc trưng của điệu múa này là các ngón tay tạo hình dáng đầu chim Grưh với ngón cái và ngón út vểnh lên, các ngón giữa cụp xuống. Múa chim Grưh thường sử dụng trong các đám ma, lễ bỏ mả với lối biểu diễn thiên về tính nghiêm trang trên nền chiêng nhanh, dồn dập.

Bên cạnh các điệu múa nghi thức truyền thống, trải qua sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Tây Nguyên, người Êđê cũng dần hình thành điệu múa xoang cùng bài chiêng riêng để sử dụng trong phần hội của cộng đồng. Khác với các điệu múa nghi thức, múa xoang của người Êđê có động tác rất đơn giản, dễ thực hiện, chủ yếu dựa vào nhịp bước chân, chân phải bước lên trước, chân trái nhún nhịp theo sau. Những người có mặt tại nghi lễ, không phân biệt trai gái, già trẻ đều có thể cùng nhau ngoắc ngón tay út với người kế bên, di chuyển thành vòng tròn theo hướng ngược chiều kim đồng hồ quanh cây nêu, ché rượu hoặc đống lửa… thể hiện sự niềm vui, sự gắn kết cộng đồng mật thiết. Có lẽ vì những nét đặc trưng phù hợp với tâm hồn khoáng đạt, hào sảng của người Êđê nói chung, người Êđê Kpă ở Buôn Ma Thuột nói riêng mà múa xoang đã nhanh chóng được cộng đồng đón nhận như một món ăn tinh thần đặc sắc suốt nhiều thập kỷ qua.

Truyền sức sống mới cho dân vũ Êđê

Trải qua nhiều nỗ lực bảo tồn của các cấp, các ngành, đặc biệt là những người yêu văn hóa truyền thống, dân vũ Êđê đang dần tìm được vị thế của mình, góp phần tạo nên một điểm nhấn đặc sắc trong tổng hòa giá trị của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

Hiện nay, hầu hết các buôn ở TP. Buôn Ma Thuột đã khôi phục được phong trào tập luyện cồng chiêng và múa xoang trong thế hệ trẻ. Tại buôn Tuôr (xã Hòa Phú), sau nhiều năm vắng bóng hoàn toàn các giá trị nghệ thuật truyền thống, cấp ủy, ban tự quản buôn đã thành lập được đội chiêng và đội múa nữ, duy trì tập luyện từ năm 2020 đến nay. Với vai trò dẫn dắt cho các bạn trẻ tập luyện, bà H’Dương Êban đã tận tình chỉ dạy, giảng giải cho các em hiểu ý nghĩa từng động tác múa truyền thống của dân tộc mình. Bà H’Dương chia sẻ, bên cạnh việc bảo tồn nguyên gốc các điệu múa chim grưh, vỗ tay, rót rượu… bà còn nghiên cứu cách thức sắp xếp đội hình, bố cục bài múa, kết hợp khéo léo, nhịp nhàng các động tác múa truyền thống trong các nghi lễ trở thành tiết mục biểu diễn trên sân khấu phục vụ chính bà con buôn mình cũng như tham gia các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ.

Đội chiêng và đội múa buôn Kmrơng Prông A biểu diễn tiết mục múa Mời rượu.

Còn ở buôn Kmrơng Prông A (xã Ea Tu), cùng với phong trào tập luyện chiêng sôi nổi trong thanh thiếu niên, buôn cũng đã xây dựng và duy trì đội múa từ năm 2016 đến nay. Anh Y Bây Kbuôr, Trưởng buôn Kmrơng Prông A cho biết, các bài múa của buôn được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các điệu múa truyền thống, kết hợp nhuần nhuyễn với diễn tấu chiêng tre, chiêng đồng tạo nên những tiết mục biểu diễn đặc sắc cả về nghe và nhìn.

Niềm đam mê văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các bạn trẻ ở buôn Kmrơng Prông A đã dần thu về quả ngọt khi trở thành một trong những đội văn nghệ dân gian “đắt show” nhất ở TP. Buôn Ma Thuột. Các thành viên của đội chiêng, đội múa đã tham gia nhiều chương trình giao lưu văn hóa, lễ hội ở trong và ngoài tỉnh cũng như biểu diễn tại các khu du lịch, homestay trên địa bàn. Những bài chiêng kết hợp với dân vũ như: Chiriria, Mừng mùa, Mời rượu, múa xoang… đã hòa quyện, cộng hưởng với nhau tạo thành một trải nghiệm đậm bản sắc cho du khách khi đến Buôn Ma Thuột.

Anh Evgenii Gavrilov, du khách Nga cho hay, trong suốt thời gian tham quan, trải nghiệm văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại TP. Buôn Ma Thuột, anh thật sự ấn tượng với các giá trị nghệ thuật dân gian, đặc biệt là cồng chiêng và dân vũ. Hình ảnh thiếu nữ Êđê say sưa biểu diễn các động tác dân vũ khỏe khoắn, vui tươi trên nền chiêng tre, chiêng đồng hay trên nền nhạc là các ca khúc sôi nổi về Tây Nguyên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng anh về một Buôn Ma Thuột giàu bản sắc, mến khách, thân thiện...

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.