Multimedia Đọc Báo in

Nối truyền những giá trị văn hóa truyền thống

09:03, 20/10/2024

Niềm đam mê và nhiệt huyết tuổi trẻ đã góp phần tiếp nối, sáng tạo, bồi đắp vốn văn hóa truyền thống thêm phong phú.

"Làn gió mới" từ những đội chiêng trẻ

Hiện nay hầu hết mỗi buôn, làng đều có câu lạc bộ (CLB) hoặc đội, nhóm diễn tấu cồng chiêng, sinh hoạt văn hóa truyền thống. Nếu như trước đây, lực lượng chính của các CLB là nghệ nhân lớn tuổi, có kinh nghiệm, thì những năm gần đây có thêm những thành viên trẻ lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng. Các em được dìu dắt bởi những nghệ nhân có kinh nghiệm, cộng thêm niềm đam mê với văn hóa cồng chiêng, với văn hóa truyền thống, từ đó ngày càng phát triển và có nhiều sự đổi mới, làm sống lại nét văn hoá truyền thống có nguy cơ bị mai một ở các buôn làng.

Buôn Kmơng Prông A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) có đến 3 đội cồng chiêng; trong đó có một đội chiêng trẻ, là những nam thiếu niên từ 12 -15 tuổi trong buôn tham gia. Đội được dẫn dắt bởi anh Y Bây Kbuôr, nghệ nhân trẻ và là Trưởng buôn, Phó Bí thư chi bộ của buôn Kmơng Prông A. Là người tâm huyết trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng nên ngoài việc hướng dẫn, tập luyện và trao truyền vốn tri thức sẵn có, anh Y Bây còn thường xuyên cập nhật kiến thức mới về âm nhạc, về các chính sách, hỗ trợ đội rèn luyện kỹ năng diễn tấu, sáng tạo phối hợp các nhạc cụ truyền thống để mang đến những tiết mục biểu diễn hay, hấp dẫn. Đặc biệt, anh cùng với các nghệ nhân thường xuyên tìm hiểu và khôi phục những bài chiêng cổ, dân ca cổ, những lời kể khan, tham gia phục dựng những nghi lễ truyền thống đã nhiều năm bị quên lãng.

Đội chiêng nữ buôn K’Bu của xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột).

Một "làn gió mới" trong công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng thời gian qua là sự xuất hiện của các đội chiêng nữ. Theo những nghệ nhân truyền dạy thì những bạn nữ học chiêng rất nhanh, ngoài yêu thích thì còn có sự chú tâm, múa xoang cũng rất giỏi nên việc truyền dạy mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, với phong tục mẫu hệ, khi truyền dạy cho các bạn nữ thì lực lượng các đội chiêng dường như ít thay đổi, sự nối tiếp các thế hệ cũng ít bị đứt đoạn.

Đội chiêng nữ buôn K’Bu của xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những đội chiêng nữ ghi dấu ấn trong thời gian qua. Dù xuất phát điểm là một lớp học được truyền dạy vào dịp hè, nhưng với sự nỗ lực và cố gắng rèn luyện của các thành viên, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền mà đến nay đội đã được nhiều người biết đến.

Trong Liên hoan các đội chiêng trẻ của TP. Buôn Ma Thuột vừa qua, đội chiêng nữ này được các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu văn hóa dành nhiều lời khen, bởi các em diễn tấu hay, truyền tải được cái hồn, ý nghĩa của bài chiêng. Không những vậy, các thành viên còn biết múa xoang, am hiểu về văn hóa truyền thống của người Êđê; vì vậy, đội được mời tham gia nhiều chương trình, nhất là các chương trình giao lưu, biểu diễn phục vụ nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa địa phương của du khách khi đến với Buôn Ma Thuột.

