Multimedia Đọc Báo in

Mảnh sân quê

09:01, 24/12/2022

Trước ngôi nhà ba gian ở quê thường có một mảnh sân. Tùy diện tích rộng hẹp của ngôi nhà hay của khu vườn mà người ta dành phần cho mảnh sân tương xứng tạo nên một khung cảnh hài hòa, đẹp mắt.

Và từ lâu khoảng không gian này đã trở thành mảng ký ức không thể thiếu trong tâm hồn những ai từng được sinh ra, lớn lên ở nông thôn. Cùng mảnh sân vuông vức, bàn thờ thông thiên, thêm vài luống rau xanh và từ ngõ hai hàng cau thẳng tắp tỏa ánh nắng mai, đấy thực sự là hình ảnh quen thuộc của không gian kiến trúc ở làng quê.

Nhiều gia đình ở nông thôn, mọi sinh hoạt thường ngày đều diễn ra trên mảnh sân ấy. Vào mùa thu hoạch, mảnh sân là nơi các bà, các mẹ phơi thóc, ngô, khoai, sắn... Là sân gạch thì chỉ cần quét sạch rồi đổ nông sản ra dàn đều khắp sân chứ không cần nong, nia hay tấm bạt gì cả. Nhưng nếu sân đất thì việc phơi phóng có vẻ bất tiện hơn nhiều. Mảnh sân còn là nơi xếp những thanh củi chồng lên nhau, dành làm chất đốt. Những tàu cau già rụng xuống, cắt mo làm quạt, tước gân lá bó thành chổi phơi đều tăm tắp.

Mảnh sân trong ký ức tuổi thơ là một thế giới hồn nhiên trong trẻo với biết bao kỷ niệm. Chậu nước bồ kết phơi nắng ban trưa cho mẹ, cho chị gội đầu. Mùi thơm dịu của hương nhu, của lá chanh từ tóc mẹ, tóc chị cứ phảng phất trong mơ. Chiếc áo mùa đông vào ngày nắng phai đem hong ở sào mé sân, mùi nhớ vị thương mãi sau này vẫn còn nồng đượm. Cũng tại mảnh sân, những câu chuyện về cuộc sống, về công việc được diễn ra. Hơn thế nữa, chính cái nơi bình dị này, còn gợi lại trong tâm thức mỗi người bao điều suy ngẫm về cuộc đời, số phận của người dân một thời gian khó. Một tấm chiếu trải rộng, bữa cơm đạm bạc được dọn ra. Ông bà, cha mẹ, con cháu quây quần bên nhau, vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ. Sau bữa ăn, dưới ánh trăng sáng ngời, bà ngồi têm trầu, ông uống nước chè và hút thuốc, cha tranh thủ chẻ nan chằm lại chỗ nong nia bị thủng, mẹ thắp thêm ngọn đèn dầu giần sàng nốt thúng gạo... Tiếng cười đùa con trẻ đuổi nhau, rộn rã. Cả những trò chơi dân gian và bài đồng dao đôi khi cũng được cất lên từ đấy.

Minh họa: Trà My

Sân nhà là nơi chất chứa yêu thương, nơi chứng kiến những vui buồn, được mất. Nơi sum họp và cũng là nơi tiễn đưa những người con khôn lớn, đi học, đi làm ăn xa. Vui và nhiều ý nghĩa nhất là những ngày giáp Tết. Một cái bếp được kê lên ở góc sân nấu bánh tét, bánh chưng. Chiếc nong được mang ra, bên trên lót một lớp lá chuối. Thịt heo “đụng” cùng hàng xóm cha đã mang về.

Tất bật, náo nức làm hết việc nọ đến việc kia cho đến đêm muộn nhưng ai nấy đều vui vẻ, hào hứng. Khi nồi bánh được đặt lên bếp, lửa bắt đầu cháy đượm, mọi người vào nhà chợp mắt một lúc, nhường lại mảnh sân trong sự bao bọc đầy yên tĩnh của màn đêm.

Có thể nói cuộc đời của người nông dân in dấu trên mảnh sân thân thuộc này. Họ cùng mảnh sân đi qua nắng mưa, đi qua ngày tháng vui buồn, và khoảnh đất nhỏ yêu thương đã trở thành “chứng nhân” cho những thăng trầm, sướng khổ... Nhưng giờ đây, ở làng quê, nhiều dự án quy hoạch được tiến hành khiến quỹ đất hẹp lại. Những mảnh sân cũng dần mất đi, bởi những ngôi nhà ba gian được chia lô, thiết kế thành nhà lô, nhà ống. Biết rằng sự phát triển sẽ mang đến điều tốt đẹp, giúp nông thôn chuyển mình tích cực nhưng sao vẫn thấy luyến tiếc... Rồi đây cùng với giếng nước, con đò, bờ rào, lũy tre thì mảnh sân trước nhà, từng được xem là mảnh hồn quê sẽ chỉ còn trong ký ức…

Sơn Trần


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Bỏ phố ta về...
09:01, 24/12/2022
Thương đời lúa chét
06:07, 18/12/2022
Giếng làng
06:07, 18/12/2022
Trong ngần bóng quê...
06:07, 18/12/2022
Cửa sổ mùa đông
08:51, 10/12/2022
Ru đêm
08:51, 10/12/2022