Multimedia Đọc Báo in

Tái hiện Lễ rước rể trong lễ cưới của dân tộc Êđê tại “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024

15:56, 22/04/2024

Trong khuôn khổ chương trình Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024, diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) từ ngày 18 - 21/4, đoàn nghệ nhân Đắk Lắk đã tái hiện nghi thức rước rể trong lễ cưới theo phong tục truyền thống của người Êđê .

Theo đó, đội nghệ nhân buôn Drài, buôn Drài Điết (xã Dliê Yang, huyện Ea H’Leo) đã tái hiện nghi thức rước rể trong lễ cưới theo phong tục truyền thống của người Êđê.

Những cô gái Êđê sau khi tìm được chàng trai mình thích thì sẽ thưa với bố mẹ để được đi hỏi chồng, khi được đôi bên đồng ý cô gái sẽ về nhà chồng để ở dâu từ 1 đến 3 năm (tùy vào sự thỏa thuận của 2 bên gia đình). Nhà trai được thách cưới và nhà gái sẽ lo mọi chi phí cưới hỏi mới được làm lễ rước rể về nhà.

Đội nghệ nhân buôn Drài, buôn Drài Điết (xã Dliê Yang, huyện Ea H’Leo) tái hiện nghi thức rước rể trong lễ cưới theo phong tục truyền thống của người Êđê.

Lễ rước rể sẽ diễn ra khi hết thời gian thỏa thuận ở dâu bên nhà trai, nhà gái đã giao đủ khoản thách cưới như ấn định lúc hôn ước và hai bên gia đình chấp nhận cho đôi vợ chồng về nhà cha mẹ vợ. Sau khi đã ấn định ngày rước rể, nhà gái đến nhà trai để xin rước rể về nhà bố mẹ vợ. Đây là một nét đẹp truyền thống của người Êđê.

Thổ cẩm được trưng bày tại Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ngoài tái hiện nghi thức rước rể, trong khuôn khổ chương trình Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tỉnh Đắk Lắk còn giới thiệu đến du khách, các dân tộc anh em không gian âm nhạc dân tộc Êđê gồm các nhạc cụ truyền thống: cồng chiêng, chiêng tre, đàn T’rưng; các tiết mục dân ca dân vũ: hát Ayray, dân ca, các ca khúc về Tây Nguyên, múa xoang; giới thiệu và tái hiện lại không gian trình diễn cà phê truyền thống của người Êđê từ việc lựa chọn hạt đến rang trên bếp củi, giã tự nhiên và lọc bằng chính phương thức tự nhiên của đồng bào…

Du khách trải nghiệm làm nhạc cụ từ tre nứa.

Đồng thời, các ấn phẩm về du lịch Đắk Lắk, về sản phẩm OCOP, sản phẩm đan lát, dệt thổ cẩm… cũng được trưng bày tại không gian Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Các du khách giao lưu múa hát cùng đoàn nghệ nhân đến từ Đắk Lắk tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là dịp để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nhằm thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ; mang đến cho nhân dân, du khách cơ hội được tìm hiểu, trải nghiệm, thụ hưởng những giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam thông qua đó nâng cao nhận thức, lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.