Multimedia Đọc Báo in

Một tập sách sống động về miền quê

18:31, 26/02/2022

Tôi biết Đinh Hữu Trường khá sớm. Là người cẩn thận, chỉn chu nên khi thành lập Hội Văn nghệ Đắk Lắk, Đinh Hữu Trường được giao làm Thư ký tòa soạn cho Tạp chí Chư Yang Sin.

Tôi có ấn tượng ban đầu với anh là về thơ chứ không phải văn xuôi. Day dứt trong tôi là bài thơ “Rổ khoai của mẹ” và “Đồng bằng” qua hình ảnh đẹp, thơ mộng của làng quê hiện lên: “Con chèo bẻo đu vòi măng thổi sáo”. Chất lãng mạn làm tôi không quên. Phải thế chăng mà tập truyện “Cùng con bay về miền ký ức – Làng Yên Phó trong túi áo” thể hiện một miền quê yêu thương sống động.

 

Tập sách chia làm 5 phần: Làng thời xưa cũ – Người muôn năm cũ – Bạn thân một thuở - Tuổi thơ thời chiến – Kết truyện (ngoài phần mở truyện). Phần nào cũng đáng đọc. Làng quê Bắc Bộ hiện lên sống động qua từng trang văn. Lớp người cao tuổi thấy hình bóng mình. Lớp trẻ hiểu hơn giá trị của độc lập, tự do mà trân quý, mà hiểu thêm có một thời như thế.

Có thể nói, tác giả phải vô cùng yêu quê, nhớ quê mới có những trang văn tha thiết đến vậy. Đây là cảnh làng Yên Phó trong “Truyện làng ngày ấy”: “Làng Yên Phó ngày ấy thật đẹp, đẹp như làng quê khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, có dòng sông Vạc chảy như mơ giữa đôi bờ lúa. Cây đa ông Tích bên bờ sông đã vài trăm năm tuổi buông rễ chằng chịt”. Có lý do để giới thiệu cả đấy. Cây đa trùm bóng mát để tuổi thơ chơi ô ăn quan, đánh trận giả, để rồi lớn lên mỗi người một nơi. Đông đảo nhất là đám thanh niên lên đường đánh Mỹ.

“Đám cưới thời chiến” là ghi chép tỉ mỉ về đám cưới của sáu cặp uyên ương cùng tổ chức. Vô cùng đơn giản nhưng cũng ấm áp tình người. Hôn trường là sân kho hợp tác xã được kê thêm mấy bộ bàn ghế. Tấm phông có đôi bồ câu trắng, dưới là khẩu hiệu: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Phổ biến chung cho cả miền Bắc lúc bấy giờ. Tôi chú ý đến chi tiết về quần áo của cô dâu, chú rể ngày cưới: “Các chú rể đều mặc áo sơ mi trắng, quần kaki xanh, cô dâu áo lơ xanh, cổ hình trái tim, quần phíp hoặc vải lụa đen nền nã”. Có một thời như thế! Quà tặng đám cưới tất nhiên không có phong bì như bây giờ: “Thường là chiếc khăn mùi soa hoặc cặp gối gối đầu, sang lắm là chiếc xoong nấu bột cho trẻ em bé tí xíu”. Đinh Hữu Trường ghi nhớ cụ thể, tỉ mỉ từng chi tiết về hạnh phúc lứa đôi thật giản dị, ấm cúng để kết truyện hạ câu xa xót nghẹn lòng: “Sau đám cưới thời chiến, nhiều chú rể đã không trở về, nhiều đôi đã lỡ hẹn như vậy đấy!”. Cái giá của độc lập, hòa bình, phải đổi biết bao xương máu, trong đó có lớp trai tráng của đồng bằng Bắc Bộ.

Truyện “Xếp hàng mua gạo” nhắc nhở về một thời chưa xa: Thời tem phiếu! Nhà văn nhớ đến câu phổ biến lúc bấy giờ: “Hớt hơ hớt hải như mất sổ gạo” và “Mặt như tem ướt”. Tem phiếu ướt, sổ gạo mất coi như tai nạn động trời.

Nói về miền quê, không thể không nói đến “Đồng làng”. Nhà văn nhìn lại tuổi thơ reo vui, tự hào trên “cánh đồng hợp tác”. Cả làng dàn quân đi cắt lúa như đi đánh trận hay đi hội. Sản vật của đồng làng ngoài lúa, rơm, rạ còn có cua, ốc… mùa nào thức nấy mà để be dạy, cắm đăng, bắt cá hay những đêm mưa bắt những cặp ếch đang tình tự.

“Tuổi thơ làng quê, ra đồng – Có nghĩa được hòa với thiên nhiên và cảnh vật quen thuộc, như cá về với nước”. Chân trần, lội bùn để cảm nhận tê mê, khoái cảm của bùn đất quê hương, mà thỏa thuê nhìn ngắm: “Cào cào, châu chấu không còn chỗ náu bay tóe vào người, vào mặt, tiếng chân đạp gió phành phạch. Từng đàn cò trắng lội soi chân người gặt, mò tép, mò tôm. Chim sẻ, chim ri sà xuống bờ ruộng nhặt thóc rơi rồi lại vụt bay lên, từng đôi cãi nhau chí chóe”. Khung cảnh thật thanh bình!

Có một truyện rất ngắn nhưng gây xúc cảm cho tôi là chuyện “Vàng ơi!”, gợi nhớ truyện “Lão Hạc” của Nam Cao. Con chó là bạn trung thành của người, thế mà phải bán đi, phải chia lìa. Người mua không phải để nuôi mà để giết thịt. Nhà tôi nuôi con chó mực, chịu chung hoàn cảnh này nên đau xé lòng khi Đinh Hữu Trường viết: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn không sao quên được đôi mắt con Vàng tội nghiệp của tôi trước khi bị kéo đi còn cố quay nhìn mẹ tôi, nhìn tôi; còn cố kêu lên những tiếng van lớn cuối cùng. Vàng ơi đừng trách chúng tôi nhé Vàng. Đói quá mà, khổ quá mà. Âu cũng là cái kiếp đói khổ của một con chó nhà nghèo, Vàng nha…”.

Trong tập truyện có nhiều ký ức tuổi thơ đeo đẳng với làng quê. Những trò chơi chỉ gắn bó với làng quê: Thả diều, đánh bi, đánh đáo, đánh quay, ô ăn quan… Đặc biệt hình ảnh “Cây đa ông Tích” ở bến sông Vạc đeo đẳng, khắc khoải tiếng gọi “Đò ơi!”.

Tôi có chút băn khoăn: Nếu đầu đề tập truyện chỉ cần: Làng Yên Phó trong túi áo thì rất cô đọng, gây ấn tượng, trong đó là miền ký ức để cùng con bay về.

Tôi thích tập sách này vì gặp lại mình trong khung cảnh đồng bằng Bắc Bộ của mấy mươi năm về trước. Văn phong, cách dẫn truyện hay, nhẹ nhàng không lên gân. Tôi tin nhiều người yêu thích làng quê sống động trong yên bình, thấy làng Yên Phó của nhà văn sao giống làng mình đến vậy.

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc