Hãy hứa với anh rằng voi sẽ quay lại...
Trong ký ức của tôi về Đắk Lắk, bên cạnh hương hoa cà phê thơm ngát, men rượu cần bốc lửa, những vòng xoang ngây ngất... luôn có hình ảnh của loài vật to lớn, hùng dũng nhất đại ngàn - voi.
Tôi thuộc nằm lòng ca khúc thiếu nhi “Chú voi con ở Bản Đôn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, một ca khúc hay dành cho thiếu nhi và cho cả Tây Nguyên.
Ca từ giản dị, trong sáng, âm nhạc hồn nhiên phảng phất dân gian khiến bài hát dành cho trẻ em vẫn làm người lớn say mê. Theo tôi, hiếm có ca khúc Việt nào như “Chú voi con ở Bản Đôn” vừa có sức sống lâu bền, vừa luôn được tái tạo trên nền bản gốc, và đó cũng là câu chuyện âm nhạc để nhiều người phải suy ngẫm.
Cách đây 10 năm, từ Hà Nội, có đôi bạn trẻ song sinh Tùng Lâm - Tùng Linh (SN 1989, học ở Đại học Bách khoa và Đại học Ngoại thương, cả hai đều là Chủ tịch Câu lạc bộ Âm nhạc của trường) đã remix lại ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn” trên nền nhạc guitar và nobody (wonder girls). Với phong cách lạ, trên nền giọng ca có âm vực rộng, bản remix “Chú voi con ở Bản Đôn” sau khi phát trên Youtube chỉ một tuần đã có hơn 30.000 lượt truy cập.
Khi bản remix của anh em Tùng Lâm - Tùng Linh vẫn còn âm hưởng trong giới trẻ thì một hiện tượng khác nổi lên là bản mashup của nhóm nhạc acoustic Củ Chi (ACC). Trên nền bản gốc “Chú voi con ở Bản Đôn”, nhóm nhạc này đã cover lại, thêm lời và những giai điệu nhạc trẻ của Hàn Quốc khiến mạng xã hội bùng nổ lần nữa.
Nhạc công ghi ta Vinh Nguyễn của nhóm nhạc cho biết: Ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn” được nhiều nhóm nhạc cover, nhóm ACC cũng thử sức và không ngờ có hiệu ứng mạnh mẽ đến vậy. Một thành viên khác của nhóm, ca sĩ Kỳ Kỳ nói: Ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn” được rất nhiều ban nhạc phối lại, thậm chí có trong cả những chương trình lớn như Vietnam Got Talent. Tuy nhiên, cũng không hiểu sao, bản của nhóm nhạc ACC lại được nhiều người ủng hộ”.
Chú voi con được đặt tên Gold được chăm sóc chu đáo tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk. Ảnh: Công Hạnh |
Tôi thì cho rằng, những sáng tạo nghệ thuật, dù là hàn lâm hay đường phố, một khi đã được công chúng đón nhận hoàn toàn không ngẫu nhiên. Nếu nhóm tác giả song sinh Tùng Lâm - Tùng Linh đưa “Chú voi con ở Bản Đôn” vào lòng người bằng giọng ca khi cao vút thiết tha, khi trầm thấp đầy chất tự sự cùng giai điệu ghi ta mộc mạc làm chủ đạo thì nhóm nhạc ACC đã khuấy động người nghe, người xem bằng giọng ca đậm chất rock Tây Nguyên, bằng giai điệu chachacha sôi nổi, cuốn hút. Điều quan trọng nữa, sự thành công của nhóm nhạc ACC là những ca từ thêm vào, giàu biểu cảm và xuyên thấu những nỗi niềm.
Xin được trích ra đây đoạn thêm vào trong ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn” của nhóm nhạc ACC: “Một lần thôi người, một lần thôi đừng/ Hãy hứa với anh, rằng voi sẽ quay lại/ Đừng để anh một mình... Chờ voi mãi rồi, đợi voi mãi rồi/ Con tim anh đang khô héo từng ngày/ Voi có hay chăng, và voi có biết chăng... Nếu như một ngày mai voi không trở lại/ Thì anh vẫn đi tìm voi mãi mãi...”!
Sáng tạo nghệ thuật trong lĩnh vực nào, ở đâu, cũng ít nhiều mang bóng dáng đời sống. Và sáng tạo chỉ thành công khi tác phẩm nói lên được cảm xúc, tâm thế của công chúng trước một hiện thực nào đó của đời sống. Suy rộng ra, những tác giả, nhóm tác giả nói trên và ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn” đã thành công sau khi làm mới là vì công chúng quá yêu mến vùng đất Tây Nguyên, là vì đang có một Tây Nguyên khắc khoải bởi hình bóng đàn voi đang dần mờ nhạt.
Hay bởi buồn, buồn nên hay? Tôi không rõ nhưng mỗi lần nghe ca khúc bản gốc “Chú voi con ở Bản Đôn” và cả những bản làm mới ca khúc lại thấy mình bâng khuâng, day dứt. Lại nhớ những lần nào đó nghe tiếng tù và của cố nghệ nhân săn voi Ama Kông bên dãy núi Chư Min, tiếng tù và gọi voi mà ông đã thổi suốt thời trai trẻ.
Ama Kông có biết, nhạc sĩ Phạm Tuyên có biết, giờ đây và nhiều năm sau nữa, sẽ còn mãi ân tình đồng vọng: Nếu như một ngày mai voi không trở lại. Thì anh vẫn đi tìm voi mãi mãi...
Tuỳ bút của Phạm Xuân Hùng
Ý kiến bạn đọc