Multimedia Đọc Báo in

Theo dấu sử thi

06:33, 26/01/2025

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.

Theo anh A Mang, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Văn hóa và Thể thao huyện Cư M’gar thì Ea Tul được chọn mở lớp học này nhằm khơi nguồn và làm sống lại giá trị di sản tiêu biểu ấy trong đời sống cộng đồng người Êđê tại chỗ, bởi đây là “cái nôi” của sử thi, với hàng chục bài khan nổi tiếng (như Đam Di, Đăm Bhu dăm Bha, Khing Dú, Y Dhu alahu, Y Giang Dăng và đặc biệt là khan Đam San) được thế hệ này truyền thừa cho thế hệ khác qua hàng trăm năm lịch sử.

Đến giờ, tại “cái nôi” của sử thi kia, việc hát kể sử thi cùng với các giá trị văn hóa truyền thống khác được 11 thôn, buôn trên địa bàn gìn giữ và thực hành trong đời sống đương đại, tạo nên không gian sống vô cùng sinh động và giàu bản sắc khiến bất kỳ ai đến đây cũng có thể cảm nhận được. Tôi đã thấy điều đó thông qua nhịp điệu sống thường ngày của cộng đồng người Êđê ở đây - từ những sinh hoạt trên các bến nước cổ xưa cho đến trong những ngôi nhà dài trầm mặc, luôn được người già lẫn trẻ say mê hát kể khan như một cách tưởng vọng về tổ tiên, ông bà của mình vậy.

Các nghệ nhân giao lưu kể khan, kể sử thi trong nhà dài ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) . Ảnh: Nguyễn Gia

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tul H’Nuên Niê nói rằng, khan ở đây được lưu giữ trong trí nhớ dân gian và được thể hiện dưới dạng thức hát kể lại cho mọi người nghe về những câu chuyện lịch sử lẫn huyền sử của mỗi cộng đồng dân tộc. Tuy vậy, nhiều chi tiết trong những trường ca Đam San, Đam Di lại hiện ra rất cụ thể và có thể tìm thấy ở nhiều nơi trên vùng đất Ea Tul này. Chị H’Nuên dẫn tôi ra bến nước buôn Sah và chỉ vào tảng đá còn in dấu chân của chàng Đam Di huyền thoại thuở nào rồi chia sẻ: Dấu tích ấy như sương khói phảng phất, mơ hồ nhưng luôn được con cháu hôm nay tiếp nhận như hiện thực sống động, chất chứa niềm tin về cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc của cộng đồng người Êđê từ khi tổ tiên họ sáng thế cho đến tận ngày nay.

Còn với chàng Đam San (trong sử thi cùng tên), với khát vọng sánh vai với các thần linh để chống lại mọi thế lực pơtao đen tối, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho buôn làng cũng được mọi người cảm thấu qua những huyền tích vừa như xa mờ, vừa như rất thật. Tôi xuống bến nước Ea Tul để nghe con cháu của chàng dũng sĩ ấy tự hào kể lại rằng: Dòng nước mát lành kia tuôn trào cho đến tận ngày nay là một chiến công hiển hách của Đam San thuở hồng hoang để lại khi chàng vung gươm cắm vào lòng đất với lời thề lấy cho được “con gái Thần Mặt trời” về làm vợ nhằm chứng tỏ tinh thần bất khuất của mình, cũng như cộng đồng người Êđê ở đây. Không hiểu sao tôi vẫn tin điều đó, tinh thần của Đam San đã thấm vào máu thịt của dân làng mỗi khi nghe hát kể về thiên sử thi anh hùng này.

Cúng bến nước, một thực hành văn hóa truyền thống của người Êđê. Ảnh: Hữu Sơn

Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm từng chia sẻ: Một Đam San hào hoa và lãng mạn với tình yêu Nữ thần Mặt trời; một Đam San bất khuất, dũng mãnh trước kẻ thù để bảo vệ cộng đồng. Hai mặt trong tính cách của chàng dũng sĩ ấy cũng là nét căn bản trong tính cách của người Êđê truyền thống. Điều đó được khẳng định khi nhà nghiên cứu văn hóa này nói về người cha thân yêu và đáng tự hào của mình: Cụ Y Ngông Niê Kdăm, một trong những trí thức tiêu biểu của người Êđê luôn mang khát vọng độc lập dân tộc đi theo Đảng, theo cách mạng để mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào và quê hương của mình. Trái tim và nhân cách lớn ấy, nay đã nằm lại trên đất đai, xứ sở của chàng Đam San thuở nào như lời khan từng kể: “Tôi là chiếc lá đa, tôi quyến luyến với cây đa”. Có nghĩa hai tiếng quê hương trong lòng người trí thức này cũng thấm đẫm tinh thần Đam San huyền thoại - đó là sau khi diệt trừ cái ác, giành lấy cái thiện cho cộng đồng dân tộc mình, chàng đã trở về hóa thân vào cây đa giữa buôn làng yên ấm. Và cụ Y Ngông Niê Kdăm cũng thế, cuối đời đã chọn mảnh đất này để về với “thế giới ông bà” của mình. 

Giờ đây, tinh thần của chàng dũng sĩ Đam San, Đam Di thuở nào lại được tiếp tục thắp lên trong cộng đồng người Êđê bản xứ, cũng như các dân tộc anh em khác với ước vọng cùng nhau chung sống, xây dựng quê hương Đắk Lắk giàu mạnh và phồn vinh.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-Magazine) Hành trình chạm đến ước mơ
Với sự nhiệt huyết, năng động, sáng tạo và tinh thần xung kích, vì cộng đồng, những ước mơ, hoài bão của nhiều thanh niên thế hệ mới đang dần được thực hiện, tỏa sáng và truyền cảm hứng tích cực đến mọi người…