Multimedia Đọc Báo in

Căn cứ Bời Lời - Một thời oanh liệt

05:11, 23/02/2025

Khu di tích lịch sử Bời Lời tọa lạc ở huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) là một trong những di tích gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Bời Lời cách trung tâm TP. Tây Ninh khoảng 20 km, thuộc khu vực rừng núi giáp biên giới Campuchia. Nơi đây có địa hình hiểm trở, thuận lợi cho việc ẩn náu và hoạt động kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Bời Lời là căn cứ địa cách mạng quan trọng của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Nơi đây diễn ra nhiều trận đánh lớn và là nơi lực lượng cách mạng xây dựng hệ thống địa đạo và hầm trú ẩn để tránh sự truy quét của địch.

Di tích hội trường trong khu căn cứ Bời Lời.

Năm 1965, Bời Lời trở thành mục tiêu của các cuộc hành quân lớn do quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện nhằm phá hủy căn cứ cách mạng. Lực lượng quân giải phóng đã triển khai các trận địa mai phục, gây tổn thất nặng nề cho đối phương. Trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, khu vực Bời Lời là một trong những địa bàn tập kết lực lượng để mở các đợt tấn công lớn vào Sài Gòn. Tại đây, quân và dân ta đã đập tan nhiều cuộc tấn công phản kích của địch.    

Trong các trận chống phá càn, với hệ thống địa đạo kiên cố, được xây dựng thông minh để di chuyển linh hoạt giữa các khu vực, quân và dân tại Bời Lời đã tổ chức các trận đánh từ trong lòng đất. Địa đạo trở thành "lá chắn thép" trước các cuộc truy quét bằng bom đạn và khí độc của Mỹ - ngụy. Bên cạnh đó, rừng Bời Lời là lá chắn tự nhiên giúp quân ta ẩn náu và tổ chức phục kích. Các trận đánh tại Bời Lời đều mang đậm tính chất du kích, với cách đánh bất ngờ, linh hoạt, tận dụng yếu tố địa hình để gây bất lợi cho quân địch.

 Các trận đánh địch của quân dân ta trong hai thời kỳ chiến tranh ở khu vực Bời Lời nói riêng, miền Đông Nam Bộ nói chung có ý nghĩa vô cùng to lớn, gây tổn thất nặng nề cho quân địch về vật chất và tinh thần: tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, làm suy yếu ý chí chiến đấu của Mỹ - ngụy.

Nhờ các chiến thắng tại đây, căn cứ Bời Lời được giữ vững, phát huy vai trò là trung tâm đầu não của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, đóng góp vào các chiến dịch lớn trong toàn chiến trường miền Nam.

Quân dân làm mìn dã chiến trong khu căn cứ Bời Lời. Ảnh tư liệu

Ngày nay, Khu di tích Bời Lời đã trở thành địa điểm du lịch lịch sử – văn hóa hấp dẫn. Tại Bời Lời hiện vẫn còn những dấu tích của các hầm chỉ huy, căn cứ quân sự và công trình địa đạo phục vụ kháng chiến. Giống như địa đạo Củ Chi, hệ thống địa đạo tại Bời Lời được xây dựng để bảo đảm an toàn cho các hoạt động quân sự. Địa đạo có các đường hầm dài, liên thông với nhau, phục vụ cho việc di chuyển, ẩn náu và dự trữ lương thực, vũ khí. Hầu như toàn bộ địa đạo Bời Lời được đào, khoét với những phương tiện, dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, dao, rựa và những chiếc ky xúc đất bằng tre… Quân dân vùng chiến khu Bời Lời đã xây dựng hàng trăm cây số đường ngầm dọc ngang trong lòng đất, nối liền các cơ quan, xã, ấp với nhau như một “làng ngầm” bí hiểm.                                   

Ngoài giá trị lịch sử, Bời Lời còn hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, giúp du khách thư giãn và hòa mình vào môi trường rừng núi. Khu di tích Bời Lời không chỉ là nơi ghi dấu lịch sử oai hùng của dân tộc mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của người dân Việt Nam.

Đặng Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Đắk Lắk phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên
Kỳ họp lần thứ Chín, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X diễn ra ngày 19/2 đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt trên 8% trở lên.