Multimedia Đọc Báo in

Phố Ràng khắc tuổi tên anh

09:03, 26/12/2024

“Trận Phố Ràng” là bút ký nổi tiếng của nhà báo, nhà văn – liệt sĩ Trần Đăng. Tác phẩm vừa in xong đã có tiếng vang, tạo dấu ấn cho một nền văn nghệ còn rất mới mẻ của buổi đầu kháng chiến chống Pháp.

Nhà văn Trần Đăng tên thật là Đặng Trần Thi, sinh năm 1921, quê ở Từ Liêm, Hà Nội. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, Trần Đăng tham gia công tác tại Ban Liên kiểm Việt – Pháp thuộc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

27 tuổi, Trần Đăng về làm phóng viên mặt trận cho Báo Vệ quốc quân (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân ngày nay). Thời gian tiếp đó, nhà báo Trần Đăng đã tham gia nhiều chiến dịch lớn như Chiến dịch Đông Bắc (1948), Chiến dịch Đường số 4 (1949)…

Ngoài những bài báo nóng hổi chiến sự, Trần Đăng còn được biết đến với tư cách nhà văn qua những bút ký văn học như “Một lần tới thủ đô”, “Trận Phố Ràng”, “Một cuộc chuẩn bị” và các ý kiến sắc bén về văn học nghệ thuật giai đoạn này. Rất tiếc tài năng vừa hé mở thì nhà báo, nhà văn Trần Đăng đã anh dũng hy sinh vào ngày 26/12/1949, trong vòng vây phục kích của giặc khi mới 28 tuổi.

Cổng vào khu Di tích chiến thắng Đồn Phố Ràng.

Tôi đến thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) nằm bên bờ sông Chảy, phố huyện nhỏ xinh như tất cả những thị trấn vùng cao khác. Đồn Phố Ràng (đã được công nhận Di tích lịch sử quốc gia từ năm 1999) thời kháng Pháp nằm trên ngọn đồi nhỏ giữa lòng thị trấn. Tuấn, một người bạn trẻ mới quen dẫn tôi lên đỉnh ngọn đồi, từ đây phóng mắt có thể nhìn thấy toàn cảnh thị trấn, dưới chân có dòng sông Chảy ăm ắp nước.

Tôi nhớ lại, đây chính là bối cảnh trong bút ký “Trận Phố Ràng” của Trần Đăng. Nội dung bút ký mô tả về thời khắc đếm ngược từng phút của trận tấn công Đồn Phố Ràng, nơi giặc Pháp chiếm đóng. Đồn Phố Ràng nằm ở cao điểm 442 nên rất có lợi thế trong việc phòng thủ, chưa nói đến lực lượng đồn trú khá đông bao gồm hai trung đội Âu – Phi, một đội lính khố đỏ, một trung đội lính dù và một trung đội lính dõng.

Xác định Đồn Phố Ràng là mắt xích trọng yếu trong hệ thống phòng thủ vùng Tây Bắc hữu ngạn sông Hồng, tháng 6/1949, sau khi Chiến dịch sông Thao mở màn với những chiến thắng vang dội, quân ta tập kích Đồn Phố Ràng. Sau hơn 40 giờ chiến đấu anh dũng, dù lực lượng mỏng hơn, khí tài yếu hơn nhưng quân ta đã chiếm lĩnh hoàn toàn trận địa, chỉ huy và tàn quân giặc ở Đồn Phố Ràng phải tháo chạy.

Sơ đồ tấn công Đồn Phố Ràng tháng 6/1949.

Ba phần tư thế kỷ trôi qua kể từ khi bút ký hay thiên phóng sự “Trận Phố Ràng” xuất hiện trên mặt báo. Cũng trong năm đó, chỉ sau  6 tháng, nhà báo, nhà văn Trần Đăng hy sinh.

“Trận Phố Ràng” tuy được viết trong điều kiện ngặt nghèo, khốc liệt của chiến tranh song tính thời sự và văn chương vẫn thấm đẫm. Chân dung những người lính Vệ quốc quân được Trần Đăng khắc họa chân thực và đáng yêu, dù trước giờ phút sinh tử sắp xảy ra: “…Còn 55 phút. Trung đội trưởng Hoa dắt thêm cả một cây nứa vào thắt lưng. Trung đội phó Khải mân mê cái bao mo cau còn bọc kín lưỡi mác. Đồng chí Sắc xỏ chân vào đôi giày đinh, chỉ dùng những khi vượt chông, còn cả đời vác; tiểu đội phó Chiến ngắm mãi một cái lá tre cầm trên tay như chưa được trông thấy bao giờ”… Ngay giữa trận đánh, bằng những chi tiết chọn lọc, nhà báo, nhà văn Trần Đăng vẽ nên bóng dáng người lính can trường nhưng vẫn có nét dung dị đời thường, ngôn ngữ chắt kiệm gắn chặt với diễn biến nội tâm: … “Đại đội trưởng P.N. gạt mấy giọt mồ hôi trên trán, tuy trời không nóng, quay lại anh chính trị viên: – Trung đội 1 đang đi xuống sông tìm đường. Đấy, nó bắn! Cứ nhô lên là nó bắn! Này, chết cậu Xá rồi!/ Liên lạc vẫn chạy như cờ lông công, mang lệnh dồn dập của tiểu đoàn: báo cáo địch tình, tìm đường tiến, quyết tâm, đại bác sắp bắn thêm/ Một phút chờ đại bác bắn, anh chính trị viên cẩn thận hỏi lại anh đại đội trưởng/ – Xá hay Xắc?/ – Xá/ Anh chính trị viên ngừng một tí rồi như nói một mình: “Ừ, cậu Xá hay ngâm bài Khúc lưu ly”. Vẫn giọng văn ấy, trận công đồn khốc liệt như trở thành câu chuyện bàn trà của những người lính dày dạn trận mạc: “Hàng trăm con mắt vẫn thôi miên xuống những đống gạch, đá, tre, gỗ nhấp nhô, hàng rào ống bơ lấp lánh, không một bóng giặc, một tăm hơi súng ống gì cả, im phăng phắc./ – Đấy đấy, nó ở cái đống bụi chuối đấy thì phải?/ Cục cục… cục Tằng… tằng…/ – Khói kia như khói nó thổi cơm ấy anh ạ?/ – Bố nó cũng không thổi cơm được bây giờ?/ Khẩu la-mi ở đồi pháo binh bên kia sông vẫn rình một cái chấm đen đụng đậy, một cái đầu giặc mấy lần định thò ra, mò một cái đồ hộp, bên phải nhà số 5. Tạt… tạt… tạt… Cái chấm đen thụt vào./ – A ha! Chúng mày đừng có hòng ra mà mò ăn, mò uống gì cả!”...

Những trang văn của “Trận Phố Ràng” đã góp phần động viên, cổ vũ tinh thần những người lính trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Có thể xem Trần Đăng với thế hệ những nhà văn, nghệ sĩ cùng thời như Thâm Tâm, Thôi Hữu, Hoàng Lộc, Trần Mai Ninh… là những chiến sĩ, nghệ sĩ dấn thân, mở đầu cho dòng văn học chiến tranh cách mạng. Chỉ tiếc Trần Đăng hy sinh khi còn rất trẻ.

Những di tích còn lại ở Đồn Phố Ràng.

Bằng sự hy sinh của mình, Trần Đăng được đồng đội, đồng nghiệp ghi nhận là người lính đầu tiên trong vai trò nhà báo, nhà văn ngã xuống chiến trường. Tuổi 28 của anh đã dừng lại nhưng cuộc đời và những bài báo, trang văn của anh còn sống mãi. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong cùng số Báo Vệ quốc quân Xuân 1950, sau trang cáo phó về sự hy sinh của Trần Đăng có bài viết “Những bạn văn trẻ” nói về nhà báo, nhà văn Trần Đăng như sau: “…Cái ngòi bút vừa lạnh vừa nồng nàn, vừa âm vang tiếng sắt thép mà đầm ấm tinh thần người vệ quốc quân hiên ngang, chân chỉ, thực bộ đội, rất chính quy, tôi chưa được đọc ai như thế. Đăng tài nhận người, xét đoán việc với một cách nhìn thoáng đã chụp thành kiểu, gọn sắc. Đăng làm việc nhiều, sống mãnh liệt. Đăng là một thanh niên cộng sản. Các bút ký của Đăng cũng khỏe như cái chân đi của Đăng”… Còn nhà văn Nguyễn Đình Thi thì ngắn gọn mà sâu sắc: “Đời Trần Đăng đã là tác phẩm và là bài học đẹp nhất”.

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc