Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo lễ cầu mưa của dân tộc Cor

08:11, 09/06/2024

Dân tộc Cor có số dân khoảng 40.000 người, chủ yếu sinh sống ở các huyện Trà Bồng, Tây Trà (Quảng Ngãi) và huyện Bắc Trà My (Quảng Nam).

Cũng như các dân tộc khác, người Cor luôn quan niệm rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có linh hồn, đều có thần linh ngự trị, chi phối mọi mặt của đời sống con người.

Chủ yếu sống nhờ vào trồng trọt, chăn nuôi, lại ở vùng rừng núi, người Cor luôn mong muốn những thế lực siêu nhiên có thể trấn áp, chế ngự thiên tai, hiểm họa, ngăn ngừa điều xấu, mang đến điều lành.

Vì vậy, hằng năm người Cor có rất nhiều lễ tục cúng bái, thực hành nhiều điều kiêng kỵ. Trong đó, lễ cầu mưa là một trong những nghi lễ quan trọng của người Cor vẫn được lưu truyền đến ngày nay.

Truyền thuyết kể rằng, từ thời xa xưa, tại một ngôi làng nhỏ dưới chân núi Răng Cưa, nắng hạn kéo dài triền miên, làm cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, ốm đau bệnh tật, đói ăn, thiếu mặc. Đi đến đâu cũng thấy bầu không khí ảm đạm, sự sống yếu ớt.

Trước tình hình đó, chủ làng bàn bạc với những người khỏe mạnh còn lại trong làng chuẩn bị lễ vật tổ chức nghi thức cầu mưa. Nghi thức cúng cầu mưa được tổ chức ở hai nơi: cúng trong làng và cúng bên bờ suối.

Trong làng, đồng bào chuẩn bị nhiều lễ vật như gà sống, heo sống, trầu cau, rượu, nước lã, chén gạo, bánh nhót do cả làng cùng đóng góp và tham gia cúng.

Chủ làng lần lượt bày biện lễ vật và đốt sáp ong (đikthup) và hướng lên trên trời khấn vái nữ thần Mo Huýt (Thần Mưa): “Hỡi thần mặt trời, hỡi thần đất, hỡi nguồn nước nữ thần Mo Huýt. Con nai trên rừng khát nước. Cây cối héo khô, sông suối cạn kiệt, đất đai khô cằn. Dân làng đói khát, ốm đau, bệnh tật. Hôm nay, dân làng con làm lễ hiến sinh gà, cùng các lễ vật khác như trầu cau, rượu, nước lã, gạo, bánh nhót lên các vị thần, đặc biệt là nguồn nước nữ thần Mo Huýt. Thần hãy cho trời mưa xuống, cứu sống buôn làng, cứu sống vạn vật. Hú...”.

Lễ cúng cầu mưa của dân tộc Cor.

Sau khi cúng hiến sinh trong làng, chủ làng gọi bà con đem gà vào nấu chín để mang ra bờ suối - nơi linh thiêng nhất trong làng để cúng.

Chủ làng cùng người dân ra bờ suối khoét 5 cái lỗ bên bờ suối, độ sâu khoảng một gang tay, mỗi lỗ cách nhau cũng chừng một gang tay. Đồng bào tạo thành hai hàng, hàng trước 3 lỗ, hàng sau 2 lỗ.

Sau đó họ dùng những chiếc mo cau duỗi ra cho ngay thẳng và cắt thành 5 miếng hình tròn úp lên các lỗ, đồng bào gọi là “trống đất”. Mỗi cái “trống đất” được chống bởi cây rừng vót lớn hơn ngón tay và chèn dây mây lên trên đỉnh. Mỗi cây nối với các “trống đất” thể hiện sự kết nối sức mạnh của các vị thần.

Khi lắp đặt xong giàn “trống đất”, chủ làng cất lời khấn vái: “Hỡi thần mặt trời, hỡi thần đất, hỡi nguồn nước nữ thần Mo Huýt, thần núi, ông bà… (Khi gọi tên một vị thần, chủ làng gõ vào một cái “trống đất” tượng trưng cho vị thần đó). Con nai trên rừng khát nước. Cây cối héo khô, sông suối cạn kiệt, đất đai khô cằn. Dân làng đói khát, ốm đau, bệnh tật. Hôm nay, chúng con làm lễ hiến sinh gà, cùng các lễ vật khác như trầu cau, rượu, nước lã, gạo, bánh nhót lên các vị thần, đứng đầu là nữ thần Mo Huýt giữ nguồn nước. Hãy cho trời mưa xuống, cứu sống buôn làng, cứu sống vạn vật. Hú...”. Chủ làng liên tục đánh “trống đất” và cầu xin nữ thần nước.

Như thấy được nỗi khổ của người dân, thần Mo Huýt làm cho trời sấm chớp, những hạt mưa bắt đầu xuống. Dân làng vui mừng, mang các vật dụng ra đựng nước. Từ đó vạn vật được sinh sổi nảy nở, những con thú tung tăng khắp rừng, cây cối xanh mướt, hoa tươi khoe sắc bên đồi. Năm đó bà con dân làng được mùa no đủ.

Chủ làng đem ống nước thiêng cùng với bà con dân làng vào rừng nơi máng nước đầu nguồn hứng lấy những dòng nước mát mang về làm lễ tạ ơn nữ thần Mo Huýt. Cả làng hân hoan, các chàng trai thi nhau gõ trống, đấu chiêng đôi, các cô gái uyển chuyển trong điệu múa ka đáu truyền thống.

Cô gái Cor hứng nước trong lễ cầu mưa.

Lễ cầu mưa là biểu hiện thực hành tín ngưỡng đa thần của cư dân canh tác nông nghiệp lúa rẫy vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Các dân tộc Êđê, Jrai, Banar, Xê đăng, Giẻ - Triêng... cũng đều có nghi lễ này trong hệ thống lễ nghi nông nghiệp. Khi trời nắng hạn, lễ cầu mưa của dân tộc Cor được thực hành để cầu xin nữ thần Mo Huýt cho mưa thuận gió hòa.

Ngày nay, bà con bỏ dần tập quán canh tác nương rẫy, làm lúa nước phổ biến nhờ chủ động được nguồn nước tưới tiêu từ hệ thống thủy lợi chứ không phụ thuộc vào nước trời. Song, với những nét độc đáo của nghi lễ và ý nghĩa nhân văn của nó nên lễ hội này vẫn được bà con gìn giữ, tái hiện, phục dựng và trình diễn trong hội làng, ngày hội giao lưu văn hóa các cấp.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc