Multimedia Đọc Báo in

Tục đắp tháp cát của người Lào trong Tết Bunpimay

07:06, 13/04/2025

Đắp tháp cát là nghi thức không thể thiếu trong Tết cổ truyền Bunpimay của đồng bào dân tộc Lào ở huyện Buôn Đôn.

Người Lào gọi nghi thức đắp tháp cát là " Kò Chê - đi xai". Cùng với nghi thức thả hoa đăng, tắm Phật, té nước, đắp tháp cát là hoạt động xuất phát từ tín ngưỡng Phật giáo nguyên thủy và dần dần phát triển thành hoạt động phục vụ giải trí, du lịch.

Người Lào theo tín ngưỡng Phật giáo Nam tông, rất tin vào luân hồi, nghiệp báo. Đời sống sinh hoạt thường ngày của người Lào gắn liền với chùa chiền và cúng dường chư tăng. Họ quan niệm rằng, những gì ở trên đất chùa là tài sản của nhà chùa, cho dù đó chỉ là một hạt cát.

Nếu ai lấy tài sản của chùa đồng nghĩa với việc tự mình phạm vào giới luật ăn cắp, sẽ bị đọa địa ngục, kiếp sau sẽ phải chịu nhiều bất hạnh, ngang trái để trả giá cho hành vi bất thiện của mình gây ra. Hằng ngày lên chùa làm phước sẽ không thể tránh được việc để cát dính vào chân, vô tình đã phạm phải giới luật thứ hai là cấm trộm cắp trong ngũ giới.

Vì vậy, việc xây tháp cáp và đem cát vào sân chùa phục vụ việc xây dựng, tu bổ Phật môn trong ngày Tết Bunpimay là cách cúng dường nhằm trả lại lượng cát mà mình đã vô tình mang ra khỏi chùa. Đây cũng được xem là một hoạt động công đức, tạo dựng phước báu vô lượng, không những cho kiếp này mà còn cho cả kiếp sau.

Ngoài ra, tháp cát còn là hình ảnh tượng trưng cho núi Meru, nơi bảy nàng tiên cất giữ đầu Phạm Thiên Kabinlaphrom trong truyền thuyết lý giải nguồn gốc Tết té nước Bunpimay. Do đó, mỗi khi đến Tết Bunpimay, người Lào rất coi trọng nghi thức đắp tháp cát và thực hiện một cách cung kính, thành tâm.

Tháp cát được đắp trong Tết Bunpimay.

Theo kinh điển Phật giáo Nam tông, vua Ba - tư - nặc (Pasenadi) của Vương quốc Kiều - tất - la (Kosala), thuộc Ấn Độ cổ đại là người sinh ra cùng một ngày với Đức Phật. Một lần, trên đường đến Thành Xá Vệ (Sāvatthī) để đảnh lễ Đức Thế Tôn, nhà vua đi ngang qua một bãi cát đẹp ven sông, ông chợt nghĩ rằng, Đức Phật có 84.000 Pháp môn, nếu ta đem số cát này xây thành 84.000 tòa tháp để cúng dường Phật, Pháp, Tăng sẽ được công đức vô lượng. Sau khi đảnh lễ Đức Phật, nhà vua và quần thần được nghe Phật thuyết giảng về phước báu của việc đắp tháp cát. Từ đó, tục lệ đắp tháp cát dâng Phật được hình thành và truyền đến tận ngày nay.

Trong ba ngày Tết gồm 13, 14, 15 tháng Tư thì hoạt động đắp tháp cát thường diễn ra vào ngày 14. Lịch Lào truyền thống gọi ngày này là "Văn Nau",  tức là ngày ở giữa ranh giới giữa năm cũ và năm mới.

Tháp cát dọc bờ sông Mê Kông.

Ở Lào, người ta sẽ chuẩn bị sẵn một lượng cát lớn chở vào chùa hoặc đặt ở bờ sông, nơi tổ chức lễ hội. Sau đó, họ tưới nước lên đống cát cho có độ ẩm ướt rồi dùng một miếng gỗ phẳng tạo hình thành một ngọn tháp lớn, xung quanh tháp lớn là tạo hình những ngọn tháp nhỏ với số lượng là 84 tượng trưng cho 84.000 Pháp môn của Phật. Sau đó, người ta trang trí lên những ngọn tháp cát bằng hoa cúc vạn thọ, hoa đoọc khuun, hoa chăm pa và cờ phướn, cờ đuôi nheo... Sau khi cúng dường chư tăng và đón nghe bài kinh mừng năm mới, dân làng thỉnh chư tăng đến trước tháp cát để tụng lời chúc phúc. Mọi người cung kính chắp tay và cầu nguyện những điều tốt đẹp trong năm mới sẽ đến với mình. Sau cùng, họ bắt đầu thưởng thức những tiết mục dân ca, dân vũ và té nước vào nhau trong không khí tưng bừng, náo nhiệt.

 Tại Buôn Trí, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), hằng năm cứ vào trung tuần tháng Tư, chính quyền địa phương lại tổ chức lễ hội Bunpimay để đồng bào người Việt gốc Lào nơi đây được đón năm mới theo phong tục truyền thống, trong đó bao gồm hoạt động đắp tháp cát. Đây được xem là hoạt động thiết thực nhằm thể hiện sự tôn trọng đối với tín ngưỡng và phong tục tập quán của đồng bào tại địa phương.

Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon


Ý kiến bạn đọc