Multimedia Đọc Báo in

“Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên”

07:09, 01/05/2024

Mùa xuân Ất Mão 1975 là mùa xuân chiến trận. Súng đạn vẫn rền vang khắp các nẻo đường.

Mùa xuân Bính Thìn 1976 mới thật sự là mùa xuân hòa bình, thống nhất. Mùa xuân đầu tiên non sông liền một dải sau hơn 20 năm chia cắt. Hoa mai, hoa đào cùng nở chào xuân trong bầu không khí hòa bình thật sự.

Bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao ra đời vào mùa xuân đó, xuân Bính Thìn 1976, Xuân hòa bình - Tết thống nhất. “Mùa xuân đầu tiên” cũng là nhạc phẩm đầu tiên Văn Cao trở lại với âm nhạc, sau gần 30 năm chìm trong im lặng. Đất nước im đạn bom, hai miền Nam - Bắc đã thống nhất. Niềm vui cũng vỡ òa trong trái tim của người nhạc sĩ đã từng viết “Tiến quân ca”. “Bố viết bài này để mừng đất nước thống nhất, nhân dân mình đoàn tụ” - Văn Cao nói với con trai mình là Văn Thao và là nhân chứng của bài hát có số phận rất đặc biệt này.

Ít người biết rằng, bài hát đó đã được đăng đầu tiên trên Báo Sài Gòn Giải Phóng xuân Bính Thìn 1976. Hơn 30 năm sau (năm 2008), nhạc sĩ Trương Quang Lục cho biết thêm một tư liệu về việc ra đời bài hát này. Để chuẩn bị nội dung cho số báo xuân đầu tiên đất nước thống nhất, Ban Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng quyết định mời nhạc sĩ Văn Cao, lúc đó đang ở Hà Nội, viết một ca khúc mới cho số báo đặc biệt này. Nhạc sĩ Văn Cao vui vẻ nhận lời. Và bài hát “Mùa xuân đầu tiên” đã được công bố lần đầu tiên trên số báo Xuân hòa bình - Tết thống nhất đầu tiên ấy.

Nhưng bài hát ấy không phải chỉ được viết trong vài ngày mà tòa báo “đặt hàng”. Trong một cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhạc sĩ Văn Cao tâm sự rằng ông đã thai nghén cái “tứ nhạc” này từ sau ký kết Hiệp định Paris (tháng 1/1973), nhưng phải đến mùa xuân thống nhất đầu tiên năm 1976 ông mới hoàn thành tác phẩm.

Nhạc sĩ Văn Cao với những lời đánh giá về tuyệt phẩm “Mùa xuân đầu tiên”. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường, mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông. Một tia nắng vui cho bao tâm hồn...”. Bài hát mở đầu bằng “mùa bình thường” nhưng lại có số phận rất đặc biệt. Bài hát được công bố trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngay từ đầu năm 1976, và sau đó được phát trên đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng dường như không ai biết. Trên các diễn đàn âm nhạc suốt những năm sau đó, chỉ thấy nhắc tới Văn Cao với “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Công nhân Việt Nam”... Có lẽ, giai điệu nhẹ nhàng của điệu valse lãng mạn cùng lời ca hiền hòa, thiết tha của bài hát này không hợp với không khí hào hùng của những năm vừa thắng trận. Và như lời tâm sự của Văn Cao: “Mọi người đang reo ca đang tưng bừng chào đón ngày mới về trên Tổ quốc, còn điệu valse xướng lên lúc ấy có vẻ... nhẹ nhàng quá!” (theo bài “Điệu valse da diết ngày đoàn tụ”, Tân Linh - Báo Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015).

 Có một điều rất bất ngờ mà ngay cả Văn Cao cũng không hay, ngay trong năm 1976, bài hát “Mùa xuân đầu tiên” đã được in ở nước Liên Xô và tác giả được trả nhuận bút 100 rúp, mà nhiều năm về sau ông mới biết và ủy quyền cho con gái ông đang học ở Liên Xô nhận thay.

Đến năm 1988, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tập nhạc “Thiên Thai” của Văn Cao có bài “Mùa xuân đầu tiên” nằm ở vị trí cuối cùng theo thứ tự thời gian sáng tác của ông. Nhưng lúc này, trong không khí đổi mới đầy hào hứng, người ta dành thời gian nhiều hơn để hát lại “Thiên Thai”, “Suối mơ”, “Trương Chi”- những ca khúc lãng mạn nổi tiếng của Văn Cao. Suốt những năm cuối thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990 được xem là thời kỳ “phục sinh” của Văn Cao, người yêu âm nhạc vẫn chưa biết đến “Mùa xuân đầu tiên”. Cuối năm 1991, khi Hội Việt kiều yêu nước tại Pháp làm video ca nhạc về cuộc đời Văn Cao, tác giả kịch bản Nguyễn Thụy Kha đã đưa “Mùa xuân đầu tiên” vào một đoạn dài. Bài hát được ca sĩ Quốc Đông hát với phần đệm đàn organ của nhạc sĩ Hoàng Lương. Nhưng phim đó chủ yếu chiếu ở nước ngoài, nên người trong nước không mấy ai được xem.   

Năm 1993, trong đêm nhạc mang tên Văn Cao được tổ chức ở Hà Nội, nữ ca sĩ Minh Hoa của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội đã trình diễn “Mùa xuân đầu tiên”. Đó là lần đầu tiên bài hát này được hát trên sân khấu ca nhạc chính thống. Mãi cho đến năm 1995, vào dịp 49 ngày mất của ông, một đêm nhạc Văn Cao được tổ chức tại Đà Nẵng, “Mùa xuân đầu tiên” lại được giới thiệu thêm lần nữa, bởi các ca sĩ Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Bắt đầu từ đó, “Mùa xuân đầu tiên” lan tỏa ra đời sống, có mặt trên các sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp, các phòng trà âm nhạc ở khắp nơi trong nước. Từ khoảng năm 2000 đến nay, “Mùa xuân đầu tiên” luôn là điểm nhấn của các chương trình âm nhạc đón năm mới trên sóng của nhiều đài truyền hình.

Mùa hòa bình, mùa thống nhất - đó là “mùa bình thường” như lời của nhạc sĩ Văn Cao - mà lẽ ra người dân Việt Nam đều phải được hưởng, một cách bình thường như mọi con người khác trên thế giới. Thế nhưng, chiến tranh và chia cắt đã khiến cho niềm vui bình thường đó trở thành một nỗi khát khao cháy bỏng của người Việt bấy giờ. Vì vậy, khi hòa bình về, thống nhất đến, người ta phải trào dâng cảm xúc với những giai điệu hùng tráng, sôi nổi.

Còn lúc này, lúc mà đất nước đã trải qua gần nửa thế kỷ hòa bình và thống nhất, thì giai điệu nhẹ nhàng, thiết tha, và lời ca da diết tình người, mới là giai điệu của đời sống hôm nay: “Từ đây người biết thương người/Từ đây người biết yêu người”…

Minh Dân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.