Multimedia Đọc Báo in

Tết Thanh minh của người Mường

08:23, 17/04/2025

Tết Thanh minh của cộng đồng người Mường ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) còn được gọi là "Mùa tắm mát" không quy định ngày, tháng cụ thể, mà mỗi gia đình, dòng họ sẽ tự chọn một ngày phù hợp để sắm lễ, mời thầy về cúng và mời họ hàng, thông gia, anh em, bạn bè thân thiết đến cùng hưởng lộc.

Năm nay, Tết Thanh minh của dòng họ Bùi Văn được tổ chức khá chu đáo vì theo chu kỳ 4 năm sẽ mổ trâu một lần.

Ông Bùi Văn Thành, Trưởng họ Bùi Văn cho hay, quê ông ở xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình). Năm 1955 ông theo bố mẹ vào xã Hòa Thắng sinh sống đến nay. Đối với người Mường, Tết Thanh minh diễn ra từ ngày 12/2 âm lịch đến hết tháng Ba âm lịch. Lúc này đã hết mùa cây thay lá đâm chồi nảy lộc, họ lo lắng rễ cây lớn nhanh đâm vào phần mộ của ông bà, tổ tiên nên các con, cháu tập trung lau dọn, phát cây cối.

Ngoài cúng tổ tiên, ông bà ở nhà như bình thường còn thêm lễ tạ mộ, hay còn gọi là làm "mát mả” (mộ) để xua đi những điều không tốt, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người, mọi nhà có sức khỏe, bình an, gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt.

Sau lễ cúng, con cháu trong dòng họ Bùi Văn lần lượt đi thắp nhang cúng ông bà tổ tiên.

Nếu trước đây chỉ cần một con gà hay vài con cá nướng là thực hiện xong nghi thức Tết Thanh minh theo đúng nghĩa, thì ngày nay nhiều nhà mổ lợn, trâu, bò. Theo ông Thành, chu kỳ hai năm đầu cúng heo, năm thứ ba cúng bò và năm thứ tư cúng trâu được gọi là đại lễ, bởi con trâu đại diện cho sự mạnh mẽ, "khỏe như trâu"; con trâu là vật cày kéo đắc lực cho con người cho nên cúng trâu để mời cụ ông, cụ bà, gia tiên, tiền tổ với mong muốn sang một năm mới thịnh vượng, tài lộc, sức khỏe, mùa màng tươi tốt.

Trước đó, con cháu tập trung về dựng rạp ngoài đồng, mỗi người một việc chuẩn bị đầy đủ lễ vật cúng đặt gọn gàng trên lá chuối. Mâm cũng phải đầy đủ trên chay dưới mặn, trứng gà được luộc chín và nhuộm màu ngũ sắc, trong đó không thể thiếu hai món là oản được đóng nhiều màu sắc và cá trắng là biểu tượng bơi lội tắm mát ở dưới suối. Theo quan niệm của ông bà ngày xưa, các con cháu đi đâu cũng được chào đón, công việc thuận lợi, mọi người yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Sau lễ cúng mời ông bà tổ tiên về hưởng lộc, thầy mo Bùi Văn Thành xin keo mong ông bà tổ tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, bình an.

Sau khi các mâm lễ được bày biện đầy đủ, thầy cúng bắt đầu lễ cúng để mời thành hoàng bản thổ, gia tiên, tiền tổ, ông bà, cô dì, chú bác, các con cháu trong dòng họ về hưởng bổng lộc. Sau đó các con cháu trong nhà xếp hàng lần lượt đi thắp nhang xung quang các mâm cúng, tiếp đến mỗi người sẽ đi rót rượu vào 9 ly nhỏ trong các mâm. Đợi thầy cúng xong sẽ bưng bát nước lọc trong đó có lá tre vẩy nước xung quanh mọi người với mong muốn đem lại nhiều may mắn, sức khỏe, bình an cho con cháu.

Tết Thanh minh năm nay, dòng họ Bùi Văn gọi hết con, cháu, chắt gần 100 người về tham dự lễ tạ tam kinh (tức là lễ tạ quan), làm mát mộ. Nền nếp tưởng nhớ, tri ân công ơn của tổ tiên được dòng họ Bùi (dân tộc Mường) ở xã Hòa Thắng duy trì, nhằm nhắc nhở con cháu dù làm nghề gì, bất cứ ở đâu cũng cố gắng về sum họp, tiếp tục duy trì phong tục tập quán tốt đẹp đã được xây dựng, vun đắp bền chặt.

Kim Huế


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.