Multimedia Đọc Báo in

Xác lập bản sắc văn hóa cà phê

08:31, 14/11/2024

Với slogan "Đắk Lắk - Điểm đến của cà phê thế giới”, ngành du lịch đã xây dựng những sản phẩm liên quan độc đáo tạo sức hút với du khách.

Độc đáo và khác biệt

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk Lê Văn Đức, slogan trên đã cho thấy sự nhanh nhạy của chính quyền địa phương, cũng như cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở đây trong việc lựa chọn, xây dựng sản phẩm du lịch được xem là hết sức đặc thù và khác biệt so với các tỉnh, thành phố trên địa bàn Tây Nguyên và cả nước hiện nay. Sản phẩm du lịch (cùng hệ cà phê) ở vùng đất này đang thu hút du khách trong nước và quốc tế tìm đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm.

Vì thế, hiện đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch trên địa bàn Đắk Lắk nỗ lực thúc đẩy sự lan tỏa sản phẩm du lịch trên đến với mọi người, dần tạo ra hệ sinh thái du lịch cà phê đầy đủ và đúng nghĩa với tên gọi "Đắk Lắk - Điểm đến của cà phê thế giới".

Anh Đặng Văn Huy, phụ trách Vườn trải nghiệm, dịch vụ du lịch cà phê Đặng Farm (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) cho hay: Du khách hài lòng, thích thú không chỉ bởi các dịch vụ như tham quan vườn cây, tự tay chế biến, thưởng thức cà phê đặc sản, mà còn được hòa mình vào thiên nhiên tươi mát, trong lành và thân thiện. Vì thế tour du lịch này được du khách đánh giá là sản phẩm “xanh - sạch - an toàn - bền vững”, đáp ứng xu thế trở về với “du lịch xanh” đang được nhiều quốc gia lựa chọn và xúc tiến mạnh mẽ như hiện nay. Từ sản phẩm du lịch được xem như “mắt xích” đầu tiên (trong hệ sinh thái) ấy sẽ tạo nên sợi dây kết nối với nhiều dịch vụ khác như lưu trú, mua sắm, ẩm thực… nhằm góp phần gia tăng chuỗi giá trị kinh tế cho “ngành công nghiệp không khói” Đắk Lắk.    

Du khách tham quan, trải nghiệm vườn cà phê Đặng Farm, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar. Ảnh: Văn Huy

Anh Nguyễn Sơn Hưng, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhìn nhận thêm: Du lịch với cà phê hiện đang đóng vai trò kích hoạt đáng kể giúp ngành kinh tế quan trọng này tăng tốc và phát triển trên các mặt: đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng và phân khúc thị trường, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Với tính chất đặc thù, có lợi thế cạnh tranh cao, sản phẩm du lịch này không chỉ bó hẹp ở một số đơn vị làm du lịch sinh thái - nông nghiệp có điều kiện, hạ tầng cơ sở (vườn cây, mô hình, dịch vụ đi cùng) mà còn mở rộng đến những khu/điểm du lịch khác, nhất là vùng trồng cà phê nổi tiếng nhằm gia tăng giá trị cho cây cà phê thông qua hoạt động hợp tác, kết nối làm du lịch.

 

"Để Đắk Lắk trở thành điểm đến của cà phê thế giới, thúc đẩy phát triển du lịch thì vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng được mối hợp tác, liên kết bền chặt và có trách nhiệm giữa các bên: Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Mối quan hệ này phải được vận hành xuyên suốt, thống nhất và thông thoáng về hợp tác đầu tư, phát triển thị trường cũng như phân chia lợi nhuận” - anh Đặng Văn Huy, Phụ trách Vườn trải nghiệm, dịch vụ du lịch cà phê Đặng Farm (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar).

Theo đánh giá của Phòng Quản lý Du lịch, con số hơn 1,1 triệu du khách đến Đắk Lắk trong 10 tháng qua, doanh thu toàn ngành đạt gần 1.000 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay) đã phản ánh đúng tầm nhìn, bước đi và sự lựa chọn của ngành du lịch tỉnh nhà với slogan/lời mời chào ấn tượng, thân thiện: “Đắk Lắk - Điểm đến của cà phê thế giới”. Có thể nói, từ đây giá trị (vật chất cũng như văn hóa) của cà phê mang lại đã được ngành du lịch khai thác, xây dựng nên những sản phẩm đặc thù và khác biệt nhằm kích cầu, thúc đẩy các loại hình/mô hình du lịch khác hệ cùng phát triển.

