Tảo tần gánh mạ
Mạ tôi lìa cõi tạm đã hơn ba năm. Trong ba năm ấy, tôi như những người con mất mạ khác, lòng hoang hoải một cảm giác trống vắng vô ngần. Từng chiều đông tôi nhớ, từng trưa nắng hạ vàng tôi nhớ, từng đêm trăng thanh tôi nhớ. Mưa lướt thướt hay nắng quái mướt mồ hôi đều như âm ỉ chênh chao cái cảm giác trống rỗng khôn cùng…
Mạ tôi là một phụ nữ bình thường như bao người khác, mạ có phần thua thiệt hơn bởi mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Rất may là mạ được sống với gia đình ông chú ai cũng yêu thương mạ. Gia đình chú cũng nghèo, mạ cũng như con cái các nhà nghèo thuở đó đều không được đi học và mù chữ, nhưng cái quý nhất là đạo lý ở đời mạ lại học được từ những lời răn dạy của người thân, từ những lời giáo huấn mạ nghe được trong làng trong xóm, và trong cả những lời ru, điệu lý, câu hò. Mạ thuộc rất nhiều làn điệu ca Huế. Khúc kim tiền mạ hay hát: “Sanh ra đạo làm trai/ phải lo học cho đặng nên người…” đã theo tôi từ thuở ấu thơ. Mạ hò mái nhì rất hay, lời xô xa khuất tỏ mờ, lời hò thấm thía diệu vợi khiến tôi mỗi khi trước lúc đi ngủ đều vòi mạ ru điệu này. Một câu hò khác: “Tiền tài như phấn thổ, nghĩa nặng tợ thiên kim/ Con le le mấy thuở chết chìm/ Người ân nhân ở bạc cũng nỏ kiếm tìm mần chi”… Chao ôi hai chữ “ân nghĩa” ở đời, gồng gánh thật nhọc lòng mà cái sự diệu vợi đem lại cũng đáng quý làm sao.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet) |
Dáng người mạ mảnh mai. Cái dáng nhỏ nhắn ấy rắn rỏi đi suốt một cuộc đời đầy gian khó chín mươi năm. Mười ba tuổi mạ tập tành đi buôn gạo, phải gánh gạo từ làng Triều Sơn Trung lên Huế bán từ lúc ba giờ sáng. Nghề buôn gạo khiến mạ rất thạo tay trong việc xay, giã, giần, sàng. Mười bảy tuổi mạ lấy chồng, sinh thành và dưỡng dục con cái, gánh nặng cuộc đời từ đó đầy thêm trên vai mạ. Những ngày làm lụng vất vả nhọc nhằn; những lúc nửa đêm bồng bế lũ con sang nhà hàng xóm chui nhờ hầm tránh đợt pháo kích, lưu đạn cay...; những lúc dắt díu cả nhà gánh gồng di tản; những ngày dắt con lên cầu Trường Tiền lượm muối, gạo cho qua đoạn khó mùa xuân năm ấy…
Có một điều là mấy anh chị em tôi đều lớn lên, được đến trường nhờ luống rau của mạ. Cứ mỗi sáng tinh mơ, mắt nhắm mắt mở tôi đều làm cái việc là chạm tay vào hai đầu gánh rau mạ vừa hái trong vườn. Mạ nói vía tôi nhẹ, làm rứa mạ bán hàng mau hết. Mạ nói và cười, nụ cười đượm màu từng trải của người đàn bà tuổi vừa xế bóng, đi qua bao truân chuyên của cuộc đời, song vẫn cầu may mắn giữa dòng trôi. Mạ hay gánh rau dọc theo con đường có hai hàng cây muối rất đẹp, qua cánh đồng gạo de về chợ An Cựu bán. Nhiều khi tôi chạy theo dáng mạ một đoạn, mắt ngây thơ mơ hồ lưu dấu cái dáng nhỏ nhoi đội nón gánh gồng đi.
Cuối những năm bảy mươi, nhà tôi rời phố chuyển về sống ở làng, cùng với bà con chống chọi trước vô vàn khó khăn của thời bao cấp. Mạ vác cuốc ra bưng biền khai hoang trồng hai vuông rau muống ven sông. Rau mạ trồng nửa bán nửa ăn. Nhưng cũng từ đó, tôi không còn được mạ nhờ “sờ tay nhẹ vía” vào mớ rau nữa. Tôi nhận ra khi lưng mạ còng xuống giữa đám lau lách bên sông, tuổi thơ của tôi cũng đang theo dòng nước trôi đi.
Mạ tất bật lấm láp bùn đất suốt cuộc đời như thế, cho đến ngày mạ không gánh gồng nổi nữa, không cầm cuốc vườn rau được nữa, mạ nói: chừ mạ chỉ trông chờ vào các con thôi. Ngày xưa mạ hay tìm tay tôi, bây giờ tôi đi tìm tay mạ. Mạ đưa bàn tay cho tôi, bàn tay người già lam lũ bao năm hằn dấu nứt nẻ cần lao, những ngón tay bị bẻ cong vì thấp khớp. Tôi cầm bàn tay mạ và hiểu vì sao mình lớn lên, vì sao mình học mấy cũng chưa được cách sống lặng lẽ âm thầm, đầy hy sinh của mạ. Bàn tay đó đã truyền cho tôi biết bao nghị lực, không nản lòng để vượt qua những gian khó. Bàn tay đó đã từng bế bồng tôi, từng vỗ về giấc ngủ tôi, từng đặt tay lên trán khi tôi lên cơn sốt, từng đắp chăn cho tôi lúc trời trở lạnh, từng ôm tôi vào lòng an ủi mỗi khi tôi oan khuất điều chi...
Trong chừng năm năm cuối đời, mạ ăn chay. Khi mạ lâm chung, tôi như thể nhìn thấy cái mỉm cười của mạ vừa chắp cánh bay đi, cánh cửa vô thường mở rộng ra, và trong không gian vang vọng tiếng kinh cầu. Nụ cười trong tiếng kinh cầu ấy; như thể đã mang theo bao di chỉ cuộc đời lam lũ lặng thầm như đôi triêng gióng, như những luống rau, những dấu hằn nứt nẻ trên bàn tay lấm bùn của mạ; như lời nhắn nhủ cuối cùng của mạ với các con về cõi tạm, rằng sống ở đời này…
Hồ Đăng Thanh Ngọc
Ý kiến bạn đọc