Multimedia Đọc Báo in

Nghệ sĩ Thảo Giang và “cây đàn tình yêu”

07:11, 13/04/2025

Hơn 30 năm sau ngày miền Nam giải phóng, làng Pờ Dầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) mới thoát khỏi sự biệt lập của một “ốc đảo”.

Có lẽ không nhiều người biết được rằng ngôi làng Bahnar hẻo lánh ấy đã sinh ra một tài năng nghệ thuật - người đã có công đưa cây đàn goong ra thế giới, làm rạng danh thêm truyền thống văn hóa của dân tộc mình: Nghệ sĩ Ưu tú Thảo Giang…

Một thời để nhớ

Thảo Giang tên thật là Thảo Nhếch, sinh năm 1940, là con thứ năm của một gia đình dân tộc Bahnar. Tuổi thơ Thảo Nhếch đã sớm gắn với những biến động của thời cuộc.

Là nơi sớm được nhen nhóm ngọn lửa cách mạng, làng Pờ Dầu bị thực dân Pháp di dời ra Hà Ra để tiện bề theo dõi, khống chế. Tại đây Thảo Nhếch được đi học một thời gian ngắn ở trường làng, do một giáo viên người Pháp đảm nhiệm, đủ để biết chữ Bahnar và bập bõm một ít tiếng Pháp. Năm 1952 được giác ngộ cách mạng, cậu bé Thảo Nhếch đã thoát ly gia đình tham gia đội văn nghệ kháng chiến của địa phương…

Năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết, Thảo Nhếch là người duy nhất của đội văn nghệ tập kết ra Bắc. Sau 4 năm miệt mài học tập tại Trường Cán bộ dân tộc Trung ương, năm 1959 Thảo Nhếch được phân công về công tác tại Đoàn Ca múa Tây Nguyên cùng với các nghệ sĩ Siu Ken, Kpă Púi, H’Ben, Siu Phich… Tại đây ông đã đặt cho mình một cái tên mới thay cho cái tên Thảo Nhếch khó gọi: Thảo Giang - nghĩa là “cỏ trời”.

Nghệ sĩ Thảo Giang biểu diễn đàn goong lúc sinh thời.

Đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, lao động nghệ thuật của đoàn cũng khẩn trương theo nhịp điệu thời chiến. Thảo Giang cùng với anh chị em nghệ sĩ có mặt khắp nơi: nhà máy, công trường, trận địa… Những kỷ niệm thiêng liêng nhất, trọn vẹn nhất trong giai đoạn này theo suốt cuộc đời ông là những dịp được biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Những lần được biểu diễn phục vụ Bác, nghe lời Bác dặn, ông thấm thía rằng: kho tàng nghệ thuật của nhân dân là mạch nguồn không bao giờ vơi cạn của người nghệ sĩ. Sự sáng tạo chỉ đạt tới sức sống lâu bền chỉ khi cắm rễ được vào mạch nguồn vô tận ấy của nhân dân…

Năm 1974, Thảo Giang cùng một số văn nghệ sĩ đi B phục vụ chiến trường, đến năm 1975 miền Nam hoàn toàn được giải phóng mới quay ra Hà Nội. Sau các chuyến đi biểu diễn tại Liên Xô và một số nước Đông Âu, năm 1977 cùng với những cánh chim nghệ thuật đầu đàn của Tây Nguyên, Thảo Giang trở về Gia Lai - mảnh đất chôn nhau cắt rốn sau chặng đường đằng đẵng 23 năm thương nhớ…

 Duyên với cây đàn goong

Cũng như khoa học, sự sáng tạo đỉnh cao trong nghệ thuật đôi khi chỉ là sự may mắn tình cờ. Trường hợp Thảo Giang và cây đàn goong cũng như vậy…  

Theo hồi ức của Thảo Giang, vào khoảng cuối năm 1977 ông trở về thăm làng. Trong cái đêm chất đầy những ký ức tuổi thơ ấy, ông chợt nghe vọng lại tiếng đàn goong sau hơn 20 năm!

Cho đến bây giờ người ta vẫn chưa biết đích xác cây đàn này do dân tộc nào chế tác, chỉ biết gần như ở Tây Nguyên dân tộc nào cũng có sử dụng đàn goong mà sự phân biệt chỉ là ở số lượng dây.

