Multimedia Đọc Báo in

Tiếng thơ - tiếng lòng của một nhà giáo (Đọc “Sáng mắt học trò” của Hoài Hương, Nhà xuất bản Văn học – tái bản lần thứ năm)

06:56, 14/11/2021

Hơn một trăm bài thơ, hơn hai trăm trang in, tập thơ “Sáng mắt học trò” của Hoài Hương coi như tổng hợp hành trình thơ của một cựu nhà giáo. Tên tập thơ đã nói lên điều đó. Tôi rất thích những bài thơ viết về trách nhiệm người thầy song song với nghĩa vụ công dân – chiến sĩ.

Tốt nghiệp đại học sư phạm, nhận nhiệm vụ vào tuyến lửa Quảng Bình dạy học từ năm 1967, nhà thơ đã giới thiệu chân thật về bản thân trong bài “Lên đường”: Dáng sinh viên/Gầy gò lưng áo/ Bị gạo đầy/ 40 kg sách trên vai.

Trên đường vào đỉnh dốc Lầm Lang ở Ninh Hóa, Quảng Bình, tác giả có chút trăn trở cũng rất thật: Nỗi niềm trăn trở băn khoăn/Đường còn tít tắp núi ngăn rừng dày/Ngày mai rồi sẽ sao đây/Trên bom, dưới suối giữa… thầy giáo Văn!

Có chút băn khoăn đấy nhưng vượt lên là niềm lạc quan, vút lên niềm tự hào của tuổi trẻ cống hiến: Nhạc rừng vượn hót chim ca/Suối reo róc rách giục ta lên đường! (Đỉnh dốc Lầm Lang).

Bài “Ký ức dạy Kiều” ở Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch, Quảng Bình năm 1969 cứ khuấy động tôi nghĩ về ngày dạy học dưới bom đạn Mỹ. Hoài Thương phả vào thơ lý tưởng nhân văn: Nghèo áo cơm/ Nhưng giàu ước mơ và  lòng dũng cảm/ Vẫn học Kiều/ giữa đạn nổ, bom tuôn! Ta chiến đấu vì tiếng nói; vì hồn cốt dân tộc, vì cái hay, cái đẹp cho cuộc đời. Nhớ lại Nguyễn Du: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? Chúng ta vẫn nhớ về đại thi hào Nguyễn Du, giảng thơ ông dưới mưa bom, bão đạn. Thời chiến, mỗi người dân là một chiến sĩ. Học sinh cấp 3 là chiến sĩ thực thụ. Tiếp lương, tải đạn không còn lạ.

Bài “Tổ quốc cần” ghi lại hình ảnh các trường ở Quảng Bình, hai ngày nghỉ tết dương lịch 1969: Phía Bắc sông Gianh/ Điểm hẹn lên đường … thầy  trò/ Những thiên thần/ Mỏng manh! Giữa gió giật, mưa tuôn/ Chiến trường nóng bỏng/ giữa đạn bom và con ma, thần sấm/ Giữa sống, chết chỉ còn trong tấc gang! Chuyển hàng trên phà trong hoàn cảnh đó. “Con ma”, “thần sấm” là tên gọi máy bay F1, F105D của Mỹ, tiếng rú rít xé toạc bầu trời, âm thanh ghê rợn. Thầy trò đã chiến thắng: Lao vào chuyển đạn/ cho miền Nam giòn giã chiến công. Không chỉ phà Gianh, những địa danh khác cũng trải dài theo chân nhà giáo: Phà Quán Hàu, phà Linh Cảm, phà Long Đại như một nhân chứng của nhà giáo – chiến sĩ.

 

Phần đầu tập thơ là sự kết tinh gian khổ, tích tụ những gì trải nghiệm thời chiến nên xúc động, dễ đồng cảm.

Phần sau là tình quê hương nuôi ta khôn lớn với những người thân thương, trước hết và trên hết là các bậc sinh thành. Về thăm quê, ký ức dồn về, hồi tưởng tuổi thơ thật xúc động: Hàng cau cao rộng tiếng chim/Mây vờn bóng nước lặng chìm giếng khơi/Cây chay, chùm ruột… đâu rồi/Tuổi thơ tôi vẫn thường ngồi nơi đây!  (Đường về). Bài “Cha, Mẹ” thể hiện sự trân trọng của người con: Cha! Là cổ thụ đời con/Là khuôn thước của lòng son tình người…/Mẹ! Là sông nặng phù sa/Trải bao năm tháng phong ba dập dồn.

Yêu gia đình, yêu quê hương  mở rộng ra là yêu đất nước. Đi và đến để thêm yêu Tổ quốc.

Bài “Huế tím chiều xuân” thơ tự do có tứ lạ, yêu người và cảnh của xứ Huế mộng mơ. Chợt nhớ bài hát Hương Bình lưu luyến có câu: Ngàn hoa thua một tà áo tím để nhớ Huế khôn nguôi: Róc rách dòng trôi/ thuyền xuôi Đập Đá/ Núi Ngự Bình/ Neo vợi ánh trăng nghiêng. Hay ánh trăng nghiêng neo vợi là sự tìm tòi, cũng neo vào lòng người đọc.

Nhà thơ Hoài Hương tên thật là Đoàn Huy Hà, sinh ra ở Bình Trị, Bình Sơn, Quảng Ngãi trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Vào Đắk Lắk ngay sau ngày giải phóng miền Nam, luôn đau đáu nhớ quê. Yêu, nhớ quê hương, lòng vọng cố hương nên lấy bút danh là Hoài Hương.

Bài thơ mở đầu lấy tên chung là “Sáng mắt học trò”. Tuổi thơ ai cũng trải qua. Câu thơ đầu khẳng định: Sáng mắt học trò/ Là kỉ niệm tuổi thơ.

Tôi thích khổ thơ: Sáng mắt học trò/ Cái tuổi vô tư/ Mong thầy ốm, được nghỉ/ Lâu ngày lại nhớ! Rất chân thật về tuổi thơ vụng dại. Khi được thông báo thầy ốm, được nghỉ học, nhiều bạn đập tay lên bàn làm tung cả sách bút vì sung sướng, biết rằng phải học bù, nhưng cứ vui cái đã: Tình bè bạn/ Sớm mưa chiều nắng/ Lắm giận hờn/ Cũng lắm yêu thương. Thế mới là học trò, không giận hờn vô cớ thì không phải học trò.

Bên cạnh thành công của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng của nửa cuộc đời. Giới thiệu thơ Hoài Hương, không thể không nói đến người con gái xứ Nghệ. Đã công tác cùng nhau nên duyên chồng vợ. Đó là Nhà giáo Ưu tú Ngô Thị Loan. Nhà thơ đã có bài thơ dài “Chân dung người vợ” thật có nghĩa, có tình. Tôi thích bài: “Gởi em giọt nắng đầu xuân” có những câu nặng tình tha thiết: Dẫu biết/ Giọt nắng đầu Xuân chưa đủ ấm/ Anh/ Vẫn gom về dành tặng cho em.

Tôi biết nhà thơ Hoài Hương (Đoàn Huy Hà) đã hơn bốn mươi năm, được đọc nhiều thơ của anh, dù sau này anh về phụ trách công tác lưu trữ của tỉnh hay Giám đốc Khách sạn Hai Bà Trưng vẫn viết và say mê đề tài giáo dục. “Sáng mắt học trò” tái bản lần thứ năm, lần nào cũng sửa chữa bổ sung cho hoàn thiện. Đó cũng là trách nhiệm của người cầm bút chân chính, của nhà giáo – chiến sĩ.

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.