Chị H’Ết Niê, thành viên của đội chiêng nữ buôn K’Bu bày tỏ: được sự dìu dắt, dạy dỗ của những nghệ nhân tâm huyết, những thành viên của đội dù còn trẻ nhưng đã thuộc và biết đánh rất nhiều bài chiêng quan trọng trong đời sống tinh thần của người Êđê. Với họ, niềm hạnh phúc chính là khi những giai điệu cồng chiêng, âm nhạc truyền thống với âm thanh rộn rã ca ngợi quê hương, đất nước thường xuyên vang lên ở buôn, làm phong phú và đẹp thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.

Sự tận tâm của các nghệ nhân, sự nỗ lực của các bạn trẻ là một tín hiệu đáng mừng trong việc gìn giữ, nối truyền các giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc Êđê nói riêng, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung.

Tạo không gian thực hành văn hóa

Bên cạnh việc "thắp lửa" tình yêu văn hóa cồng chiêng, văn hóa truyền thống, thì việc tạo ra các sân chơi, không gian sinh hoạt qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các cấp chính là cơ hội để các đội chiêng trẻ có sân chơi để thực hành và phát triển.

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây chính là một sân chơi lớn, được các thế hệ nghệ nhân trên địa bàn tỉnh yêu thích và tham gia. Trong số gần 600 nghệ nhân dân gian tham gia, số nghệ nhân dưới 35 tuổi chiếm gần một nửa, đặc biệt có những em nhỏ 8 - 10 tuổi. Hầu hết các tiết mục biểu diễn có sự góp mặt của các nghệ nhân trẻ. Lớp trẻ được thỏa sức thể hiện sức sáng tạo với văn hóa truyền thống. Hình ảnh các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi ngồi đánh chiêng, say mê hát dân ca; các em thiếu nhi hồn nhiên, mộc mạc trong các bài biểu diễn thực sự có sức hút với khán giả và du khách.

Đội nghệ nhân huyện Krông Năng biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3, năm 2024.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà, mỗi một tiết mục biểu diễn không chỉ làm sống lại vốn văn hóa truyền thống mà còn nuôi dưỡng thêm ước mơ, khát vọng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Qua đó cho thấy lực lượng trẻ rất đam mê và có ý thức tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy và kế thừa di sản văn hóa trong cộng đồng.

Tham gia liên hoan, đoàn nghệ nhân huyện Krông Năng tạo dấu ấn khi có cả đội nghệ nhân trẻ tuổi và đội nghệ nhân lớn tuổi. Đội nghệ nhân lớn tuổi chính là thế hệ đi trước với vốn kiến thức uyên thâm, là linh hồn của văn hóa cồng chiêng đã truyền đạt cho đội nghệ nhân trẻ cả về hình thức lẫn nội dung, từ những bài chiêng, những nhạc cụ dân tộc đến cách thức trình diễn. Được bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống, đội nghệ nhân trẻ đã kế thừa và có những sáng tạo phù hợp.

Chăm chú dõi theo tất cả các tiết mục của đoàn Krông Năng, ông Hoàng Minh Hùng (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) nhận xét: “Tôi đã thấy sức trẻ mạnh mẽ, sôi động trong tiếng chiêng kram của những bạn trẻ; lại thấy dấu ấn thời gian, trải nghiệm trong điệu dân vũ M’kăm Prok của những nghệ nhân lớn tuổi; thấy sự kế thừa và phát huy nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng, sự tái sinh từ thế hệ đi trước đến thế hệ đi sau qua tái hiện trích đoạn nghi lễ “Lễ cúng trưởng thành”…

Ông Nguyễn Văn Vỹ, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Năng thông tin, kế thừa vốn tri thức của những nghệ nhân gạo cội, đội nghệ nhân trẻ được học tập, rèn luyện và trở thành những nhân tố mới, mang đến sức sống mới trong đời sống văn hóa ở địa phương.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Những ngôi nhà thắm tình đoàn kết
Đề án xây dựng 1.200 căn nhà cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không chỉ góp phần thiết thực bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước mà còn là một trong những chương trình trọng điểm, ý nghĩa chào mừng Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 -22/11/2024).