Lấy giá trị cà phê làm nền tảng

Theo Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, để phát triển mạnh mẽ, bền vững và khác biệt, ngành du lịch Đắk Lắk phải lấy giá trị cà phê làm nền tảng, bao trùm lên các hoạt động du lịch của địa phương. Nhận định này cũng đã được đề cập trong những đề án phát triển du lịch Đắk Lắk thời gian qua. Đặc biệt là qua những kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột gần đây - ý tưởng gắn kết hoạt động du lịch với cà phê đã được xúc tiến, triển khai ngày càng rõ nét thông qua sự hợp tác, liên kết giữa cộng đồng sản xuất, kinh doanh cà phê với doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Du lịch và Thương mại Đam San chia sẻ: Vài năm trở lại đây, sản phẩm du lịch trải nghiệm với cà phê được du khách tìm đến ngày càng nhiều. Một số vùng cà phê trọng điểm: Krông Pắc, Cư M’gar, Cư Kuin và vùng ven đô TP. Buôn Ma Thuột… là những địa chỉ mà Đam San liên kết để đưa du khách đến tham quan và nhận kết quả tích cực khi hầu hết du khách tỏ ra thích thú, hài lòng vì sự mới mẻ và khác biệt từ sản phẩm du lịch này.

Theo đó, một số đơn vị làm du lịch, hãng lữ hành như: Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Kŏ Tam, Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Khám phá Tây Nguyên... cũng tham gia kết nối, mở rộng tour/tuyến du lịch này đến với nhiều địa phương khác nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu/ý tưởng trên. Có thể nói, đây là hướng đi mới và nhanh nhạy, không những làm phong phú thêm sản phẩm du lịch ở địa phương, mà còn tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn nông hộ sản xuất cà phê trên địa bàn nhằm tạo ra chuỗi phúc lợi, kinh tế bền vững.

Bảo tàng Thế giới cà phê (TP. Buôn Ma Thuột), nơi lưu giữ, quảng bá văn hóa cà phê. Ảnh: Thế Thành

Tất cả đó mới chỉ là thực thể dễ thấy của giá trị cà phê, điều hơn thế mà người dân và doanh nghiệp làm du lịch ở đây hướng tới, xác lập Đắk Lắk - Điểm đến của cà phê thế giới chính là bản sắc văn hóa cà phê với những nội hàm cụ thể. Trong đó, Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên là đơn vị tiên phong và đã gặt hái thành công bước đầu. Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, phụ trách truyền thông của tập đoàn này chia sẻ: Cà phê Đắk Lắk không những là đặc sản mà còn hàm chứa trong đó yếu tố văn hóa đặc sắc và khác biệt. Thưởng thức cà phê ở “thủ phủ” này, không chỉ dừng lại ở mức độ cảm nhận hương vị, mà còn mở ra cho người thưởng lãm hình dung và hiểu biết thêm vốn văn hóa, lịch sử sâu rộng về loại cây trồng nổi tiếng ấy - từ quá trình du nhập, canh tác, chăm sóc, thu hái, chế biến… đã được Trung Nguyên sắp đặt, mô hình hóa tại Bảo tàng Thế giới cà phê, tạo sức hút đáng kể cho ngành du lịch Đắk Lắk.

 Ngoài ra, trên vùng đất được ví như “thủ phủ” cà phê Việt Nam ấy - dù ở bất cứ đâu và mức độ nào thì trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành hàng này, người ta cố gắng tập hợp và mang lại một “sử quán cà phê” với đầy đủ bản sắc nói trên để phục vụ "thượng đế". Du khách đến đây đều có cảm giác mê đắm, khơi gợi và tung hứng cảm xúc với cà phê thông qua không gian (hệ sinh thái) cà phê được cộng đồng cư dân sản xuất cà phê cũng như doanh nghiệp làm du lịch kiến tạo nên và từng bước hiện thực hóa sinh động mục tiêu biến Đắk Lắk trở thành điểm đến của cà phê thế giới.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc