Mát lành bến nước
Từ bao đời nay, bến nước đầu nguồn vẫn được đồng bào Êđê xem như là mạch sống của buôn làng.
Cứ mỗi sáng sớm hay chiều tối, bến nước buôn Kli A (phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ) lại râm ran tiếng trò chuyện của bà con buôn làng đến đây lấy nước, tắm giặt. Từ bao đời nay, người dân trong buôn luôn cùng nhau gìn giữ rừng cây cổ thụ rợp bóng mát xung quanh bến nước để giữ mạch nước chưa bao giờ cạn.
Người dân đến lấy nước tại bến nước buôn Kli A (phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ). |
Bà H’Knul Niê (80 tuổi, buôn Kli A) cho hay, người Êđê khi chọn đất để lập buôn làng phải chọn nơi có nguồn nước dồi dào, trong lành nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho cả cộng đồng trong quá trình sinh sống. Nước không chỉ là nguồn sống vô tận mà còn có ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh từ thế hệ này đến thế hệ khác, vì vậy người Êđê đã hình thành một truyền thống tốt đẹp là vô cùng trân trọng nguồn nước, cũng như trân quý hạt muối, hạt gạo. Chính vì những ý nghĩa thiêng liêng đó, việc bồi đắp và duy trì sự sống cho bến nước của mỗi buôn làng là trách nhiệm của toàn bộ thành viên trong cộng đồng.
“Dù bây giờ đã có nước giếng để sử dụng, nhưng mỗi ngày hai lần tôi vẫn cùng con cháu đến bến nước để gùi nước về uống, nấu rượu cần và phục vụ cho sinh hoạt. Với tôi nguồn nước này không chỉ ngọt mát, trong lành mà còn mang lại sức khỏe và sự may mắn. Để giữ cho bến nước sạch sẽ, chúng tôi luôn bảo ban con cháu phải có ý thức bảo vệ rừng đầu nguồn, không xả rác và có ý thức dọn dẹp mỗi khi đến lấy nước”, bà H’Knul Niê tâm sự.
Ông Y’Mêk Niê, Bí thư Chi bộ buôn Kli A, chia sẻ: “Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, từ năm 2004 đến nay, bến nước buôn Kli A đã được đầu tư xây dựng, tu sửa lại ba lần. Những con đường mòn dẫn từ buôn xuống bến nước có độ dốc cao đều đã được xây thành bậc để chống trơn trượt. Khu vực bờ tường và ống dẫn nước cũng được bê tông hóa, sử dụng ống nhựa làm máng nước. Năm 2007, cơn bão số 2 ập đến khiến nhiều cây cối tại rừng đầu nguồn bị gãy đổ, thiệt hại gần 40 m3 gỗ. Ngay sau đó, chúng tôi đã được các tổ chức, hội, đoàn thể trên địa bàn thị xã hỗ trợ hơn 100 cây giống để tái tạo lại rừng nguyên sinh”.
Bến nước Ea Tul (xã Ea Tul, huyện Cư M'gar). Ảnh: Hữu Hùng |
Giống như ở buôn Kli A, hiện nay vẫn còn nhiều buôn làng giữ được bến nước, điển hình như bến nước buôn Ju, buôn Kmrông Prơng A, buôn Kmrông Prơng B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột); bến nước buôn Nur (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk); bến nước Đăm Di ở buôn Sah A (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar)…
Không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, bến nước còn là nơi dân làng cùng gặp gỡ, trò chuyện và thực hiện các nghi lễ trong đời sống tín ngưỡng. Với quan niệm vạn vật hữu linh, người Êđê tin rằng bến nước cũng có thần linh trú ngụ, cai quản nên hằng năm sau khi thu hoạch xong mùa màng thường tiến hành lễ cúng bến nước để cảm ơn các thần linh đã cho mưa thuận gió hòa, buôn làng ấm no, hạnh phúc.
Trải qua hàng trăm năm, bến nước của buôn làng vẫn đêm ngày tuôn chảy dòng nước trong vắt, mát lành. Tình yêu, sự trân quý từng giọt nước chảy từ mạch rừng thiêng đã thấm sâu vào trong tâm hồn mỗi con người Tây Nguyên; nhắc nhở họ ghi nhớ, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình trên miền đất đỏ bazan.
Thu Thảo
Ý kiến bạn đọc