Dòng chảy lịch sử - văn hóa Tây Nguyên
Nghiên cứu nền văn hóa Đông Sơn (Thanh Hóa), Óc Eo (Đồng Nai), Dốc Chùa (Bình Phước) cùng tồn tại song song trong thời kỳ đầu Công nguyên cho thấy có mối liên hệ mật thiết văn hóa với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, chứng tỏ đã có sự giao thương văn hóa một cách mạnh mẽ.
Tây Nguyên chịu sự ảnh hưởng bởi hai quốc gia hùng cường nhất thời bấy giờ là vương quốc Phù Nam ở châu thổ sông Mê Kông - Đồng bằng sông Cửu Long mà ranh giới lên đến khu vực tỉnh Bình Phước ngày nay và vương quốc Lâm Ấp của người Chăm (sau gọi là Chiêm Thành) với địa giới từ Quảng Bình trở vào đến các tỉnh Duyên hải miền Trung xuống tận các tỉnh Nam bộ ngày nay.
Khi hai vương quốc Phù Nam và Lâm Ấp hình thành, cùng với việc mở rộng bờ cõi thì chịu sự phản kháng không nhỏ của những dân tộc bản địa Tây Nguyên. Một số dân tộc ở lại hòa huyết, còn một số dân tộc phía Nam Tây Nguyên (người M’nông) không chịu khuất phục, nên di chuyển vào sâu phía tây dãy Trường Sơn.
Sắc màu các dân tộc Tây Nguyên. |
Đến thế kỷ 7, khi các vương quốc thực hiện lấn chiếm Tây Nguyên và muốn giữ sự hùng cường của mình, một cuộc giao tranh lớn đã xảy ra giữa vương quốc Chân Lạp (từ phía Nam tiến lên) và vương quốc Chiêm Thành nhằm giành thế chủ động ở khu vực các thung lũng sông Mê Kông, Sê San, sông Ba (tức khu vực phía Bắc Tây Nguyên).
Với sự thắng lợi của vương quốc Chiêm Thành, các bộ tộc Tây Nguyên chịu sự thống trị của Chiêm Thành. Đến nay, còn nhiều di tích văn hóa để lại trên mảnh đất Tây Nguyên như tháp Yang Mun, tháp Đrang ở Gia Lai; tháp Yang Prong, những Rasung batau (thùng lớn làm lễ) ở Đắk Lắk… Bên cạnh đó, những chứng tích để lại cho đến ngày nay về cuộc sống tín ngưỡng các dân tộc ở Bắc Tây Nguyên như Êđê, J’rai… có ngôn ngữ pha tạp với người Chăm và chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ (nguồn gốc do những người Hindu mang đến). Còn các dân tộc như M’nông tiến sâu vào dãy Trường Sơn, tuy cuộc sống lạc hậu nhưng trải qua thời gian họ ít bị ảnh hưởng của dòng văn hóa ngoại nhập.
Vào thế kỷ 7 đến thế kỷ 15, cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên hình hành nhà nước sơ khai với Patau Ia “vua nước” và Patau Pui “vua lửa” được xem như những người đứng đầu của xã hội Tây Nguyên. Với quyền lực mà cộng đồng trao cho, các “vua nước”, “vua lửa” có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất của cả vùng.
Giữa thế kỷ 15, người Việt mở cuộc Nam tiến, với sự di chuyển lên Trường Sơn Tây Nguyên. Năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông vào phương Nam, đặt Tây Nguyên là Nam Bàn thuộc Đại Việt và phong vương cho các “vua nước”, “vua lửa”. Sau đó là hàng loạt những cuộc giao thương giữa Tây Nguyên và miền xuôi. Điển hình nhất là những cuộc di chuyển lên Tây Nguyên của Bùi Tá Hãn năm 1540, Nguyễn Cư Trinh năm 1870, Nguyễn Tấn năm 1863.
Từ giữa thế kỷ 16, người Lào tiến về phía Nam, đến sông Bla, gần Kon Tum, khu vực Bản Đôn, mang đến Tây Nguyên những dòng văn hóa mới lạ. Qua những nghiên cứu thực tế thì văn hóa Tây Nguyên có nét tương đồng nhất định, ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.
Đến thời Tây Sơn và Chúa Nguyễn (thế kỷ 17 cuối thế kỷ 18), các dân tộc Tây Nguyên giúp đỡ ba anh hùng áo vải Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ xây dựng căn cứ ở thôn An Lũy, xã Phù Cừ, huyện An Khê (tỉnh Bình Định ngày nay). Một sử liệu nữa là vợ của Nguyễn Nhạc là người dân tộc thiểu số, con của một tù trưởng và ông này đã tặng cánh đồng Cô Hầu làm của hồi môn. Bên cạnh đó, một cánh quân của Tây Sơn do Bok Kiơm chỉ huy là người Bana.
Du khách tìm hiểu về văn hóa các dân tộc Tây Nguyên tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia |
Đến đời vua Gia Long (1802), sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, nhằm chống lại sự đấu tranh của đồng bào miền núi, vua Gia Long sai Tả quân Lê Văn Duyệt đắp lũy Bình Man dài 120 km, đặt 150 đồn trấn áp. Song song với việc đó, triều đình nhà Nguyễn đã nhượng bộ để thực dân Pháp có mặt tại Việt Nam vào năm 1858.
Khi thực dân Pháp có mặt tại Việt Nam, mở ra hàng loạt những cuộc vơ vét trên đất nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng, biến Tây Nguyên thành thuộc địa trồng trọt và khai thác lâm sản quan trọng. Với đời sống khó khăn, hàng loạt các cuộc nổi dậy, điển hình là các cuộc khởi nghĩa Ama Jhao, N’Trang Gưh và N’Trang Lơng… Trong thời gian này, chính quyền cuối cùng của triều Nguyễn trở nên nhu nhược và chỉ tồn tại bù nhìn. Ở Tây Nguyên lúc này vẫn là vùng trọng điểm mà vua Bảo Đại muốn xây dựng làm “Hoàng triều cương thổ”.
Khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Tây Nguyên thuộc bộ phận của Nam Việt Nam (phần trong vĩ tuyến 17). Chính quyền miền Nam Việt Nam tiếp tục lấy Tây Nguyên làm địa điểm xung yếu quan trọng về quân sự và tài nguyên, lâm sản... Đến khi cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, mở màn là chiến dịch Buôn Ma Thuột (ngày 10/3/1975) và kết thúc thắng lợi ngày 30/4/1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, toàn dân tộc Việt Nam quy tụ về một mối, cùng phát triển đi lên. Tây Nguyên là vùng đất mới, quy tụ các dân tộc anh em trên cả nước chung sức, chung lòng, xây dựng quê hương, tạo nên sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa.
Mạnh Phong
Ý kiến bạn đọc