Multimedia Đọc Báo in

Hoàng Phủ Ngọc Tường và những áng văn về sơn cước

14:31, 04/09/2023

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã giã biệt trần thế nhưng những trang viết của ông vẫn đọng lại cùng với thời gian, trong đó có những tác phẩm lấy cảm hứng từ sơn cước.

Một Hoàng Phủ Ngọc Tường thơ khi “Mùa xuân anh trở lại” chiến khu rừng cũ bời bời ký ức những ngày lên xanh của một người Việt Nam yêu nước: “Mùa xuân này anh trở lại A Sao /Trong nỗi nhớ cánh rừng đã chết/Trong kỷ niệm hăng nồng mùi hóa chất /Chim phượng hoàng từ ấy đã bay xa/Lòng bồi hồi như trong giấc mơ /Anh đứng giữa cây rừng sống lại/Hái nhánh tùng của mưa ngàn gió núi /Anh trở về, sương khói trên tay”.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ảnh: Internet
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ảnh: Internet

Bài thơ “Đêm qua” là một khúc hoài niệm về núi rừng từ khói sương ký ức. Chỉ là mới đêm qua thôi mà nghe đã xa xôi ký ức, dù có bóng hình chín vía hiện ra vẫn thấy mênh mang, quạnh quẽ nỗi buồn, một nỗi buồn sâu xa, thánh thiện tạo nên giống nòi thi sĩ. Giọng thơ đều đặn vang lên như một hồi chuông nguyện cầu cho ai đó trong đời hay vỗ về cho chính bản thân với nỗi buồn đơn chiếc: “Thôi em thăm thẳm Trường Sơn/Ngày xưa anh vẫn cô đơn đã thường/Đêm qua nằm nhớ mưa nguồn/Con chim tắt lửa kêu buồn mấy năm/Thôi em ròng rã suối khe/Anh về mắc võng nằm mê đợi người/Hôm qua có lũ đười ươi/Lang thang rũ một trận cười trong mây”.

Điệu buồn rừng cũ vẫn hiện ra như một ám ảnh khôn nguôi mà lắm khi dù người mộng về bên cũng đành thở dài bất lực, để cho người thơ nằm đợi chiêm bao với hy vọng mong manh được ngược về quá vãng. Chân dung nhà thơ là chân dung tâm trạng được phủ lên một màn khói sương xa vắng của đền đài, mộng mị xa xôi.

Người nghệ sĩ này đã cảm nhận thật tinh tế vẻ đẹp tinh khôi, tươi mới của mùa khai sáng bằng chắt lọc văn chương qua bút ký “Mùa xuân thay áo trên cây”. Ông đã sáng tạo thêm một huyền thoại mùa xuân với giả định bềnh bồng thi sĩ: “Tôi tin rằng, trong cuộc tiến hóa của nhân loại, có một số giá trị được tạo thành cùng lúc với ý thức sống của con người, ngay trong lòng những nhóm tộc nguyên thủy sống lẻ loi chưa hề biết tới giao lưu, thí dụ cách lấy lửa, cách làm ra rượu thô sơ nhất, và cả ý niệm huyền ảo thuộc về vũ trụ gọi là Mùa Xuân.

Loài người biết tới lịch pháp từ những nền văn minh xa xôi nhưng ý niệm về mùa tất đã nảy sinh từ những đáy thời gian sâu thẳm hơn nhiều, qua kinh nghiệm sống của người tiền sử. Vậy thì tiếp theo sau những tên gọi như đá, nước, lửa, trái cây, thú rừng... có thể Mùa Xuân là từ trừu tượng đầu tiên của người hồng hoang, do một gã thi sĩ cất lên để reo mừng hiện tượng bừng sống của trời đất sau những ngày dài lạnh lẽo phải sống trong hang đá”.

Chính ân sủng thiên nhiên trao tặng đã kích thích trí tò mò và óc tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ nảy mầm lên những xanh biếc văn chương. Cú hích của đất trời đã làm bà đỡ sinh hạ nên tác phẩm của con người mang tên là nghệ thuật, nghệ thuật của ngôn từ và nghệ thuật của tâm hồn đa cảm, của sự quan sát và cảm nhận tinh tường: “Có một ngày ra khỏi mùa đông nhá nhem trên rừng, tôi mải mê nhìn cánh rừng tràn trề nắng ấm, nghe tiếng reo hát của dòng suối đã trong xanh trở lại, tiếng chim ngẳng gọi nhau “đi họ đi làng” trên những đồi cây lá nón, và chợt nhận ra quanh tôi, những hoa dại đầu mùa đã vẽ những nét màu sáng tươi trên mặt đất.

Đó là những ngày tiếp theo sau cái Tết kháng chiến đầu tiên của tôi ở rừng Khe Trái, và cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi ghi vào sổ tay lòng biết ơn chất phác với nhà thông thái bàn cổ nào đấy đã nghĩ ra cho nhân loại hậu thế cái tên gọi tuyệt vời này, Mùa Xuân”.

Trong bút ký “Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say”, độc giả thú vị trước một Quảng Nam như quen mà như lạ. Bắt đầu từ tên gọi Quảng Nam ra đời từ năm 1471 thời Lê Thánh Tông và danh xưng hành chính “Quảng Nam thừa tuyên” với nghĩa: “đất mở rộng về phía Nam, vâng lệnh vua để tuyên dương đức hóa”. Rồi nhà văn có cách nhìn thật khác: “Từ đỉnh đèo đổ về phía Nam, Trường Sơn chĩa thành những mũi đá kề cận nhau, giống như một đoàn người khổng lồ xô ra biển, nghịch ngợm choãi chân đá sóng, sóng vỗ sôi réo nơi ghềnh đá như tiếng cười của cuộc chơi miên trường của núi và biển”. Và rồi một sự tình của đá lại xuất hiện trong tuyệt bút thi ca “Tạm biệt Huế” mà Hoàng Phủ đánh giá: “Chia tay Huế trên đỉnh đèo Hải Vân, Thu Bồn có một giọng thơ ngậm ngùi thật lạ: Tạm biệt Huế với chiếc hôn thầm lặng/Anh trở về hóa đá phía bên kia”

Hoàng Phủ miên trường trong cảm hứng sử thi nhớ về đám cưới mở cõi “Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm...” của Huyền Trân công chúa cho đến thuyết địa linh nhân kiệt mà loài cây lô hội sinh tồn trên núi Ngũ Hành Sơn là một minh chứng, gợi nhắc đến một câu nói nổi tiếng của một nhân vật kịch nước ngoài “Tồn tại hay không tồn tại”. Để rồi hành trình tâm sự ấy lại chạm đến hơi hướng và  ca từ “Hòn Vọng Phu” của nhạc sĩ Lê Thương. Và lời kết vang lên hào sảng: “Đúng thế, Tổ quốc đã trao cho Quảng Nam một cửa biển và một thanh kiếm. Cầm lưỡi gươm thân phụ lưu truyền, sáu bảy trăm năm đứng trấn nơi hải khấu chiến lược, người Quảng Nam chưa bao giờ thiếu sót trong bản lĩnh bảo vệ Tổ quốc. Trên từng dòng quốc sử, đấy là điều khẳng định”.

Thơ tài hoa, u huyền, bảng lảng như khói sương sơn cước, còn văn thì uyên bác, thâm sâu, lộng lẫy như vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng. Những vẻ riêng độc đáo đã làm nên tên tuổi của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc