Tháng Tám đong đầy nỗi nhớ
Tháng bảy vừa rời bước, tháng tám theo sau của dòng thời gian mải miết quay tròn.
Nỗi nhớ tháng tám quê nhà trong tôi bắt đầu từ khu vườn ngọt ngào đầy hoa trái. Tôi nhớ dáng bà vào mỗi sáng sớm khom lưng, chậm rãi bước ra thăm mấy cây bưởi sau hồi nhà. Bàn tay gầy gò nhăn nheo đầy vết đồi mồi sờ lên quả bưởi và lẩm bẩm “Nắng tháng tám rám trái bưởi”. Và lúc đó tôi nhận ra chỉ còn ít hôm nữa thôi những quả bưởi có thể ăn được. Nắng tháng tám làm vỏ bưởi rám đi, múi cũng bắt đầu mọng nước và ngọt hơn. Chưa đến Tết Trung thu nhưng bà vẫy trẩy xuống một vài quả cho con cháu ăn trước. Vì bà luôn quan niệm rằng trái đầu mùa luôn là trái ngon nhất, muốn được con cháu thưởng thức trọn vẹn. Mấy cây ổi đào cũng đến độ chín, quả tròn lẳn, vỏ căng bóng, phía trong là một màu hồng ngon khó cưỡng. Chị em tôi lúc nào cũng tranh thủ ra cây ổi đào để “thăm” xem nó chín chưa còn hái vào nhà, vì chỉ cần chậm trễ một chút thôi là lũ chào mào, sáo sậu đến mổ mất.
Minh họa: Trà My |
Nhắc đến khu vườn mà không nhắc tới cây thị có lẽ là một thiếu sót vô cùng lớn. Cây thị trám quả be bé, lủng lẳng trên tán lá xanh biêng biếc tỏa ra một mùi hương dịu ngọt. Tuy thị ăn không ngon bằng các loại quả khác nhưng đứa trẻ nào cũng thích mê; trong túi quần, túi áo của đứa nào cũng có một trái thị để ngửi. Gặp nhau râm ran nói cười, khoe thị với nhau và cùng ôn câu chuyện cổ tích xửa xưa.
Tháng tám quê nhà tôi đợi chờ một cơn mưa ngâu. Có thể với người lớn mưa ngâu sẽ khiến cho họ ngán ngẩm nhưng với trẻ con thì lại là niềm thích thú vô cùng. Bởi mưa xuống kéo theo sau bao nhiêu trò thú vị của lũ trẻ. Còn nhớ những hôm nước ngập trắng ruộng trắng đồng, lũ trẻ háo hức chèo xuồng đi câu cá, câu tôm. Có khi còn cả gan trổ tài bơi lội từ nhà này sang nhà khác. Đợi nước rút thì đi thả đó, thả lừ bắt cá rô, cá lia thia, cá chạch… Nhớ những tối trời mưa lất phất, cầm trên tay cây đuốc đốt bằng chiếc lốp xe đạp hỏng, cả lũ lò dò đi soi ếch. Bữa cơm tháng tám chẳng có thịt thà, chỉ có cá, tôm, ếch nhái bắt được ở đồng mà ăn ngon đến lạ lùng. Chắc nó ngon cũng bởi một phần không khí gia đình quây quần bên nhau ấm cúng. Sau này khi rời xa quê hương, xa vòng tay mẹ cha, một mình nơi phố thị tôi thèm biết bao những món dân dã nhưng đã thành “thương hiệu” của tháng tám quê nhà. Thèm lắm, những tháng tám như thế, những khoảnh khắc mà dù chỉ trong mơ thôi cả cuộc đời cũng mong ước quay lại một lần.
Tháng tám thương một dáng hình mẹ cha trên con đường làng đất đỏ mưa vần vũ vẫn phải mặc áo tơi đi nhổ khoai, vớt bèo. Những luống khoai phải thu hoạch trước khi nước làm ngập úng và thối rữa. Đôi bàn tay chai sần của mẹ, tấm lưng còng khó nhọc của cha cứ lặng lẽ dùng sức đổi lấy cho con cái được đủ đầy và bình yên. Là phận con cái, cho đến khi rời khỏi vòng tay cha mẹ, tự đứng được trên đôi chân của mình, chưa kịp báo hiếu thì cha mẹ lại rời xa. Những tháng tám năm xưa chính là để cho những người con nhắc nhớ, ôn lại cả một quãng thời gian tươi đẹp, trân quý trưởng thành hiện tại. Để thấy bản thân may mắn và hạnh phúc khi có cha mẹ đồng hành, bảo bọc và bao dung cho những vấp ngã.
Tháng tám với những điều tưởng chừng vụn vặt, nhưng lại là hành trang vững chắc cho tôi bước vào đời. Để hôm nay đây lòng thật an yên khi nghĩ về quê nhà, và tháng tám yêu thương…
Mai Hoàng
Ý kiến bạn đọc