Multimedia Đọc Báo in

“Viết là để phụng sự người đọc…”

08:46, 16/06/2024

(Nhân đọc tập sách “Trước nhà có cây hoàng mai” của nhà báo Minh Tự, NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2024).

Vào dịp Festival Huế năm nay, nhà báo Minh Tự đã ra mắt tập sách “Trước nhà có cây hoàng mai” bằng hai phiên bản độc lập với hai thứ tiếng Việt và Anh, được nhiều người đón nhận.

Đúng hơn là tập sách này in lại lần thứ hai, có nhuận sắc và bổ sung một số bài viết. Lần đầu sách ra mắt bạn đọc bởi NXB Trẻ vào năm 2016. Vừa rồi NXB Phụ Nữ Việt Nam đề nghị tái bản và đặc biệt có thêm bản in tiếng Anh.

Ngay trong hôm ra mắt, với sự có mặt của nhiều nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, học sinh, hướng dẫn viên du lịch…, nhà báo Minh Tự khi giao lưu với bạn đọc đã giãi bày tâm can: “Tôi muốn viết sách giới thiệu về Huế chính xác, ngắn gọn và dễ hiểu, viết một cách khách quan nhưng bằng cả tâm hồn của mình. Viết là để phụng sự người đọc…”.

Nhà báo Minh Tự trong buổi ra mắt sách.

Tập sách hơn 200 trang với những bài viết đáng chú ý về sự ăn, sự ở, sự chơi, sự đọc, nắng mưa… của người Huế và xứ Huế nhẹ nhàng, tinh tế và lịch lãm. Trong bài “Nơi trú ngụ của tâm hồn Huế”, tác giả tỏ bày cảm xúc trước một-ngôi-vườn-tâm-hồn, tuy quen vì đã đến nhiều lần, nhưng mà vẫn thấy lạ, vẫn thấy cần tiếp tục khám phá: “…

Ở đó, có một khu nhà vườn nổi tiếng có cái tên rất Huế: vườn An Hiên. Khi người Huế đàm luận về nhà vườn hoặc giới thiệu cho du khách, An Hiên vẫn là cái tên được nhắc đến đầu tiên. Ngôi nhà vườn này cũng là nhân vật chính trong tuyệt phẩm bút ký Hoa trái quanh tôi của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường…”.

Nhà báo Minh Tự đã chạm đến một đặc trưng rất Huế: nhà vườn Huế, nghĩa là nhà được vườn bao quanh, che chở; trong vườn lại có nhà, một sự hòa hợp cao độ giữa con người với thiên nhiên và đó cũng là nơi trú ngụ của tâm hồn Huế. Chẳng trách khi kết thúc bài viết, tác giả gửi gắm lòng mình: “…và ngôi nhà rường cổ cũng như khu vườn um tùm mà họ giấu mình trong đó, chính là cách họ nói về mình vậy.

Nếu bạn đã bước vào nơi trú ngụ của tâm hồn người Huế, nhất là vào buổi sáng mùa xuân như thế này, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ thắc mắc vì sao Huế ít nhà cao tầng đến vậy”.

Còn trong bài viết “Trước nhà có cây hoàng mai”, tác giả đoan chắc với nhận định sau khi đã quan sát, ngẫm ngợi nhiều lần: “ …Nói vậy cũng chỉ để bạn thấy người Huế quý hoa mai đến dường nào. Quý đến mức tôn thờ như một linh vật.

Có thể nói, với người Huế, hoàng mai là linh hoa. Nhà nào cũng có một cây mai vàng trước sân. Cung điện của vua trước sân trồng mai vàng. Nhà dân bần hàn cũng mai vàng trước ngõ. Từ đường của dòng họ thì chắc chắn không thể thiếu cây hoàng mai. Vườn chùa Huế mà thiếu mai vàng như thể chùa vắng bóng Phật. Nhà thờ Chúa với kiến trúc rặt Âu châu cũng không thể thiếu cây mai vàng…”.

Tâm hồn, cốt cách, phong vị Huế còn là chuyện ẩm thực như “Dấu xưa Gia Hội”, “Xứ Huế “phố ẩm, phường thực”, “Không ai ăn hai lần trên một tô bún bò Huế!”, “Người Huế ăn mè xửng”… cũng rất thú vị hay chuyện “Còn ai đội nón?” và ““Hai thầy Phan” nghiên cứu Huế”…

Chẳng hạn như khi người viết bàn về tô bún bò Huế, thuộc loại đệ nhất ẩm thực xứ Huế, vốn cũng là một đề tài thường dễ gây tranh cãi: “Theo tôi, Huế trong tô bún bò Huế chỉ nên là cái chất Huế, chứ không thể là một công thức bất di bất dịch. Đó là cái chất ngọt đậm đà dân dã của ruốc - cái vị độc nhất vô nhị, chỉ bún bò Huế mới dùng đến. Đó là cái mùi thơm nồng của sả, nguyên một bó sả, đập dập nấu nhừ trong nồi nước dùng. Đó là cái vị của ớt bột tao mỡ thành một lớp màng đỏ trên nồi nước, nên dù không bỏ ớt vào tô bún mà vẫn thấy cay… Hay nói một cách đầy đủ và chính xác hơn là, chất Huế ấy là cái hồn, không thấy được vì nó đã hòa tan trong “máu thịt”, trong “hơi thở” của người Huế” (“Không ai ăn hai lần trên một tô bún bò Huế!”).

Người đọc trân quý hai người đọc sách, hai bậc thức giả đáng kính là thầy Nguyễn Hữu Châu Phan và thầy Hồ Tấn Phan: “…cả hai thầy Phan đều quá mê sách, sống chết với sách, như thể số phận đã ràng buộc họ với những trang giấy thơm mùi mực in cùng với những con chữ cổ kim đông tây ấy” (““Hai thầy Phan” nghiên cứu Huế”).

Tác giả với lối viết của một nhà báo chuyên nghiệp và tận tâm, tôn trọng sự khách quan và chính xác, biến những điều khó hiểu, mang tính hàn lâm, bác học thành những điều dễ hiểu, dễ nhớ; và khi cần có cả những thao tác của nhà nghiên cứu như tìm hiểu thực tế kỹ càng, tìm đọc tư liệu, sàng lọc thông tin và kiến giải, mang lại cho người đọc những trang viết dung dị và đáng tin cậy.

Đó cũng là cách nhà báo, những người viết lách nói chung tận tụy và thiết thực trong nỗ lực phục vụ bạn đọc, phục vụ cộng đồng.

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.