Multimedia Đọc Báo in

Đền Hai Bà Trưng - biểu tượng lòng yêu nước của người phụ nữ Việt Nam

09:03, 20/10/2024

Đền Hai Bà Trưng đặt tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội). Ngôi đền thờ hai vị nữ anh hùng của dân tộc cùng các tướng lĩnh tài ba trong công cuộc dựng nước và giữ nước luôn được xem là biểu tượng thiêng liêng về lòng yêu nước của người phụ nữ Việt Nam.

Đứng trước cổng tam quan ngôi đền, du khách như thấy lại hào khí thuở xưa được gợi lên qua biểu tượng hai Vua Bà cưỡi voi xung trận, vang đâu đây những câu thơ về lòng yêu nước và khí thế tiến công của Hai Bà: “Chị em nặng một lời nguyền/ Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân… Đô kì đóng cõi Mê Linh/ Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”.

Cổng tam quan đền Hai Bà Trưng với hình tượng hai vị Vua Bà cưỡng voi xung trận.

Qua ngôi đền Trình sau cổng tam quan là không gian quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng tọa lạc trên vùng đất bằng phẳng rộng 13 ha. Quần thể di tích là hệ thống tổng thể các công trình, sinh động, cổ kính với những nét kiến trúc tinh xảo, tài hoa được gợi lên qua cổng, mái đền, hoa văn họa tiết trên cột, cánh cửa, hoành phi, câu đối, văn bia, đồ thờ… được xây dựng, tạo tác và thiết kế hài hòa.

Sau cổng tam môn ngoại là bức phù điêu bằng đá uy nghi, ghi lại lời thề son sắt của Trưng Nữ Vương thuở xưa. Lời thề như lời sấm truyền, đã thể hiện sâu sắc lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý chí quyết tâm đứng lên phất cờ khởi nghĩa giành lại tự do, độc lập cho giang sơn, đất nước của người phụ nữ Việt Nam: “… Nguyện với chư vị tôn thần giáng đàn chứng giám cho lời thề ra sức giúp cho thiếp là Trưng Nữ cất quân đánh dẹp Tô Định để bảo vệ đất nước, cứu độ cho dân. Tỳ thiếp sẽ lấy lại muôn vật cũ của tổ tông, đặt sinh linh vào nơi yên ổn, đưa sinh linh ra khỏi chỗ hoạn tai, sau nữa là để không phụ ý hoàng thiên, thỏa lòng anh linh của các bậc tiên hoàng, an ủi cha ông nơi chín suối!”.

Ngôi đền chính thờ Hai Bà Trưng nằm dưới bóng xanh rợp mát của hai cây muỗm cổ thụ. Đây là điểm nhấn trong quần thể di tích. Trước tượng thờ Hai Bà Trưng, thắp nén nhang trầm tri ân công đức của hai vị Vua Bà cùng các tướng lĩnh, du khách như lắng nghe vang vọng đâu đây lời thề quyết tâm xưa: “Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng/ Ba kẻo oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.

Cung thờ lục bộ nữ tướng của Hai Bà Trưng.

Lời thuyết minh của hướng dẫn viên khu di tích giúp du khách như được trở về không khí của những năm 40, khi Hai Bà Trưng hiệu triệu phất cờ khởi nghĩa với khí thế oanh liệt, hào hùng. Những tư liệu lịch sử, những chiến công và tinh thần đoàn kết một lòng của hai vị Vua Bà và các tướng sĩ khắp mọi miền đã được tái hiện, gợi lên trong lòng người niềm tự hào dân tộc, niềm tôn kính các vị anh hùng dân tộc.

Tên tuổi của những nữ tướng anh hùng được ghi tạc tại đền Hai Bà Trưng đã để lại dấu ấn sâu đậm về lòng yêu nước của người phụ nữ Việt Nam. Đó là những người phụ nữ tài ba, giỏi giang, giàu lòng yêu nước ở mọi miền đất nước, sẵn sàng đứng lên dấy binh khởi nghĩa theo lời hiệu triệu của Hai Bà Trưng. Trong không gian thờ các nữ tướng, những tên tuổi đã đi vào lịch sử dân tộc như Thánh Thiên, Lê Chân, Bát Nạn, Nàng Nội, Lê Thị Hoa, Hồ Đề, Lê Ả Lan, Xuân Nương, Thiều Hoa, Đàm Ngọc Nga, Phật Nguyệt, Tam Nương, Nàng Quốc…

Trong quần thể di tích còn có các ngôi đền cổ kính khác tọa lạc bên tả, bên hữu của đền chính như đền thờ thân phụ, thân mẫu, thầy giáo của hai Vua Bà, đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách, thờ ông Thi Sách - chồng của Bà Trưng Trắc, đền thờ các nữ tướng, nam tướng là các tướng lĩnh tài giỏi của Hai Bà Trưng. Không gian nhà trưng bày mang đậm sắc màu cổ kính với các hiện vật khảo cổ, các sắc phong, đồ thờ. Những tác phẩm được tạo tác trong quần thể phía trước ngôi đền như hàng tượng voi đá chầu hai bên, hồ mắt voi với làn nước trong xanh in bóng mây trời, gác chuông, gác trống hai bên cổng… cũng mang đến cho du khách những ấn tượng sâu sắc.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Những ngôi nhà thắm tình đoàn kết
Đề án xây dựng 1.200 căn nhà cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không chỉ góp phần thiết thực bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước mà còn là một trong những chương trình trọng điểm, ý nghĩa chào mừng Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 -22/11/2024).