Multimedia Đọc Báo in

Quảng bá giá trị văn hóa truyền thống

08:24, 28/03/2024

Ngày 20/3 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP. Hồ Chí Minh cùng Sở VH-TT và Du lịch Đắk Lắk đã ký kết kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá nghệ thuật năm 2024, nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống Tây Nguyên đến với đông đảo công chúng TP. Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động của ngành văn hóa Đắk Lắk chủ trương triển khai nhân kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh.

Bước khởi đầu ở thành phố mang tên Bác

Theo kế hoạch hợp tác, hai địa phương sẽ giao cho Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen (TP. Hồ Chí Minh) và Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk chủ trì cùng các đơn vị văn hóa nghệ thuật khác tổ chức 4 hoạt động quảng bá chính trong năm 2024, dưới sự chỉ đạo và giám sát của cơ quan quản lý ngành.

Thứ nhất, tại đường đi bộ Nguyễn Huệ và Bưu điện TP. Hồ Chí Minh, trong tối 3 và 4/5 sẽ tổ chức biểu diễn chương trình ca múa nhạc dân tộc nghệ thuật dân gian, giới thiệu bản sắc văn hóa, nghệ thuật truyền thống hai vùng đất, chú ý nổi bật các giá trị văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên đến với công chúng.

Thứ hai, tại Nhà hát TP. Hồ Chí Minh, vào tối 4/5 sẽ biểu diễn vở ca kịch “Khát vọng Đam San” (Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk) và tối 5/5 sẽ biểu diễn vở cải lương Gia Định thành (khúc tráng ca thành Gia Định – Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang).

Thứ ba, chiều 3/5 tại Sở VH-TT TP. Hồ Chí Minh, ngành văn hóa hai địa phương tổ chức tọa đàm trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống.

Thứ tư, dự kiến ngày 19/11, tại Quảng trường 10/3 (TP. Buôn Ma Thuột), các đoàn nghệ thuật của hai địa phương sẽ phối hợp tổ chức chương trình giao lưu, biểu diễn ca múa nhạc dân tộc nhân kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk.

Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở VH-TT và Du lịch Đắk Lắk cho biết, chương trình phối hợp tổ chức đã được ngành văn hóa tỉnh và TP. Hồ Chí Minh trao đổi, thống nhất trong thời gian qua, căn cứ đề nghị của ngành văn hóa Đắk Lắk về yêu cầu hỗ trợ quảng bá các hoạt động VH-TT trong năm 2024. Tinh thần chính của ngành văn hóa tỉnh là cần rà soát lại thực trạng năng lực hoạt động biểu diễn, quảng bá văn hóa truyền thống và hiện đại tại địa phương, tìm cơ hội phát triển những giá trị vốn có, tôn tạo những giá trị mới, phù hợp xu thế hội nhập quốc tế và bảo tồn các giá trị truyền thống. Từ góc cạnh này, yêu cầu thiết kế các chương trình hành động, nhằm khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đã được ngành văn hóa Đắk Lắk đưa ra; và rất mừng là được các địa phương tiếp nhận ủng hộ tích cực.

Một chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023. Ảnh: Hữu Hùng

Cần nỗ lực ở chặng tiếp theo

Những năm 1990 trước đây, Đắk Lắk và Tây Nguyên từng là khu vực nổi bật về các hoạt động văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, với những nhóm, đoàn nghệ thuật nổi bật về văn hóa quần chúng. Nhiều ca sĩ, diễn viên, và nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc mang âm hưởng đại ngàn Tây Nguyên đã được công diễn, tạo ấn tượng nổi bật trong một thời gian dài. Dấu ấn văn hóa Tây Nguyên với những tố chất đặc biệt, lối diễn xuất độc đáo đã được công chúng ghi nhận. Đáng tiếc là thời gian qua, hoạt động văn hóa nghệ thuật địa phương xuất hiện những hạn chế nhất định. Hình ảnh âm nhạc nghệ thuật Tây Nguyên tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị nhiều giới hạn chủ quan lẫn khách quan, dần dà kém sức lan tỏa. Thực trạng này, đòi hỏi ngành văn hóa địa phương phải suy xét lại, và cần mạnh dạn tìm hướng đổi mới, chấn hưng để tiếp tục phát triển.

Ông Thái Hồng Hà nhấn mạnh, để phát huy được đúng các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên, tỉnh nhà cần xây dựng một kế hoạch lâu dài, hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, từng bước khôi phục hoạt động các phong trào văn hóa, văn nghệ, qua đó quảng bá những giá trị vốn có, tìm kiếm các giá trị mới. Từ nhân tố con người, tác phẩm, đến môi trường thể hiện, bối cảnh quảng bá truyền thông, đều cần được đầu tư.

Trong đó, vấn đề cần hợp tác với các địa phương khác, khai thác ở những điểm đến cộng đồng xã hội như ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… tạo sức hút với công chúng, là một hướng đi rất cần thiết. Phải thông qua những hoạt động cộng đồng, tạo lại ảnh hưởng với thị trường âm nhạc, văn hóa nghệ thuật, các giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc Tây Nguyên mới có thể được phát huy tốt nhất.

Theo đó, các kế hoạch quảng diễn trong năm 2024 này sẽ chỉ là bước khởi đầu, và ngành văn hóa TP. Hồ Chí Minh là điểm hợp tác đầu tiên. Qua đó, địa phương sẽ đúc kết kinh nghiệm, đề ra phương án tiếp tục duy trì hoạt động trong những năm tiếp theo, cũng như mở rộng ra với các địa phương khác. Với những thành quả hiện có, đơn cử như vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn”, các tiết mục văn hóa cồng chiêng và những tiết mục âm nhạc phù hợp giới trẻ đang được xây dựng, ngành văn hóa Đắk Lắk cần lựa chọn đúng những thời điểm để công diễn, quảng bá, tạo dấu ấn thực thụ với thị trường. Được như vậy, hành trình tái tạo, chấn hưng những giá trị văn hóa truyền thống địa phương mới thực sự khởi động, và hứa hẹn thu hoạch được những kết quả lạc quan trong tương lai gần.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.