Khởi nghiệp từ văn hóa bản địa
Hiện nay, nhiều người Êđê trẻ đang lựa chọn con đường khởi nghiệp gắn liền với bản sắc dân tộc. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định, mỗi sản phẩm họ làm ra còn góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống theo cách hiện đại và mang dấu ấn riêng.
Lớn lên giữa không gian văn hóa gắn liền với khung dệt và những hoa văn rực rỡ, chị H Loang Mlô (29 tuổi, phường Buôn Ma Thuột) dần nhận ra sự vắng bóng của thổ cẩm trong đời sống buôn làng. Không mang lại thu nhập, khung cửi cứ mãi nằm yên nơi góc nhà, ít ai còn nhắc đến nghề xưa. Từ trăn trở ấy, chị bắt đầu hành trình gìn giữ thổ cẩm theo một cách sáng tạo và mới mẻ.
![]() |
Nhờ thiết kế độc đáo, những bộ trang phục tại cửa hàng của chị H Loang Mlô (phường Buôn Ma Thuột) được nhiều khách hàng yêu thích. |
Chị tìm đến các nghệ nhân trong buôn, mua lại vải dệt thủ công rồi bắt tay vào thiết kế thành các sản phẩm thời trang như áo dài, váy cưới, áo vest… “Nhiều người vẫn nghĩ thổ cẩm là thứ gì đó nặng nề, cứng nhắc, chỉ hợp mặc trong các dịp lễ hội. Vì vậy, tôi muốn làm ra những món đồ mà ai cũng có thể mặc đi chơi, đi làm, đi tiệc; vừa đẹp, vừa thoải mái mà vẫn giữ được linh hồn của dân tộc mình. Khi văn hóa không còn nằm trong tủ kính mà bước ra đời sống thì nó mới thật sự được giữ gìn”, chị H Loang chia sẻ.
Dù không học qua trường lớp thiết kế chuyên nghiệp nhưng từ những kiến thức học hỏi được cùng trải nghiệm thực tế và góp ý từ khách hàng, chị dần hoàn thiện từng mẫu sản phẩm. Các hoa văn truyền thống như nhà sàn, con vật, lá cây… vẫn hiện diện rõ nét trên từng bộ trang phục nhưng được phối màu tinh tế, lựa chọn chất liệu như thun co giãn, lụa, nhung… để phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Một số mẫu còn được đính đá, ngọc, lông vũ… tạo điểm nhấn riêng mà không làm mất đi bản sắc.
Để thổ cẩm dễ tiếp cận hơn với cộng đồng, ngoài bán lẻ, chị còn mở dịch vụ cho khách thuê trang phục trong dịp đám cưới, sự kiện văn hóa, du lịch trải nghiệm... Giá thuê trang phục dao động từ 50.000 – 1 triệu đồng/bộ; giá mua dao động từ 350.000 – 3 triệu đồng/bộ tùy chất liệu và thiết kế. Ngoài ra, chị còn xây dựng hệ thống cộng tác viên khắp các tỉnh thành như Lâm Đồng, Đồng Nai, Hà Nội… để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm trang phục truyền thống của người Êđê.
Từ những mâm cơm đậm đà hương vị núi rừng bên bếp lửa nhà sàn, chị H Lêch Byă (37 tuổi, xã Krông Pắc) đã ấp ủ mong muốn mở một quán ăn mang đậm hương sắc của người Êđê. Với chị, ẩm thực không chỉ là câu chuyện của vị giác mà còn là ký ức, văn hóa và linh hồn của cả một cộng đồng. “Khi quyết định mở quán, điều khiến tôi trăn trở nhất chính là khẩu vị của khách. Ẩm thực truyền thống của người Êđê thường có vị cay, mặn, đắng nên không phải ai cũng ăn được. Vì vậy tôi đã nghiên cứu, điều chỉnh món ăn hài hòa hơn mà vẫn giữ nguyên các nguyên liệu đặc trưng như cà đắng, lá bép, lá sắn, kiến vàng… để không làm mất đi hồn cốt của ẩm thực dân tộc mình”, chị H Lêch Byă tâm sự.
![]() |
Chị H Lêch Byă (xã Krông Pắc) phục vụ thực khách các món ăn truyền thống của người Êđê. |
Sau thời gian thử nghiệm và hoàn thiện công thức, chị lần lượt mở hai quán cơm tại xã Krông Pắc và phường Buôn Ma Thuột. Chỉ trong hơn một năm, hai địa điểm này đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh. Mỗi ngày, cả hai cơ sở của chị đón khoảng 300 – 400 lượt khách đến thưởng thức hơn 30 món ăn đặc trưng của dân tộc Êđê trong không gian nhà sàn được trang trí bằng những bình rượu cần, gùi tre, khăn thổ cẩm rực rỡ… Mỗi bữa ăn không chỉ mang đậm hương vị của núi rừng mà còn cho thực khách trải nghiệm thú vị về đời sống văn hóa của người Êđê.
Hoạt động kinh doanh của chị H Lêch Byă còn góp phần tạo sinh kế cho nhiều người dân trong buôn. Thay vì nhập hàng từ chợ, chị ưu tiên mua rau rừng, củ quả, cá đồng, kiến vàng… do bà con mang từ rẫy về; vừa để có được nguồn thực phẩm sạch, tươi ngon vừa giúp nhiều hộ khó khăn có thêm nguồn thu nhập.
Bằng sự nhạy bén và tình yêu sâu sắc với cội nguồn, nhiều người Êđê trẻ đã và đang tìm cho văn hóa truyền thống một chỗ đứng vững chắc giữa dòng chảy hiện đại. Không cần ồn ào, họ âm thầm làm mới cách tiếp cận, thổi vào đó một sức sống mới để những giá trị của cha ông không chỉ được giữ gìn mà còn lan tỏa và tiếp tục đồng hành cùng tương lai.
Thu Thảo
Ý kiến bạn đọc