Multimedia Đọc Báo in

Họa sĩ Nguyễn Phan - những hoài niệm màu xanh

16:49, 27/10/2024

Họa sĩ Nguyễn Phan (1939 – 2010), tên thật là Phan Ngọc Nam, từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1962), tốt nghiệp Giáo khoa Hội họa tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (1963), Huy chương Bạc giải quốc tế tại La Mã (Rome, 1965) và đã có nhiều cuộc triển lãm riêng thành công tại Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP. Hồ Chí Minh…

Còn nhớ, những ngày đầu tháng 4/1975 ở TP. Đà Nẵng, cùng nhiều họa sĩ khác, Nguyễn Phan tham gia công tác tại Khu triển lãm Quảng Nam Đà Nẵng 84 Hùng Vương (sau đổi thành Trung tâm Văn hóa và Triển lãm Đà Nẵng). Trong mắt của chúng tôi, lúc ấy ông là một người đàn ông trung niên mạnh mẽ, năng động, đầy nhiệt huyết.

Chân dung họa sĩ Nguyễn Phan qua nét vẽ của Hoàng Đặng.

Ngoài sở trường tranh sơn dầu, Nguyễn Phan còn là tác giả thiết kế quy hoạch xây dựng, điêu khắc các Tượng đài Vĩnh Trinh, Tượng đài Cây Cốc… và nhiều công trình kiến trúc tại Quảng Nam Đà Nẵng như: Công viên 29-3, quy hoạch công viên và nhóm tượng trong khuôn viên Nhà máy dệt 29/3, Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh, Nhà khách Tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng, trang trí nội thất nhà khách Bệnh viện C… và tham gia nhiều phương án dự thi các công trình: Nhà lưu niệm Chợ Được (Thăng Bình), Khu trung tâm thương mại Chợ Cồn… Đây là dấu ấn khá khác biệt của Nguyễn Phan so với các họa sĩ, điêu khắc gia cùng thế hệ với ông. 

Một thời gian sau, Nguyễn Phan đưa gia đình vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống. Tháng 3/1993, ông lại trở về Đà Nẵng mở cuộc triển lãm tại 80 Hùng Vương, TP. Đà Nẵng. Đây có lẽ là một trong những cuộc triển lãm để lại dấu ấn đậm nét về phong cách sáng tác của ông. Không gian tranh của ông vẫn thường mang màu xanh, có chút gì đó u hoài, nhung nhớ...

Lần đó, trên catalogue của cuộc triển lãm, nhà văn Cung Tích Biền nêu nhận xét: “Hội họa của Nguyễn Phan có những đặc trưng sau đây: Bố cục đơn giản mà chặt chẽ, đối kháng trong thế tải nhưng thuần nhất ở cá tính; rặt ngôn ngữ ấn tượng; cách biểu cảm cổ điển, song thủ pháp thể hiện mới mẻ; sâu lắng, trữ tình. Không hoang phế ở chỗ thiếu trí tuệ; đó đây ẩn hiện màu xanh lục, lóp mộ đã biến cái ý thức non phai thuở nào thành vô thức trong hôm nay… Họa sĩ chiêu dương cái đẹp, nhưng không tán niệm hiện thực bằng ngôn ngữ mà nhân gian đã hằng ngày dùng đủ. Thường hằng họa sĩ là người nghe được tĩnh - vật - nói - gì, và biết rõ màu - sắc - muốn - gì…”.

Còn nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ chia sẻ: “Nguyễn Phan có sức cuốn hút người xem đi vào thế giới sâu thẳm của nội tâm, mà ở đó ý niệm về thời gian luôn luôn là những trăn trở không rời. Thiên nhiên và con người trong tranh Nguyễn Phan là sự kết hợp hai cảnh giới người và tạo - vật một cách hài hòa và sâu lặng. Ở đó chất trữ tình luôn luôn hiện diện bằng những màu sắc lung linh. Và điều đáng nói là: Tranh Nguyễn Phan là tiếng nói im lặng của tâm linh, cái thứ ngôn ngữ buộc ta phải quay nhìn lại vào bên trong của tâm giới”.

Thức ăn đời. Tranh sơn dầu Nguyễn Phan

Vào mùa xuân 2009, trong chương trình Triển lãm xanh tổ chức tại Nhà Triển lãm TP. Hồ Chí Minh (92 Lê Thánh Tôn, quận 1), Nguyễn Phan đã trưng bày một tác phẩm liên hoàn gồm hai bức tranh có tên: “Những đóa hoa từ phế liệu” (nêu bật chủ đề cùng chung tay giữ gìn Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh xanh, sạch và đẹp hơn). Mỗi bức có kích thước 3,6 m x 4,2 m; tổng diện tích của tác phẩm liên hoàn là 30,24 m2. Chất liệu để làm nên tác phẩm này bằng vỏ, nắp và nhãn chai nhựa đã qua sử dụng (4.800 vỏ chai). Thông điệp mà họa sĩ Nguyễn Phan gửi gắm trong tác phẩm đó là: “Nếu biết sử dụng những vật tưởng như bỏ đi với một mục đích có ý nghĩa, chúng ta đã góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường, cũng có nghĩa là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Bên cạnh đó, ông còn giới thiệu 21 bức tranh sơn dầu và tổng hợp mà phần lớn cũng hướng về thiên nhiên.

Như một kẻ miệt mài trên cuộc lữ hành màu xanh, họa sĩ Nguyễn Phan nói: “Xanh không chỉ là màu xanh chủ đạo trong triển lãm mà còn là màu xanh của ký ức, của những ước mơ. Xanh ở đôi mắt trẻ trung, nhìn đời đầy sức sống, tươi tắn qua tình yêu thắm thiết xứ sở mình sinh ra, lớn lên”. Ông cũng nêu rõ quan điểm sáng tạo của mình: “Thật là bất hạnh khi phải ràng buộc, gò ép vào với chất liệu và hình thức diễn đạt, kể cả điều mê tín nhằm tạo cho mình một phong cách riêng. Phong cách thì cứ nên để cho nó đến như một sự phiêu bồng từ cái không mà có. Nếu lệ thuộc vào những điều trên, chúng ta sẽ bị xô đẩy vào tập quán, mà tập quán là thủ công, và thủ công là lặp đi lặp lại, là khuôn mẫu không còn tính nghệ thuật. Nghệ thuật được đặt nằm trong những giới hạn dứt khoát sẽ không gây được cảm hứng nghệ thuật khi sáng tác mà còn làm xói mòn đến hủy diệt tinh thần sáng tạo...”.
Rất lặng lẽ, từ năm 2005, ít người biết Nguyễn Phan từ giã những phố thị phồn hoa để về Hội An, chọn một khu vườn ở ngoại thành để xây dựng một vườn du lịch sinh thái theo mô hình du lịch xanh, sạch, đơn giản, thơ mộng... Và đó cũng là nơi chốn ông vĩnh viễn dừng chân.

Vào năm 1965, ở độ tuổi 25, họa sĩ Nguyễn Phan là một trong số ít tác giả Việt Nam đoạt Huy chương Bạc tại Triển lãm quốc tế  Roma (Prix de Rome) với tác phẩm “Trăng thanh bình”. Sự kiện ấy đã góp phần khẳng định vị trí của ông trong làng mỹ thuật đương đại Việt Nam trước 1975, bên cạnh những tên tuổi như: Vĩnh Phối, Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Nguyễn Trung, Lâm Triết, Trịnh Cung, Hồ Hữu Thủ…

Trần Trung Sáng


Ý kiến bạn đọc