Multimedia Đọc Báo in

Đặc sắc lễ cúng cầu sức khỏe của dân tộc Cor

14:55, 07/11/2021

Bên cạnh chuỗi các lễ hội truyền thống như: lễ ăn mừng cơm mới, lễ ăn mừng nhà mới, lễ cầu mưa, lễ giả rạ, lễ ăn trâu huê cùng với nhiều lễ thức trong chu kỳ sản xuất... thì nghi lễ cúng cầu sức khỏe là một nghi lễ quan trọng không thể thiếu trong chu kỳ đời người của đồng bào Cor ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Đây là dịp để các thành viên trong gia đình người Cor được quây quần, thưởng thức những món đặc sản truyền thống...

Lễ cúng cầu sức khỏe là một trong những nghi lễ quan trọng trong vòng đời của đồng bào Cor. Những người Cor từ 60 tuổi trở lên và những người già trường thọ thì mỗi năm đều tổ chức lễ cúng cầu sức khỏe. Nghi lễ này thể hiện sự tôn kính, hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ và người thân đã khuất. Đồng thời qua nghi lễ này, người Cor cầu mong các đấng thần linh, ông bà tổ tiên chở che, phù hộ cho con cháu không bị ốm đau bệnh tật, luôn được khỏe mạnh, gia đình đoàn kết, hạnh phúc.

Chủ nhà thực hiện lễ cúng thần linh cầu sức khỏe cho gia đình mình.

Theo truyền thống của người Cor, các phẩm vật cúng được bày biện trên nhiều mâm trong nhà khi tất cả các con trai, con gái, cháu tập trung đầy đủ. Trong lễ cúng cầu sức khỏe phải có 10 mâm.

Trong đó, mâm lớn nhất đặt ở giữa là đầu heo và các bộ phận của heo, gan, lòng heo, đặt hai cây đèn bằng sáp ong đang cháy. Ba mâm dành cho thần đất, thần trời, thần núi, mỗi mâm là một con gà luộc chín cùng các bộ phận của lòng gà. Sáu mâm nhỏ nhất còn lại cũng có thịt, gan, lòng nhưng được thái rất nhỏ, mỗi thứ một ít và trên đó còn đặt sáu ly rượu.

Mỗi mâm đều phải có một lá trầu được chấm ba miếng vôi cùng ba miếng cau tươi. Đặc biệt, mâm cúng ông bà tổ tiên còn có cặp đùi heo còn sống đặt hàng trên cùng sát tường, được lót lá chuối rừng.

Bên cạnh đó, còn có những chén rượu, tô nước và cũng không thiếu một chai nước và một chai rượu trắng.

Lễ cúng cầu sức khỏe của người Cor thường tổ chức từ 9 đến 10 giờ sáng. Khi lễ vật đã chuẩn bị đầy đủ, chủ nhà là người thực hiện nghi lễ cúng ngồi xuống chiếc chiếu bên các lễ vật.

Chủ nhà thắp đèn, bưng cái mâm. Nghi thức cúng phải trải qua hai công đoạn: Cúng thần linh và cuối cùng là cúng ông bà tổ tiên, cha mẹ và những người thân đã khuất. Gia chủ khấn vái xin các vị thần sông, thần suối, thần núi, thần trời, thần đất, thần rừng... phù hộ cho mọi người trong gia đình được khỏe mạnh, không ốm đau; rồi chủ nhà một tay cầm chuỗi cườm có đính lục lạc rung đều mời gọi lần lượt hết các thần, sau đó chủ nhà lại dùng tay kia bốc những dải lá chuối xé nhỏ làm thủ tục chấm phép vào tô rượu cúng rồi bỏ lên đầu mình, tiếp tục bốc dải lá chuối chấm vào tô rượu cúng, lần lượt bỏ lên đầu người vợ và các con cháu trong nhà nhằm xua đuổi những điều xấu, cầu mong được may mắn, sức khỏe dồi dào.

Nghi lễ này diễn ra chừng hơn một giờ và kết thúc là mời họ hàng thân thuộc, bạn bè, hàng xóm trong làng về chung vui cùng gia đình. Mọi người quây quần bên mâm cơm cùng gia chủ ăn, uống rượu chúc cho gia chủ và mọi thành viên trong gia đình sức khỏe.

Chủ nhà với nghi thức cầm dải lá chuối chấm phép bỏ lên đầu mình, đầu người vợ và các con, cháu trong nhà nhằm xua đuổi những điều xấu, cầu mong được may mắn, sức khỏe dồi dào. 

Lễ cúng cầu sức khỏe là một phong tục đẹp trong sinh hoạt văn hóa, phản ánh đậm nét đời sống, tinh thần của người Cor. Đến nay, nghi lễ này vẫn được cộng đồng dân tộc Cor ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) duy trì, gìn giữ vẹn nguyên.

Văn Gia Phúc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.