Tái hiện "con đường Trường Sơn huyền thoại" bằng âm nhạc
Trong hai ngày 23 và 24/4, tại TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện: Cư M'gar, Buôn Đôn, Lắk, Krông Pắc, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với Sở VH-TT&DL Đắk Lắk, UBND các địa phương tổ chức biểu diễn các tiết mục nghệ thuật trong Hội thi tuyên truyền lưu động (TTLĐ) kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 -19/5/2024) phục vụ công chúng.
Đêm 23/4, mặc dù hơn 19 giờ 30 thì chương trình nghệ thuật mới diễn ra nhưng từ khá sớm, đông đảo người dân trên địa bàn huyện Cư M'gar đã tập trung về quảng trường trung tâm huyện để thưởng thức các tiết mục văn nghệ do các ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ đến từ các đội TTLĐ thuộc 6 tỉnh: Bắc Kạn, Bình Phước, Đồng Tháp, Kon Tum, Quảng Bình và Quảng Nam biểu diễn phục vụ khán giả.
Một tiết mục nghệ thuật trong chương trình lưu diễn tại huyện Cư M'gar. |
Trong đêm diễn, các đơn vị đã mang đến cho khán giả 14 tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc được dàn dựng công phu, hoành tráng, qua đó tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử, những đóng góp nổi bật của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Có thể kể đến các tác phẩm như: “Nhớ công ơn Người” (Đội TTLĐ tỉnh Đồng Tháp); “Chúng tôi là người lính Bác Hồ”, “Người sót lại của rừng cười” (Đội TTLĐ tỉnh Bình Phước); “Hồi ức bến Giằng” (Đội TTLĐ tỉnh Quảng Nam); “Cung đường bất tử” (Đội TTLĐ tỉnh Quảng Bình); "Vững mãi niềm tin" (Đội TTLĐ tỉnh Bắc Cạn); “Việt Nam tiếng hát trái tim ta” (Đội TTLĐ tỉnh Đồng Tháp); "Tình Việt - Lào" (Đội TTLĐ tỉnh Kon Tum)…
Anh Nguyễn Hồ Chiến, người dân thị trấn Quảng Phú chia sẻ: Các nghệ sĩ, diễn viên đã tái hiện một cách sinh động cuộc sống thời chiến, đem đến cho khán giả một cái nhìn chân thực về sự khắc nghiệt của chiến tranh, sự gian khổ, kiên cường của quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc...
Trong đêm lưu diễn, đại biểu và khán giả cũng được ôn lại truyền thống hào hùng của những năm tháng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của thế hệ cha anh đi trước.
Theo đó, tháng 1/1959, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đề ra nhiệm vụ quan trọng là giải phóng miền Nam. Tháng 5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (Đoàn 559) có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trong suốt 16 năm thực hiện nhiệm vụ (1959 - 1975), Bộ đội Trường Sơn, qua tuyến đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu, bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Một tiết mục nghệ thuật trong Chương trình lưu diễn tại huyện Cư M'gar. |
Chiến tranh đã lùi xa nhưng đến nay, quyết định mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi mãi là một nghệ thuật quân sự độc đáo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chỉ đạo chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân. Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại là nơi phát huy cao độ phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ”, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc ta, quân đội ta.
Hình ảnh những người lính bộ đội Trường Sơn, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, văn nghệ sĩ, đồng bào các dân tộc đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh với khí sục sôi “Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” đã được các đội TTLĐ tái hiện sinh động bằng các tiết mục nghệ thuật trên sân khấu.
Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn, Bộ VH-TT&DL tổ chức Hội thi TTLĐ với chủ đề “Đường Hồ Chí Minh - Con đường huyền thoại” diễn ra từ ngày 19 - 27/4, thu hút sự tham gia của 23 đội TTLĐ thuộc Trung tâm Văn hóa (TTVH), TTVH - Điện ảnh, TTVH - Nghệ thuật các tỉnh, thành phố trên cả nước. Lễ khai mạc diễn ra vào ngày 19/4 tại huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) và Lễ tổng kết, bế mạc sẽ diễn ra vào ngày 27/4 tại TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Từ ngày 20 đến 26/4, các đơn vị tham gia đi diễn phục vụ người dân dọc theo tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tại 31 điểm diễn thuộc 12 tỉnh, thành phố gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước và Bình Dương. |
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc