Multimedia Đọc Báo in

Ý thức cộng đồng với lễ hội truyền thống

08:41, 16/02/2024

Lễ hội truyền thống được xem như tập hợp sống động và đầy đủ nhất, chứa đựng các yếu tố lịch sử, văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc.

Thông qua việc thực hành vốn di sản văn hóa phi vật thể này là để vừa cố kết sức mạnh cộng đồng; vừa lưu giữ và biểu đạt các giá trị tinh thần tiêu biểu (nghi thức, phong tục, tín ngưỡng, âm nhạc, vũ điệu) được chủ thể tích lũy, sáng tạo nên trong quá trình hình thành và phát triển.

Vì thế, ý thức của cộng đồng đối với lễ hội truyền thống là vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định tính chân thực và sự toàn vẹn hay không khi thực hành vốn di sản văn hóa này.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm khẳng định: Tất thảy lễ hội truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở đây đều đặt yếu tố cộng đồng lên hàng đầu. Cộng đồng nào thì chủ thể của lễ hội đó, nếu không tôn trọng điều này thì văn hóa thực hành lễ hội không còn ý nghĩa.

Biết rằng, trong đời sống hiện nay, sự thay đổi tín ngưỡng cùng với phương thức canh tác hiện đại đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền của họ nói chung, trong đó đặc biệt là lễ hội.

Bà Linh Nga thừa nhận: Hiện không còn, hoặc còn rất ít lễ hội truyền thống được bà con tự thân tổ chức một cách đúng nghĩa trong các buôn, làng ngày nay. Thực tế cho thấy, có không ít lễ hội của một số tộc người ở Tây Nguyên đang được “người ngoài cuộc” đứng ra tài trợ tổ chức, dẫn dắt theo ý muốn của họ vì những mục đích, động cơ khác nhau khiến việc thực hành vốn văn hóa này không còn ý nghĩa.

Người dân buôn Treng (xã Ea H'leo, huyện Ea H'leo) cúng mừng lúa mới. Ảnh: Hữu Hùng

Ở góc nhìn này, một số người có uy tín và hiểu biết tường tận vốn văn hóa của cha ông mình như cụ Ama H’Loan (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), cụ Y Bhiu Niê (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) hay nghệ nhân Điểu Klung (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) đều chạnh lòng: Lễ hội truyền thống là của cộng đồng, phải để cho cộng đồng tự thân thực hành với ý thức, tình cảm và tâm tư của người trong cuộc; không cho phép bất kỳ một tổ chức, đơn vị hay cá nhân nào từ bên ngoài áp đặt vào đây ý tưởng/ý thích của mình.

Vậy mà trong thời gian qua, vẫn có một số lễ hội truyền thống như: Mừng cơm mới, cúng bến nước, cầu mưa… đã xảy ra tình trạng biến tướng, thậm chí méo mó do “chủ lễ” thiếu tôn trọng những giá trị cốt lõi mà mỗi cộng đồng dân tộc đã tinh tế “mã hóa” nhiều thông điệp sâu sắc và thiêng liêng vào thực hành vốn di sản ấy.

Theo bà Linh Nga Niê Kdăm, trước thực trạng ấy thì Nghị quyết số 05-2016/NQ - HĐND tỉnh về “Bảo tồn, phát huy giá trị Văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk”, giai đoạn 2016 – 2020 và tiếp tục giai đoạn 2021 – 2025 được ban hành, thực thi là động lực đáng ghi nhận nhằm khích lệ cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn quan tâm trở lại vốn di sản văn hóa của mình, trong đó nổi bật nhất là lễ hội.

Bởi đây là không gian văn hóa tiêu biểu - và thông qua đó nhằm hướng đến những giá trị, yếu tố cốt lõi như đã nêu. Thời gian qua, có khoảng 115 nghi lễ, lễ hội truyền thống được ngành văn hóa phối hơp với các cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh khảo sát, phục dựng và trình diễn (theo mùa vụ nông nghiệp, hay vòng đời) là động thái hết sức kịp thời và cần thiết trong bối cảnh các giá trị văn hóa truyền thống của hầu hết các tộc người ở đây đứng trước nguy cơ mai một và dần biến mất khỏi đời sống sinh hoạt của cộng đồng.

Bà con buôn Tring (phường An Lạc, TX. Buôn Hồ) tổ chức nghi lễ cầu mưa. Ảnh: Hữu Hùng
 

“Làm sống lại các lễ hội truyền thống, đồng nghĩa với việc trao truyền cho thế hệ hiện tại và tương lai vốn liếng quý báu để phát triển đời sống vật chất lẫn tinh thần của mỗi gia đình, cộng đồng dân tộc thông qua xu thế hội nhập hiện nay”.

 
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm

Một số lễ hội tiêu biểu như: Cúng sức khỏe, mừng cơm mới, nghi thức kết nghĩa anh em, cưới hỏi, mừng thọ, đón khách… được cộng đồng người Êđê, M’nông phục dựng đúng với tinh thần, giá trị truyền thống.

Từ cột lễ, ghè rượu, vật hiến tế, bài cúng (Kriuyang) đến múa hát, diễn tấu cồng chiêng, trang phục, ẩm thực, cung cách thụ hưởng... đều khắc họa đậm đà bản sắc và dấu ấn lịch sử, văn hóa của các cộng đồng người tại chỗ; từ đó đã khơi gợi nhận thức sâu sắc, cảm xúc thân tình và tốt đẹp cho mọi người tham dự.

Theo đó, phía chính quyền địa phương đã không còn can thiệp sâu như trước, mà để cho cộng đồng tự thân tổ chức lễ hội truyền thống của dân tộc mình.

Điển hình như ở huyện Cư M’gar, hằng năm có đến 5 lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức định kỳ và chủ thể trong văn hóa lễ hội ấy được phát huy tối đa, nên mỗi khi lễ hội diễn ra là dịp để cho cả cộng đồng hưởng ứng và cộng cảm.

Anh A Mang, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cư M’gar cho hay: Đã qua 8 năm nay, khi Lễ hội mừng mùa của người Sê đăng (buôn Kon H’ring, xã Ea H’đing) mở ra đúng ngày mồng Một Tết Dương lịch - ngành văn hóa và chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ bà con khoản kinh phí để tổ chức, còn phương thức huy động cũng như xây dựng nội dung thực hành là do cộng đồng đảm trách.

Vì thế, lễ hội này thực sự là ngày hội của cộng đồng, có ý nghĩa và sức mạnh khơi gợi nguồn nội lực tiềm tàng, giúp cộng đồng người Sê đăng ở đây xây dựng và phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng khởi sắc hơn.

 

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc