Multimedia Đọc Báo in

Những người thầy trong văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

15:17, 27/11/2024

Trước khi trở thành nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà giáo có nhiều năm tháng gắn bó với bục giảng ở TP. Huế. Có lẽ vì vậy nên trong sự nghiệp văn chương của ông, đặc biệt ở thể loại bút ký, nhàn đàm có những bài viết sâu sắc, thấu đáo về nghề dạy học.

Trong tác phẩm “Trường Thanh niên Tiền tuyến và thế hệ giải phóng quân Huế đầu tiên”, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ghi lại những chuyện những học sinh đặc biệt ở một ngôi trường cũng hết sức đặc biệt ngay trước Cách mạng Tháng Tám 1945 -  Trường Thanh niên Tiền tuyến. Ngôi trường chỉ tồn tại không đầy hai tháng nhưng có một vị trí lịch sử quan trọng.

Trường Thanh niên Tiền tuyến được lập nên để đào tạo sĩ quan phục vụ cho Chính phủ Trần Trọng Kim nhưng lại trở thành một cơ sở cách mạng, là một chiếc nôi đào tạo nên nhiều tướng lĩnh thành danh, nhiều trí thức yêu nước nổi tiếng. Học viên đặc biệt bởi nhiều người “trâm anh thế phiệt”, như: Tôn Thất Hoàng con của Thượng thư Tôn Thất Đằng, Võ Sum con Án sát Võ Chuẩn, Đặng Văn Việt con Tổng đốc Đặng Văn Hướng, Lê Thiệu Huy con Giải nguyên Hán học Lê Thước…

Từ ngôi trường này, những học sinh đã có cống hiến nổi bật như: Kéo cờ độc lập trên kỳ đài Ngọ Môn (Huế) năm 1945, bắt nhóm biệt kích Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ (Thừa Thiên - Huế), tham gia Nam tiến kháng chiến chống Pháp từ tháng 10/1945. Những tướng lĩnh, chỉ huy tài giỏi như Cao Pha, Phó Tư lệnh Đặc công; Cao Văn Khánh, Trung tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam hay Đặng Văn Việt - “vua đường số 4” đánh cho giặc Pháp thất điên bát đảo… Đó là nhờ vai trò to lớn của những người thầy như Giáo sư Tạ Quang Bửu, thành viên sáng lập trường cùng Luật sư Phan Anh hay Phan Tử Lăng, Giám đốc Trường Thanh niên Tiền tuyến, một sĩ quan xuất sắc được Pháp đào tạo với lòng yêu nước nhiệt thành đã hướng ngôi trường về với cách mạng.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ghi nhận: “Dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi để thu thập kiến thức quân sự, nhưng nhờ trí thông minh tính trời hòa nhập với trí khôn đánh giặc của nhân dân, các sinh viên Trường Thanh niên Tiền tuyến đã lập nên những chiến công kỳ lạ ngay từ những phút mở màn lịch sử giành chính quyền cách mạng”

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi ở độ tuổi trung niên. Ảnh tư liệu

Trong bài nhàn đàm “Thầy Đào Duy Từ”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tôn vinh tài năng quân sự và chính trị của danh nhân Đào Duy Từ, tên tuổi ông gắn liền với một công trình quân sự tên gọi “Lũy Thầy” ở Quảng Bình. Đào Duy Từ là nhà quân sự giỏi, là người thầy tài đức của bậc đế vương muốn an dân trị quốc. Ông là trợ thủ đắc lực cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mở mang cơ nghiệp xứ Đàng Trong.

Nhà văn viết về ông: “Điều khiến cho mãi đến ngày nay chúng ta vẫn có lý do để giữ lòng ngưỡng mộ đối với ông chính là nhân cách kẻ sĩ của Đào Duy Từ. Kẻ sĩ đem tài ra giúp vua chúa trong sự nghiệp an dân, nhưng không bao giờ xu nịnh, luồn cúi trước quyền lực”. Và nhà văn kết luận xác đáng: “Người ta quên đi tước lộc của ông, quên đi cả tài năng quân sự của ông; chỉ nhớ đến ông như một bậc thầy của mọi người: Thầy Đào Duy Từ”.

Tìm trong lịch sử những nhân vật văn tài, khí tiết đều hơn người như Cao Bá Quát vốn cũng là người thầy từng dạy học, Hoàng Phủ Ngọc Tường phát hiện những điều thú vị trong tác phẩm “Chim huyền hạc”.

Đó là thơ Cao thi sĩ luôn tụng ca những con chim bay cao, bay xa thể hiện khát vọng cao cả của mình, một kẻ sĩ luôn trăn trở trước thời cuộc và luôn muốn cải biến hiện thực, không cam chịu cảnh sống tầm thường theo phường giá áo túi cơm. Đó là chim hồng, chim phượng và chim hạc.

Nhà văn nhận xét người xưa: “Giấc mơ đầy hùng tâm tráng chí đó rốt cuộc đã vỡ ra thành vị đắng của hiện hữu vướng vất trong văn chương Cao Bá Quát. Có lẽ trong những năm làm ông đồ dạy trẻ ở núi rừng Sơn Tây, Cao Bá Quát đã nhìn thấy hình ảnh của ba con chim nói trên hiện lên trong tầm mắt. Và nếu Cao Bá Quát đã không làm được con chim hồng hạc bay cao chín tầng mây, thì ông cũng không bao giờ là con chim hoàng điểu kiếm ăn bên cây gia, bên cây dâu”.

Người thầy trong quan niệm của Hoàng Phủ Ngọc Tường có vẻ không chỉ giới hạn trong vị thế cụ thể của những người đứng trên bục giảng. Suy rộng ra người thầy trong văn chương của ông còn là những con người tài, đức, khí tiết, ưu dân ái quốc dù trực tiếp dạy học hay chưa hề lên lớp buổi nào. Những bậc như thế là thầy của thiên hạ. Ví như “vạn thế sư biểu” Chu Văn An hay “sao Khuê” Nguyễn Trãi, “người ham chơi” Nguyễn Công Trứ…

Tài năng, học vấn, đạo đức, chí khí của họ có sức lan tỏa sâu rộng, là bài học sinh động trao truyền cho nhiều người, cho cả cộng đồng, không chỉ lúc họ đang sống, mà ngay cả khi đã chết, ngay cả với nhiều đời sau. Bởi cuộc đời họ chính là bài học lớn dù nhiều khi họ không phải là thầy và không có duyên với nghề dạy học.

Những người thầy đúng nghĩa, dù tầm vóc và cống hiến khác nhau, ở mọi thời đều xứng đáng được tôn vinh.

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc