Multimedia Đọc Báo in

Lắng nghe nhau và cộng cảm

13:14, 02/12/2024

Không gian thiêng, ma mị, đêm bập bùng lửa, bảng lảng khói và lấp lánh sao. Già làng trao chiêng cho các chàng trai, trao đuốc cho các cô gái. Nghi thức rước thần lửa, thần chiêng và những đám rước vật thiêng bày trước mọi người: thực, thân gần và ảo diệu…

Ngày hội văn hóa – thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng năm 2024 chính là lễ hội về “bản sắc văn hóa Nam Tây Nguyên” hấp lực mọi chiều.

Tiếng tù và vang vọng giữa không trung. “Ơ…ơ…ơ…Yàng…! Hỡi lũ làng, sau một năm vất cả với cái nương cái rẫy, hôm nay lúa đã chất đầy kho, rượu cần đã đến ngày khai chóe. Chúng ta cùng tụ hội về để tạ ơn Yàng và các thần linh đã cho buôn làng một năm mưa thuận gió hòa, cho cái rẫy tốt tươi, lúa trên nương trĩu hạt, cho đàn heo nhiều như con kiến đen, cho đàn trâu nhiều như con ốc dưới suối. Hỡi lũ làng! Chúng ta cùng về đây mở hội…!”.

Tù và cất lên từ già làng khai hội.

Trống chiêng cùng hòa thanh tấu bài “Gumme” khởi xướng cho buổi đại hòa tấu khi ngọn lửa nơi trung tâm bùng sáng vùng trời. Quanh cây nêu, đồng bào các dân tộc K’Ho, Mạ, Churu, M’nông, Kinh, Tày, Dao, Thái, Nùng, Mường… kết vòng xoang thiện lành. Những sắc điệu dân ca dân vũ nhịp nhàng, uyển chuyển phiêu linh trên nền đa thanh âm của trống, chiêng, tù và, kèn với những bản trình tấu đặc trưng mỗi sắc tộc. Trùng trùng dòng người chuyển động, lửa lấp loáng, thổ cẩm rực rỡ ẩn hiện, thanh âm bổng trầm gần xa đã tạo nên một không gian của đại ngàn, thác đổ, suối reo, đất cựa, đá trở, chim muông cất tiếng, gió và cây rì rào…

Cây nêu là tâm điểm, là “cây vũ trụ”, liên thông giữa Trời - Đất - Con người. Con người có thể thông quan với trời - đất và thần linh để gửi khát vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân buôn làng mạnh khỏe. Cây nêu đang tải muôn biểu tượng do con người chạm khắc, tô vẽ, tạo hình: núi đồi, sông suối, mặt trăng, mặt trời, ruộng đồng, bông lúa, cây cối, chim muông, sinh thực khí… Đằm giữa không gian vũ trụ thiêng là sự mở lòng và lắng lòng để thấu cảm, chạm về cội nguồn hùng thiêng. Cứ thế, phù sa văn hóa mang tính nhân loại chảy từ quá khứ đến hiện tại, gửi gắm tới miền mơ tưởng vị lai…

Nét đẹp hài hòa từ vũ điệu tấu chiêng và dân vũ.

Điều rõ nhất và đặc trưng sâu dày nhất ở mọi hoạt động cộng đồng là văn hóa rừng. Thân thiện, thích ứng với môi trường tự nhiên là những yếu tố luôn hiện tiền và hữu duyên. Nếu như tấm thổ cẩm có nhiều hoa văn biểu tượng của chim muông, cây rừng, vũ trụ và sông suối… thì mâm cỗ của đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên được chế biến từ rất nhiều nguyên liệu của nương rẫy và sông suối. Có đến hàng chục món ăn: cơm lam, xôi màu, cháo bồi, thịt gà, thịt heo nướng, thịt trâu, thịt heo hun khói, canh lá nhiếp, da trâu trộn cà đắng, đọt mây nướng chấm muối, quả vả dầm cay, lá sung ăn sống, lá mì và rau má rừng xào với thịt heo, cá và cua suối nướng, khoai lang và bắp nướng… Nhiều món ăn được chưng cất hoặc đựng bằng những dụng cụ từ tre nứa, quả bầu và cách thức chế biến chủ đạo là nướng. Mâm cỗ còn có thức uống là rượu cần và những hoa trái cây lá quanh nhà. Tất cả hội tụ những tinh túy văn hóa ẩm thực đặc trưng của tập tục và đời sống người vùng cao.

Trò chơi lấy nước.

Thanh âm của cồng chiêng có mặt mọi nơi trong các hoạt động hay sinh hoạt cộng đồng. Mỗi chiêng một “tiếng nói riêng” để cùng hòa nên những trường độ cao thấp, dài ngắn, gần xa. Chiêng kết nối, cộng cảm và lan tỏa, chiêng tâm tình chia sẻ giãi bày khát vọng. “Nó có cái đẹp về hình thể, động tác tay chân của người tấu chiêng và người thực hiện những điệu dân vũ”, nghệ nhân cồng chiêng người Churu Touneh Ma Bio chia sẻ. Chiêng còn có cả thần ngự (Yàng cin), đó là chiêng quý, được hạ xuống vào những dịp lễ trọng. Già làng, nghệ nhân cồng chiêng người Mạ KBreoh nói: “Âm nhạc cồng chiêng là nơi tiết tấu và giai điệu gặp nhau. Mỗi nhạc công chỉ chơi một nốt và một mô hình tiết tấu, kết hợp lại thành bè, thành giai điệu. Cồng chiêng bảo lưu hình thức diễn xướng cộng đồng, hợp tấu bằng cách nghe nhau, tức phải có tâm linh cộng đồng ứng vào. Cồng chiêng hoàn toàn xa lạ với việc cá nhân hóa, cá thể hóa người biểu diễn”.

Thi giã gạo.

Dòng âm nhạc cồng chiêng hình thành, phát triển tự nhiên và lưu truyền chính từ những mùa nghi lễ hội hè tại những sân khấu dân gian. Đó là không gian diễn xướng, không gian của đại ngàn. Nhà nghiên cứu âm nhạc Tây Nguyên Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đúc kết rằng, khi công tác bảo tồn văn hóa còn nhiều khó khăn thì tổ chức các cuộc thi là giải pháp bảo tồn thành công nhất. Đúng vậy, rất cần phát huy nhưng cũng cần lưu tâm chủ thể văn hóa được tôn trọng quyền, được thỏa mãn nhu cầu thể hiện và chính họ quyết định văn hóa tồn tại hay không tồn tại trong diễn tiến kế thừa, chọn lọc, giao thoa và tiếp biến.    

Minh Đạo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.