Tản mạn... phở
Phở Việt đã có lịch sử hơn một trăm năm và là món ăn Việt nổi tiếng nhất hiện nay không chỉ trong nước mà còn cả trên thế giới.
Phở theo người Việt định cư ở ngước ngoài, có mặt gần như khắp năm châu. Còn trong nước thì khỏi phải nói, phở có mặt khắp các vùng miền, là món ẩm thực không kén người dùng, bất kể người già hay người trẻ, miền xuôi hay miền ngược, nam hay bắc, ai ai cũng có thể thưởng thức món ăn tuyệt vời này.
Ngày nay, phở không chỉ bó hẹp bởi các thương hiệu nổi tiếng ở Hà Nội, Nam Định. Giờ có thêm phở Huế ở miền Trung, phở Sài Gòn ở miền Nam, phở (khô) Gia Lai ở Tây Nguyên và cả phở Hà Giang nữa. Kỳ thủy, nhắc đến phở thường người ta nghĩ ngay đến phở bò hay phở gà, nhưng họ hàng nhà phở giờ đã có thêm những người anh em khác, đó là phở sốt vang, phở khô, phở xào, phở chua, phở vịt (Cao Bằng), và phở thịt quay ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ảnh minh họa: Internet |
Tính phổ biến và sự nổi tiếng của phở càng được khẳng định khi nó là món ăn duy nhất có ngày kỷ niệm. Ngày của phở đầu tiên được báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty Acecook Việt Nam tổ chức là ngày 12/12/2017.
Thế là phở - món ăn nổi tiếng của người Việt - có ngày “khai sinh” dẫu tuổi đời của nó đã hơn một thế kỷ.
*
Tôi thì biết đến phở muộn lắm. Có lẽ là do hoàn cảnh và thời cuộc.
Ba bốn chục năm về trước, phở là món ăn xa xỉ đối với nhiều người. Với tôi, mãi cho đến những năm học đại học mới được nếm mùi của phở. Nhưng than ôi, đấy là phở mà không phải phở.
Thời bao cấp, phở mang cái tên loằng ngoằng như sợi bánh phở chưa trụng qua nước sôi: "phở không người lái". Đấy là loại phở chỉ chan nước dùng, không có thịt, trong các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, nơi độc quyền bán phở. “Phở không người lái” chẳng phải là một biến thể gì của phở. Thời bao cấp, lương thực, thực phẩm hiếm hoi. Tất cả đều cân đo, đong đếm qua tem phiếu. Có lẽ vì thế mà phở cũng hao gầy, tong teo như dáng hình người chế biến hay thực khách thưởng thức nó. Nấn ná nhiều lần, tôi mới mạnh dạn vào Cửa hàng ăn Bến Thủy gần Trường Đại học Sư phạm Vinh, mua một tô phở “toàn quốc” như thế. Cúi mặt húp soàn soạt mà chẳng có một chút cảm nhận gì, càng thấy buồn khi chợt nhớ đến phở trong tùy bút của cụ Nguyễn Tuân mà tôi từng đọc.
Bẵng đi mươi mười lăm năm sau, đâu vào những năm giữa thập kỷ chín mươi thế kỷ trước, tôi mới lại được nếm hương vị của phở. Đã qua thời bao cấp đói khát, phở đang dần lấy lại vóc dáng vốn có của mình. Buôn Ma Thuột những năm đó xuất hiện vài ba quán phở có tiếng như Phở Nguyên ở đường Lý Thường Kiệt, Phở Tráng ở ngã ba Ea Kao. Bây giờ thì hầu như con phố nào của phố núi cũng có quán phở…
Năm 2006, trong một chuyến thăm thú Hà Nội, lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức phở ở chính nơi đã khai sinh ra nó. Chỉ là quán vỉa hè thôi nhưng hương vị của phở thì hết chê. Nước phở trong nóng bỏng, hơi bốc nghi ngút, vị phở đậm, ngọt thơm nức mũi. Lần đầu tiên tôi ăn tô phở hết cả nước lẫn cái mà vẫn thấy thòm thèm.
Nhưng những người sống ở phía nam như tôi khi ăn phở ở Hà Nội vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì. Phở ở Hà Nội không có đĩa rau sống với đủ các loại rau thơm đặc trưng của phở như rau mùi, rau húng, đặc biệt là ngò gai như ở Sài Gòn hay Ban Mê. Khách ăn phở xong lại phải tìm quán trà mua ly nước tráng miệng.
*
Mấy hôm nay, thời tiết ở cao nguyên se lạnh. Mưa lích rích cả ngày. Cảm giác như mùa đông xứ bắc đã làm cuộc du ngoạn vào đây.
Trong không khí lành lạnh đó, điểm tâm tô phở nóng hổi bốc hơi nghi ngút xong, ngồi quán vỉa hè nhấm nháp ly cà phê Ban Mê, ngắm cảnh phố phường nhòe trong mưa bụi, thì thử hỏi có thú vui nào hơn?
Nguyễn Duy Xuân
Ý kiến bạn đọc