Multimedia Đọc Báo in

“Buông neo” hồn thơ vào biển đảo

15:02, 06/10/2024

Nhà thơ Bùi Minh Vũ vừa ra mắt tập thơ “Buông neo” (NXB Hội Nhà văn, 2024) gồm 113 bài thơ viết về đề tài biển đảo.

Cảm hứng chung của tập thơ là tình cảm mến yêu, cảm phục, trăn trở và gắn bó tâm hồn với biển đảo, với Trường Sa, Hoàng Sa, với những người lính đảo và người dân bám biển. Có thể nói, Bùi Minh Vũ đã “Buông neo” hồn thơ vào biển đảo của Tổ quốc: “Sóng ngọt như hoa trái lững lờ thè chiếc lưỡi/ Bình minh trườn qua con chữ/ Bài thơ quyết liệt buông neo/ Như cột mốc đứng thẳng” (Buông neo).

Trong tập thơ, hình ảnh biển đảo Tổ quốc hiện lên thật đẹp: “Trời vừa hừng sáng/ Đảo như thân thể mỹ miều/ Giữa làng quê ghì chân tôi thăm thẳm” (Trời hừng sáng). Biển là nguồn tài nguyên vô tận đem lại cho con người cuộc sống ấm no: “Ngoài khơi ghe chói sáng/ Bầy cá cơm ăn đèn/ Biển như vòng tay mẹ/ Ấm sang đời cháu con” (Âm vang). Đó là hình ảnh tàu thuyền ra biển bảo vệ chủ quyền hay đánh bắt hải sản, hình ảnh những người lính đảo và sự hy sinh thầm lặng của họ để giữ vững biển đảo Tổ quốc, hóa thân thành những mốc chủ quyền: “Chợt thấy những chiếc mũ trắng/ Một ngôi sao/ Hai ngôi sao/ Ba ngôi sao/ Sắp hàng luồng ánh sáng chói chang” (Ánh sáng).

 Hình ảnh những ngư dân ngày đêm bám biển sản xuất và giữ biển, những dân binh từ ngày xưa theo lệnh vua ra cắm mốc chủ quyền quốc gia trên đảo: “Người đi Trường Sa cắm mốc/ Người đi Hoàng Sa cắm mốc/ Cõi mở rồi/ Ở lại” (Mở cõi). Hình ảnh những chiếc lá bàng vuông như một biểu tượng của Trường Sa, Hoàng Sa được lặp lại trong nhiều bài thơ thật ám ảnh: “Những lá bàng vuông đung đưa biển gió/ Như chiếc mo cau mẹ quạt ngày xưa” (Hoa cau trắng)…

 

Cùng với đó là hình ảnh “cái tôi” nhà thơ, thể hiện tình cảm gắn bó với biển đảo, hóa thân vào biển đảo: “Tôi tô lại chữ Trường Sa/ To như rạn san hô như đảo chìm đảo nổi/ Như khoảng trống trên trời/ và tôi nhìn/ Thấy tôi ở đó” (Tô chữ). Nhà thơ thấy mình gắn bó với biển như con sóng, như đàn hải âu: “Nắng chiều/ Lưa thưa ốm/ Hải âu bay vội vàng/ Sóng như chàng thi sĩ/ Ngẩn ngơ chờ/ Mùa sang” (Ru mùa). Khát vọng gắn bó với biển đảo được thể hiện khá sinh động bằng việc hoá thân vào hình ảnh sóng, gió: “Đôi khi muốn làm gió/ Cưỡi sóng biển khuya/ Đôi khi muốn làm sóng/ Lờn vờn quanh Hoàng Sa” (Đôi khi).

Về phương diện nghệ thuật, điểm nổi bật ở tập thơ là nhà thơ đã chuyển hẳn sang phương thức biểu hiện của thơ siêu thực. Đây là một trong những hướng đổi mới thơ Việt Nam đương đại. Người đọc nhận ra hình ảnh siêu thực rất tiêu biểu trong bài “Ghi chép bên đường”: “Ký ức trườn qua/ Khoanh tròn/ Con rắn lục/ chạm vào nắng tím làng tôi”. Tác giả vận dụng triệt để phương thức lạ hóa để xây dựng hàng loạt những hình ảnh so sánh siêu thực: “Sóng ngọt như hoa trái lững lờ thè chiếc lưỡi” (Buông neo); “Sóng như chàng thi sĩ/ Ngẩn ngơ chờ mùa sang” (Ru mùa); “Tiếng sóng vọng vào giấc mơ/ tha thiết ngày xa nhà/ vàng như hoa vạn thọ/ lướt thướt đôi mắt Song Tử Tây” (Tiếng sóng)… Có những hình ảnh của ảo giác, hình ảnh trong giấc mơ, đó là những ẩn dụ siêu thực: “Đêm qua/ Tôi thấy những linh hồn trắng/ Tựa vào nhau/ Cong cong như chiến hào” (Những linh hồn trắng) và những ẩn dụ siêu thực có sức gợi hình, gợi cảm: “Tôi thấy ngoài Trường Sa/ Những ngôi sao chân thật/ Những ngôi sao sắp hàng/ Những ngôi sao đi rầm rập” (Phát sáng)…

Nhà thơ sáng tạo cách trình bày mới mẻ trong bài “Chú thích”: “Ta hớn hở/ Bước lên đảo chìm/ Đi qua bãi cọc/ Hiện lên chữ số/ 1/ 2/ 8/ 8”. Con số 1288 được cấu tạo thành 4 dòng thơ là phương thức lạ, gợi trí tò mò. Thì ra, những mũi đá nhọn dưới đảo chìm ở Trường Sa gợi hình ảnh bãi cọc Cao Quỳ trên sông Bạch Đằng đã làm tan tành đạo thủy quân hùng mạnh Nguyên Mông năm 1288. Một sự so sánh thú vị làm nổi bật sức mạnh của biển đảo Việt Nam, của con người Việt Nam trong sự nghiệp giữ vững chủ quyền Tổ quốc.

Có thể nói, “Buông neo” là một thể nghiệm khá thành công của Bùi Minh Vũ. Với một đề tài quen thuộc có tính thời sự nhưng nhà thơ đã có cách thể hiện mới mẻ và khá hấp dẫn, hình tượng thơ gợi được nhiều liên tưởng thú vị với người đọc. Tuy nhiên, lối thể hiện siêu thực “rất kén” người đọc vì gây khó khăn trong việc tiếp nhận, nhất là phần đông người đọc đại chúng. Nên chăng, dùng siêu thực như một thủ pháp nghệ thuật biểu hiện cho thơ trữ tình hiện thực thì người đọc dễ đồng cảm hơn, hiệu quả tác động sẽ lớn hơn!

Nguyễn Phương Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.