Multimedia Đọc Báo in

Đi tìm điệu “Tiếng ếch ngoài ao hồ”

05:57, 22/09/2024

Trong kho tàng văn hóa dân gian của người Êđê, có nhiều nhịp điệu dân ca mang âm hưởng từ lao động, cuộc sống giúp người nghe cảm nhận được vẻ đẹp yên bình, mộc mạc của buôn làng xưa…

Nhìn những cơn mưa rả rích, nghệ nhân Y Duê Niê ở buôn Kô Siêr, phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) trầm ngâm: “Cứ vào mỗi mùa mưa thế này, tôi lại nhớ điệu “Ênai ayik enao” (Tiếng ếch kêu ngoài ao, hồ) mà đội chiêng xưa thường biểu diễn”.

Cũng theo lời của nghệ nhân Y Duê, thuở trước, vào những ngày tháng 4, tháng 5, khi đồng bào Êđê bắt đầu thu hoạch lúa bằng dụng cụ là một thanh tre cầm tay, trong lúc nghỉ ngơi dưới tán cây xanh, mọi người cùng vui vẻ trò chuyện và thổi những nhạc cụ quen thuộc như đing năm, đing tăk tà…

Một lần tình cờ, có người dùng dụng cụ thu hoạch lúa, vỗ xuống đất và tạo nên những âm thanh “ộp ộp, bộp bộp…” rất lạ tai, từ đó đồng bào làm ra đing ktul. “Khi nghe bài này, người nghe có cảm giác như đang đi qua ao, hồ và được thưởng thức những âm thanh bình yên của dàn đồng ca từ những chú ếch, nhái” - nghệ nhân Y Duê nói.

Nghệ nhân Y Duê Niê (phải) và Y Míp Ayun (trái) trình diễn đing ktul.

Nghệ nhân Y Míp Ayun, ở buôn Kô Siêr, năm nay đã 82 tuổi. Theo nghệ nhân, để trình diễn bài nhạc này, phải có đủ bộ đing ktul và thường có 6 người trình diễn. Bộ nhạc cụ đing ktul làm bằng những ống tre già, gồm 6 chiếc lần lượt có tên là: knah, hliang, khơk, hluê khơk, hluê hliang và hluê khơk điêk. Các đing ktul có độ dài khoảng 40 - 60 cm, một đầu bịt kín, còn đầu kia để hở. Để sử dụng, nghệ nhân sẽ dộng đầu kín xuống đất, tay còn lại úp, mở đầu hở tùy theo nhịp điệu, cộng hưởng theo độ dài, ngắn tạo nên các âm thanh tương hỗ nhau.

Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân cho biết, bài “Ênai ayik enao” là bài nhạc mà chỉ riêng đội nghệ nhân cồng chiêng ở buôn Kô Siêr thực hiện. Âm hưởng của bài này tạo nên nét đặc trưng, gợi lên hình ảnh của những buôn làng xưa yên bình trong những cơn mưa bên mái nhà dài. Một điểm riêng của bài nhạc này chính là phải sử dụng nhạc cụ đing ktul và phải gõ xuống nền đất, còn nếu gõ trên nền gạch… thì không thành âm. Về sau, các nghệ nhân cũng sáng tạo thêm một cái đế riêng, người nghệ nhân khi gõ xuống cũng tạo âm thanh tương tự và dùng trong biểu diễn.

Nghệ nhân Y Míp Ayun cùng bộ đing ktul.

Ông Bùi Thanh Gấm, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lập cho biết, toàn phường có hơn 7.000 hộ với 28.414 khẩu, trong đó, đồng bào Êđê có 688 hộ với 3.092 khẩu, sinh sống chủ yếu ở buôn Păn Lăm và buôn Kô Siêr.

Thời gian qua, phường thường xuyên phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Riêng trong dịp hè 2024, phường đã tổ chức 2 lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh, thiếu niên trên địa bàn…

Qua những hoạt động này, các nghệ nhận có thể dạy thêm những điệu nhạc, bài hát và điệu dân vũ độc đáo riêng để lớp trẻ gìn giữ, tiếp nối và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng độc đáo của dân tộc mình.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc