Tìm Buôn Ma Thuột trong nhạc Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn sinh ngày 28/2/1939, tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - đó là dòng tin đầu tiên trong bản tiểu sử dằng dặc thăng trầm của người nhạc sĩ thiên tài. Buôn Ma Thuột - đó là cột mốc đầu tiên, nơi khởi đầu cuộc phiêu du kiếp người của chàng nghệ sĩ với 62 năm du ca qua biết bao miền đất trên cõi đời này.
Với mỗi người, nơi cất tiếng khóc chào đời luôn là nơi chốn yêu thương và mang nặng ân nghĩa suốt đời. Huống hồ là Trịnh Công Sơn, một người luôn biết ơn từng lá cây ngọn cỏ, hẳn là ông đã yêu thương da diết nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Dù rằng, như lời của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, “tuổi hài đồng là một kỷ niệm bất khả tri của đời người”. Bởi vì, theo nhà văn, không ai sinh ra sớm hơn một phút để biết mình ra đời như thế nào. “Dù vậy, Trịnh Công Sơn vẫn coi rằng đây là thời kỳ trọng đại nhất trong cuộc đời của anh” (Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Vậy thì nỗi yêu thương và lòng biết ơn sâu nặng của Trịnh với nơi ghi dấu ấn trọng đại ấy, đã được ông bày tỏ thế nào trong âm nhạc cũng như trong suốt cuộc đời mà ông luôn cất tiếng “tạ ơn đời, tạ ơn người”? Trong gia tài âm nhạc đồ sộ với hơn 600 bài nhạc mà Trịnh đã viết, có bài nào, câu nào, chữ nào ông viết về nơi sinh ra - chốn thiêng liêng của đời mình?
Tôi đã nghe, đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, để tìm dấu ấn của nơi cất tiếng chào đời, trong âm nhạc của Trịnh, thi ca của Trịnh, hội họa của Trịnh, những lời buồn vui và cả những câu vu vơ thảng thốt của ông. Quả thật là không tìm thấy. Trong nhật ký, thư từ và rất nhiều bài viết, những câu chuyện kể, hầu như không thấy ông nhắc đến phố cao nguyên Ban Mê.
Có người nói, câu nhạc “Về trên phố cao nguyên ngồi/Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi” trong bài “Lời thiên thu gọi” chính là viết về phố cao nguyên Buôn Ma Thuột. Suy đoán này không đúng lắm, vì “phố cao nguyên” đó có thể là B’Lao, Đà Lạt, Đơn Dương, những nơi mà Trịnh đã gắn bó trong những năm tháng tuổi trẻ, và lui tới vui chơi với bạn bè trong năm 1972 - năm ông viết bài này. Và, nếu nghe hết bài, bạn sẽ thấy bản nhạc này không hề viết về một phố cao nguyên nào cả. Đó là một chiêm nghiệm của Trịnh về đời sống. Qua bao năm tháng “làm kiếp con người”, một hôm “về trên phố cao nguyên ngồi, về ngồi yên dưới mái nhà, về chân núi thăm nấm mồ”, ông mới hiểu ra “thiên thu là một đường không bến bờ”. Âm nhạc của Trịnh là vậy, không phải là loại nhạc “địa phương ca”!
Địa điểm nơi ông Trịnh Xuân Thanh mở tiệm may ở Buôn Ma Thuột, và sinh ra cậu bé Trịnh Công Sơn. Ảnh: Minh Tự |
Trong nội dung trả lời phỏng vấn của nhà thơ Văn Cầm Hải vào ngày 27/3/1998, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thổ lộ: “Có nhiều người than phiền và trách tôi, tại sao tôi ở Huế mà không viết gì về Huế cả”. Ông nói, các bài hát của ông hầu như không nhắc gì đến “Huế”, nhưng tất cả đều là “Huế”. “Đêm nghe gió than hoài, đêm nghe đất trở mình vì mưa”. Đó là mưa Huế. “Nghe trong tiếng thở dài, nghe lăng miếu trùng vây”. Chỉ ở Huế mới thấy lăng miếu trùng vây. “Tất cả những điều đó đều là Huế, vậy cần gì phải nhắc đến từ “Huế” nữa!”.
Từ lời chia sẻ này của Trịnh Công Sơn, tôi nghĩ rằng Buôn Ma Thuột trong âm nhạc Trịnh cũng mơ hồ như một nỗi ám ảnh trong tiềm thức, như xứ Huế quê nhà của ông. Và như thế, hầu như những bài hát có hình ảnh núi đồi cao nguyên, phố núi cao nguyên, đều ẩn chứa trong sâu xa hình bóng vùng cao nguyên nơi ông cất tiếng khóc chào đời. Khi nghe câu hát: “Người đi hành hương về đồi núi xa/ Người đi vẫn đi, chiều qua vẫn qua...” (Hành hương trên đồi cao), ta có thể liên tưởng đến “đồi núi xa” Buôn Ma Thuột.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết trong bút ký “Quê quán tôi xưa”: “Tất cả âm nhạc của Trịnh Công Sơn được dùng để minh họa cho một địa chỉ của tác giả trên hành tinh này, được gọi là “cuộc đời”. Quê quán trong tiểu sử của Trịnh Công Sơn là làng Minh Hương, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Nhưng “quê quán tôi xưa” trong âm nhạc của Trịnh chính là “cuộc đời”, và sinh quán của ông cũng ở cõi đó. Chính Trịnh cũng tâm sự: “Tôi thấy đâu cũng là quê nhà. Ở đâu tôi cũng có giấc mộng và tình yêu. Và vì vậy, đôi lúc tôi không còn cảm thấy mình thuộc về một xứ sở nào cả”.
Trong một bài viết khác, Trịnh tâm tình: “Mỗi bài hát thường gắn liền với một kỷ niệm... Kỷ niệm về một bài hát thì nhiều, nhưng để nhớ về kỷ niệm ấy trong một bài hát thì không phải luôn luôn là chuyện dễ dàng... Tôi đã viết 600 bài hát, không có nghĩa là tôi đã có 600 kỷ niệm... Nếu một bài hát cần phải gắn liền với môt kỷ niệm mới tồn tại, thì bài hát ấy chẳng có giá trị bao nhiêu” (Kỷ niệm về một bài hát). Âm nhạc của Trịnh là vậy, không phải loại nhạc “kỷ niệm ca”!
Vì vậy, đừng đóng đinh ông lên một nơi chốn, một kỷ niệm nào cả. Ông đã và mãi mãi thuộc về cuộc đời. Trong cuộc đời ấy, có xứ Huế hạ trắng mưa hồng, có Đà Lạt hoa vàng mấy độ, có góc núi B’Lao đìu hiu, có Quy Nhơn mắt đêm đèn vàng, có Sài Gòn mưa rồi chợt nắng, có Hà Nội hoa sữa về thơm từng cơn gió... Và đương nhiên, trong cuộc đời ấy, có làng cổ Lạc Giao ở phố xưa Buôn Ma Thuột, nơi người mẹ Huế đã hạ sinh một đứa con trai và đặt tên là Trịnh Công Sơn!
Minh Tự
Ý kiến bạn đọc