Multimedia Đọc Báo in

Thương đời lúa chét

06:07, 18/12/2022

Những ai gốc gác dân quê, gắn bó với ruộng vườn, đồng bãi thì có lẽ lúa chét đã trở thành một hình ảnh không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ, đượm nồng trong từng nỗi nhớ và phảng phất trong những giấc mơ.

Lúa chét còn được gọi là lúa rài, lúa tái sinh…, một loại lúa sinh ra từ gốc rạ sau khi vụ hè thu đã vãn. Ở những chân ruộng thấp, hay ngập nước, thu hoạch xong người dân thường bỏ hoang đợi qua kỳ mưa lụt, tầm cuối tháng mười một mới gieo sạ vụ đông xuân. Trong khoảng thời gian này, lúa chét bắt đầu nhú mầm, phát triển thành cây, đẻ nhánh rồi trổ đòng, tạo gié. Là loại tự sinh trưởng, hoàn toàn phụ thuộc vào “nước trời”, không được chăm bón và sử dụng bất cứ thứ phân thuốc nào nên năng suất lúa chét thường thấp. Thời tiết mỗi năm thất thường nên việc trông chờ vào mùa lúa chét cũng may rủi. 

Ngày xưa, sau vụ mùa, tôi hay theo cha ra đồng bắt cua và cắm chét. Cắm chét là dùng một nhánh cây, đầu ngọn buộc tấm vải cắt ra từ chiếc áo màu đã cũ nhằm đánh dấu... "chủ quyền". Bởi nếu không làm vậy, người chăn vịt hay bọn trẻ chăn trâu, bò tưởng ruộng bỏ hoang mà tha hồ cho gia súc, gia cầm lội vào phá phách.

Làng quê tôi là thuần nông, người dân quanh năm bám lấy ruộng vườn. Lúa là nông sản chính, mọi chi tiêu từ tiền học cho con, tiền chợ và nhiều khoản khác đều trông vào những giạ lúa đã được bảo quản trong vựa, trong thùng. Thế nên, nhiều gia đình phải dè sẻn, để dành ăn đến kỳ giáp hạt. Và lúa chét trở thành lương thực cứu đói. Tôi không thể nào quên được, thuở ấy lên mười, mỗi đêm bên ngọn đèn dầu tôi ê a học bài. Đầu hiên, mẹ sàng xong rồi giần thúng gạo trắng ngần mà buổi chiều cha đã tranh thủ giã, xay từng giạ thóc. Nhìn những hạt gạo căng mẩy, cắn nghe gãy giòn, mẹ không ngớt trầm trồ và niềm vui ngời trên ánh mắt. Có năm, mẹ lội đồng, nước ngập ngang bụng, cắt những bó lúa chét vừa ngả màu xanh sậm để làm cốm dẹt cho mấy chị em tôi ăn. 

Minh họa: Trà My

Món cốm dẹt tuổi thơ ấy được chắt ra từ những ngày mưa gió, cứ đằm giữa tâm hồn. Cánh đồng lúa chét mênh mông. Gian bếp hẹp đầy bồ hóng. Cái cối giã gạo. Gương mặt mẹ rạng ngời trong những câu chuyện ngày xưa.

Cách đây chưa lâu, tôi về thăm nhà, ngang qua cánh đồng trũng thấp, hiu hiu từng cơn gió lạnh. Nhìn ra khoảng không bao la, nước xâm xấp mắt cá chân, lơ thơ mấy cụm lúa chét, lòng không khỏi bồi hồi, tiếc nhớ. Không còn những vạt lúa chét ngậm đòng, đỏ bông, không còn dáng nón trắng nhấp nhô đi thăm ruộng nữa. Thì ra, ngành nông nghiệp khuyến cáo rằng, lúa chét không được chăm bón nên có nguy cơ sâu bệnh và là nơi ẩn nấp chờ ngày sinh sôi của loại côn trùng gây hại mùa màng, thế nên sau khi thu hoạch xong, người nông dân phải cày sâu để lúa chét không còn phát triển. 

Mùa đông dần ngang qua cánh đồng làng. Những mùa lúa chét chỉ còn lại trong ký ức. Nhiều giống lúa dài ngày, cho năng suất cao nên mỗi năm chỉ canh tác hai vụ nối nhau. Tôi lắng nghe trong từng cơn gió, cảm nhận biết bao hương vị ấm nồng lan tỏa. Ấy là hương hoa dại ven đường, hương lúa ngoài ruộng thoang thoảng, hương nắng sớm quyện vào sương mai còn đọng trên ngọn cỏ, cả hương đồng bãi quen thuộc ngỡ đã lãng quên trong ký ức bộn bề…

Sơn Trần


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Giếng làng
06:07, 18/12/2022
Trong ngần bóng quê...
06:07, 18/12/2022
Cửa sổ mùa đông
08:51, 10/12/2022
Ru đêm
08:51, 10/12/2022
Tản mạn... phở
06:32, 11/12/2022
Về thăm làng cũ
08:51, 10/12/2022
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.