Một thi phẩm đặc sắc về biển đảo và người chiến sĩ
Ðảo Sơn Ca
Quả bàng vuông xanh non màu lá
Mơn mởn thơm mùi nắng Sơn Ca
Hoa giấy đỏ dưới trời nắng cháy
Chim líu lo rót mật trước hiên nhà
Mái chùa cong veo chiều cổ tích
Tiếng cầu kinh bịn rịn níu hồn tôi
Khát từng giọt mưa mùa khô trên đảo
Cây vẫn mướt xanh vẫy gọi chim trời
Anh lính trẻ đứng canh chim làm tổ
Tiếng chim rơi nòng súng ngỡ sáo diều
Đảo Sơn Ca vẫn bốn mùa lảnh lót
Chim và người xây cột mốc tiền tiêu.
Lê Cảnh Nhạc
Theo nhà thơ Hữu Việt nhận xét, thơ Lê Cảnh Nhạc “hướng thiện, quan niệm đúng, sai rõ ràng, sòng phẳng; tứ thơ giản dị khiến người đọc dễ nắm bắt những thông điệp sâu sắc, tự nhiên”. “Đảo Sơn Ca” là một thi phẩm đặc sắc của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc viết về đề tài biển đảo và người lính. Bài thơ dựng lên bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, thơ mộng; một khung cảnh sinh hoạt vừa đậm nét đời thường vừa mang hơi thở tâm linh của người dân trên đảo. Từ đó, nhà thơ khái quát vẻ đẹp của hình tượng người lính trên chốt đảo tiền tiêu, ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc. Ảnh: Internet |
“Đảo Sơn Ca” có ba khổ thơ cân đối, hài hòa, đẹp trong sự chuẩn mực về ngôn ngữ và hình ảnh. Mỗi khổ thơ là một phác họa về thiên nhiên và con người trên đảo Sơn Ca. Chính những giá trị thẩm mỹ ấy của tác phẩm đã mang lại cảm xúc mến yêu, tự hào cho người đọc về biển đảo và người lính hải quân.
Mở đầu thi phẩm, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đã dành những từ ngữ, hình ảnh giàu âm thanh, màu sắc, mùi vị để miêu tả vẻ đẹp nên thơ của thiên nhiên hòn đảo: “Quả bàng vuông xanh non màu lá/Mơn mởn thơm mùi nắng Sơn Ca/Hoa giấy đỏ dưới trời nắng cháy/Chim líu lo rót mật trước hiên nhà”. Hình ảnh quả bàng vuông - một sản vật đặc trưng của quần đảo Trường Sa - đã hiện ra “xanh non”, “mơn mởn” dưới màu nắng thơm tho lóng lánh. Tinh ý một chút, người đọc thấy tác giả rất khéo léo, tài hoa khi sử dụng các tính từ đan xen vào nhau để tạo nên cảm giác phức hợp. Nếu màu xanh non của quả bàng vuông là gam màu trầm lắng, dịu nhẹ thì màu đỏ của giàn hoa giấy lại rực sáng, bỏng cháy dưới cái nắng từ trời. Đặc biệt hơn, để dung hòa thêm, hình tượng âm thanh tiếng chim hót líu lo như “rót mật” đã làm mềm tất cả. Đảo Sơn Ca vốn chỉ có cát nóng, nắng gió ngập tràn, vậy mà tiếng chim ngọt ngào trước mái hiên nhà đã làm vơi đi, đồng thời gợi ra vẻ đẹp nên thơ tươi mát, ngọt lành.
Đến khổ hai, tác giả chuyển sang miêu tả và biểu đạt cảm xúc về con người và cuộc sống sinh hoạt trên đảo Sơn Ca bằng những câu thơ đầy thi vị. Phảng phất màu sắc tâm linh qua hình ảnh “mái chùa cong veo chiều cổ tích”, “tiếng cầu kinh bịn rịn”, nhà thơ đã đưa độc giả lắng hồn mình vượt sóng nước trùng dương đến với đảo Sơn Ca để đồng cảm, sẻ chia với những khát vọng thiện lành, những yêu thương cao đẹp của con người: “Mái chùa cong veo chiều cổ tích/Tiếng cầu kinh bịn rịn níu hồn tôi/Khát từng giọt mưa mùa khô trên đảo/Cây vẫn mướt xanh vẫy gọi chim trời”.
Có lẽ chính nhờ tấm lòng hướng thiện đẹp đẽ ấy của người dân sống trên đảo Sơn Ca mà nơi đây cây vẫn mướt xanh và tiếng chim trời vẫn thi nhau lảnh lót, dù mỗi mùa khô đến đảo khát từng giọt nước trời. Hai thế giới tâm linh và đời thường, vô hình và hữu hình được hòa vào nhau trong một khổ thơ gợi mở cho người đọc về một thông điệp đầy ý nghĩa: Cuộc sống trên đảo Sơn Ca dù vô cùng khắc nghiệt, đầy thử thách nhưng tâm hồn, tình cảm con người vẫn luôn hướng đến những điều tốt đẹp, luôn cầu mong cho quốc thái dân an, hòa bình và hạnh phúc đến với mọi người.
Bài thơ khép lại bằng hình ảnh “anh lính trẻ đứng canh chim làm tổ” gợi nhiều ấn tượng độc đáo. Đâu chỉ bảo vệ cuộc sống con người, một sinh linh bé nhỏ, một tiếng chim trong ngần cũng trở thành lẽ sống của người chiến sĩ nơi biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc: “Anh lính trẻ đứng canh chim làm tổ/Tiếng chim rơi nòng súng ngỡ sáo diều/Đảo Sơn Ca vẫn bốn mùa lảnh lót/Chim và người xây cột mốc tiền tiêu”. Hóa ra, trước gian lao, thử thách và khắc nghiệt của cuộc sống, tiếng chim lại hóa thành vẻ đẹp thiêng liêng, cứu rỗi những nguy nan mà người lính phải đương đầu. Canh chim làm tổ để rồi chim hàm ơn bằng những giọt “rơi nòng súng ngỡ sáo diều”, biến Sơn Ca thành hòn đảo lảnh lót tiếng chim trời suốt bốn mùa không nghỉ. Cái hay của bài thơ có lẽ nằm ở ý tưởng của khổ cuối này, nó vừa giàu chất thơ vừa đằm sâu triết lý.
“Đảo Sơn Ca” chỉ ngắn gọn trong mười hai câu thơ khá cân xứng, hài hòa về nhịp điệu và nhạc tính. Bằng nhiều hình ảnh thơ sống động, đậm sắc thái biểu cảm và các biện pháp tu từ được sử dụng nhuần nhuyễn, bài thơ thực sự hấp dẫn người đọc, khơi gợi nhiều cảm xúc thẩm mỹ, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống của con người trên đảo Sơn Ca. Từ đó, nhà thơ khẳng định lòng yêu nước, khát vọng hòa bình qua hình ảnh người lính trẻ nơi cột mốc tiền tiêu. Đúng là “chim và người xây cột mốc” chủ quyền cho Tổ quốc Việt Nam mãi mãi.
Thục Lê
Ý kiến bạn đọc