Đàn goong không được sử dụng trong các dịp lễ hội. Có lẽ do âm thanh hạn chế, đồng bào Tây Nguyên chỉ sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa đời thường. Ở làng Pờ Dầu, lúc còn bé tí, Thảo Giang đã thấy có người chơi đàn goong…

Cây đàn chỉ có 8 dây mà chứa đựng cả một thế giới âm thanh: lúc là tiếng chim hót, tiếng suối róc rách của buổi bình minh; lúc là tiếng thở dài của cơn gió hoang buổi chiều tà; lúc đột ngột một bầu lửa của dàn cồng chiêng khi thăng hoa nhất... Chẳng thế mà người ta vẫn mệnh danh goong là cây đàn tình yêu! Sự huyền diệu của cây đàn mộc mạc, bây giờ Thảo Giang mới chợt nhận ra. Ông lẳng lặng mang một cây đàn về nghiên cứu…

Múa đàn goong.

Cũng năm 1977, Thảo Giang về làm công tác giảng dạy tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên… Năm 1980 Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, một tiết mục độc tấu với một cây đàn lạ lẫm lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng Thủ đô và ngay từ những phút đầu, công chúng và Ban giám khảo đã bị chinh phục. Tiết mục đoạt Huy chương Vàng. Người biểu diễn cây đàn “lạ lẫm” ấy chính là Thảo Giang…

Hóa ra ròng rã ba năm ấy, Thảo Giang đã lao tâm khổ tứ nghiên cứu cây đàn. Đàn goong truyền thống chỉ có 8 dây nên chỉ chơi được các bản nhạc đơn giản, âm thanh yếu. Ông đã nghiên cứu cải tiến thành 14 dây, đồng thời gắn micro vào bầu cộng hưởng. Cây đàn goong cải tiến chơi được các bản nhạc phức tạp và đáp ứng được yêu cầu biểu diễn trước đông đảo công chúng…

Thảo Giang đã mang cây đàn goong đi biểu diễn tại Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… Ở đâu ông cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Có chuyện vui là ở Đài Loan, không tin vào âm thanh kỳ diệu của cây đàn, có khán giả đã gặp ông để kiểm tra xem… có giấu cassette trong người không!

Năm 1995 Thảo Giang chính thức đưa cây đàn goong vào chương trình giảng dạy cho sinh viên Trường Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai bên cạnh cây đàn t’rưng sở trường của ông, đồng thời tự mình viết giáo trình cho hai nhạc cụ này. Trong số các học trò của ông, thành danh với cây đàn goong có 4 người: Đức Dậu (Đoàn Nghệ thuật Phù Đổng), Ngọc Anh (Nhà Văn hóa TP. Nha Trang), La Y Xang (con trai nhạc sĩ Kpă Y Lăng) và Khắc Phú (Đoàn nghệ thuật Đam San). Là một loại nhạc cụ khó sử dụng, goong – như biệt danh là “cây đàn tình yêu” đòi hỏi người chơi ngoài năng khiếu phải là một tâm hồn biết lắng tiếng tình yêu. Nghệ thuật vốn “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, những học trò nói trên cũng đủ là niềm tự hào của Thảo Giang về bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên với công chúng trong nước và quốc tế...

Thảo Giang cũng là người duy nhất cho đến nay soạn nhạc cho cây đàn goong. Đã có hàng chục tác phẩm được sáng tác, trong đó 4 tác phẩm do ông tự biểu diễn đã đoạt Huy chương Vàng trong các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, đó là “Chuyện kể già làng”, “Trở lại buôn làng”, “Trên đường lên rẫy”, “Trở lại thời thơ ấu”.

Bây giờ nghệ sĩ Thảo Giang đã thành người thiên cổ nhưng công lao của ông với cây đàn goong thì giới nghệ thuật không ai lãng quên. Nhìn lại hơn nửa thế kỷ cống hiến cho nghệ thuật, hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời ông là tên tuổi của ông đã gắn với đàn goong – cây đàn tình yêu muôn điệu…

Ngọc Tấn


Ý kiến bạn đọc