Multimedia Đọc Báo in

Thầy mo ở làng Mường

08:47, 11/04/2024

Trong các nghi lễ của người Mường, không thể thiếu thầy mo. Theo quan niệm của dân tộc Mường, vai trò của thầy mo gắn liền với vòng đời của con người, được thể hiện qua đám cưới, đám ma hay lễ mừng nhà mới, lễ mát nhà, cầu sức khỏe, bình an...

Ông Bùi Văn Thành, ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) làm nghề thầy mo đã 35 năm. Ông nối nghiệp nghề thầy mo từ cha ông mình.

Ông cho biết, mỗi làng Mường có ít nhất một gia đình làm nghề thầy mo, truyền từ đời này qua đời khác để đảm bảo việc nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh.

Chính vì thế, thầy mo được dân làng đặc biệt quý trọng, là người có uy tín trong cộng đồng, không chỉ thông thạo văn tự cổ, lưu giữ nhiều phong tục tập quán, những lễ nghi của dân tộc, mà còn là người có khả năng giao tiếp và cầu xin các đấng siêu nhiên phù hộ cho con người sức khỏe, cuộc sống ấm no...

Người dân tham quan đình Thịnh Lang (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột).

Theo phong tục của người Mường, trong một năm có ba ngày lễ quan trọng ở đình làng: lễ hạ nêu vào ngày 7 tháng Giêng còn gọi là lễ khai hạ ra đồng; lễ hạ điền (lễ đắp nước mạ, cầu mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt) vào ngày 15/3 (âm lịch) và lễ thượng điền còn gọi là lễ rửa lá lúa vào 15/7 (âm lịch) - đây là ngày lễ quan trọng nhất trong năm nên bà con trong làng tập trung tại đình để làm lễ.

Mỗi đình làng có một ban chức sắc gồm: ông chủ đình, ông chánh, ông phó, hai ông tổ trưởng và một thư ký, ông chủ đình nghe theo ông chủ trì (thầy mo).

Vào những ngày lễ lớn tại đình, ban chức sắc phân công công việc cho mỗi người như ông xái đình phải tắm rửa sạch sẽ để làm "oản" đồ cúng chay, trong mâm chay oản có bánh chay làm từ gạo nếp và đậu; ông cai làng (trùm phe) là người phụ trách mổ heo, gà, bò để làm cỗ, trong đó có mâm cúng gồm: xôi, gà, chè, chuối và rượu ngọt (được làm từ rượu mật, rượu mía và rượu sả). Sau đó, thầy mo dâng mâm cúng lên báo cáo với bề trên những việc đã làm được trong năm qua và ôn lại quá trình lập làng, lập nước cho con cháu nghe.

Trên địa bàn xã Hòa Thắng có 7 đình gồm: Lạc Sơn, Lạc Sơn 2, Thịnh Lang 1, Thịnh Lang 2, Mường Pi, Thạch Yên, Cao Phong. Mỗi đình có nhiều mường, mỗi mường có cách cúng khác nhau, nhưng chủ yếu có các nghi lễ như: mo mát nhà, mo mừng thọ, mo cầu phúc, ốm đau, người chết...

Thầy mo Thành cho hay, đối với lễ tang khi được gia chủ mời đến, thầy mo sẽ trải chiếu ngồi làm lễ nhập quan cho đến khi xong công việc mới quấn chiếu về.

Đêm đầu tiên của người mất, thầy đặt cơm để cúng và ngồi bên cạnh kể chuyện cho người mất nghe từ đầu đêm cho đến 4 giờ sáng hôm sau (đây được gọi là mo kể chuyện).

Thầy kể chuyện tại sao lại có con người, chuyện đẻ đất đẻ nước, tại sao có lửa, tại sao có nhà, có nước...; kể từ lúc ta sinh ra đến khi lớn (tại sao phải chết, lý do chết, trả công đức cho cha cho mẹ....).

Thầy mo Bùi Văn Thành (bìa phải) chia sẻ về nghề thầy mo của mình.

Với mỗi gia đình người Mường khi có người ốm đau, hay nhà có người già, người mất hoặc muốn cầu an cho gia đình; tẩy trần nhà.... thì gia chủ đến mời thầy mo tới làm lễ cúng. Hay khi gia đình có người ốm đau liên tục thì gia chủ sẽ cầm áo của người bệnh đến nhà thầy mo nhờ thầy soi giúp xem con cháu ốm đau như thế nào để chữa bệnh. Đối với các dòng họ lớn của người Mường là Đinh, Quách, Bạch, Hà, Cao, Sa hoặc khi làm lễ bắt ma từ 5 cấp 5 cờ trở lên thì thầy mo phải mang sắc phục và đội mũ bông beo để làm lễ.

"Không phải ai cũng có thể học nghề thầy mo được, mặc dù có nhiều người theo học về nhưng không làm được hay làm được nhưng không đúng với phong tục, tập quán của người Mường, chính vì vậy mà "chân truyền" của thầy mo vừa phải là người có duyên, tâm huyết, ham học hỏi và cố gắng rất nhiều, cũng như phải có niềm tin", thầy mo Thành chia  sẻ.

Anh Bùi Văn Báu (SN 1980) đã có 10 năm đi theo thầy mo Thành để học hỏi kinh nghiệm cho biết: trước đây ông nội của anh cũng làm thầy mo nên từ nhỏ anh đi theo ông ra đình làng, thấy ông cúng thì anh học theo, sau này lớn lên anh xin đi theo thầy mo Thành vừa để học nghề, vừa mong muốn tiếp tục duy trì phong tục tập quán mà ông cha để lại. Anh đã có 5 năm học hỏi để biết mỗi năm có bao nhiêu ngày lễ; cách chuẩn bị, sắp xếp đồ lễ, học các bài cúng, khi thầy cúng thì anh chú ý nghe và nhớ.... và 5 năm đi theo thầy Thành làm lễ đến nay, anh tự chuẩn bị đồ lễ để cúng ở nhà mình.

Xã hội ngày càng phát triển, nhiều thứ đã thay đổi theo hướng thuận lợi hơn nhưng thầy mo vẫn có vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống của bà con ở làng Mường. Thầy mo trở thành người đặc biệt "người giữ đất, giữ mường" của người Mường, góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người Mường nói riêng và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

Kim Huế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.