Multimedia Đọc Báo in

Đau đáu niềm thương trong “Biết vọng cố hương biết thương xứ mình”

08:54, 14/01/2023

Với 32 tản văn nhẹ nhàng mà sâu lắng, “Biết vọng cố hương biết thương xứ mình” (NXB Hội Nhà văn) được nhà văn Tống Phước Bảo chuyển đến độc giả với một thông điệp nhân văn về tình đời, tình người.

Đó là những hồi ức, kỷ niệm, thao thức về tuổi thơ trong trẻo, ngọt ngào của những người từ khắp mọi miền đất nước chọn Sài Gòn là nơi để lập nghiệp, mưu sinh vẫn luôn đau đáu niềm thương nhớ quê hương. Ngoại Mười quê ở Quảng Nam đã trở thành lưu dân thị thành ngót chục năm. Thế nhưng chưa năm nào ngoại về quê ăn Tết, ngoại lưu lại ở thành phố này, chỉ với mấy loại bánh quê như bánh in, bánh thuẫn, bánh nổ là coi như đã thấy Tết quê ở ngay bên mình. “Mùa này mà, nội cái gió Tết thôi cũng làm người ta thèm quê đến thắt thẻo, huống chi là nhắc đến bản xứ của những phận đời lưu dân trên đất Sài Gòn này” (Trích Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình). 

Là chị bán tàu hũ người gốc Quảng Ngãi vẫn trung thành với quang gánh tàu hũ trĩu nặng trên vai rong ruổi “từ quận 8 sang quận 1, đi chục năm người ta quen mặt, người ta nhớ tên”. Bởi chị luôn tin rằng đâu đó vẫn có những tấm lòng thơm thảo với gánh chè tàu hũ truyền thống. “Có những thứ đã là ký ức thì chẳng thể nào quên được” (Trích Chiều hiên mưa với quang gánh tàu hũ).

Bìa tập tản văn "Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình" của nhà văn Tống Phước Bảo.

Hay hình ảnh của những người bà, người má gốc miền Tây bôn ba xa quê, tạo dựng gia đình trên mảnh đất Sài thành nhớ quê đến khắc khoải khi nghe tiếng rao của các mẹ, các dì bán mấy món ăn quê hương như: bánh da bì, gói xôi, bắp nhão, món gỏi gà chôm chôm của ngoại… Rồi nôn nao, thao thiết cái hương vị quê nhà bất chợt từ niêu cơm gạo mới, âu cá đồng kho, tô canh chua ngọt...

Nỗi nhớ quê hương còn in hằn trong tâm khảm của bao người lưu dân ở chốn thị thành này khi mỗi lần Tết đến, Xuân về. Cả năm mưu sinh, gói ghém chỉ đủ tiền để gửi về quê, họ chọn ở lại Sài Gòn ăn Tết với niềm thương nhớ. Họ đành gửi niềm thương nhớ Tết quê khi tìm đến các quán quen chuẩn hương vị Bắc với các thức quà: bánh cốm, mứt sấu, miến dong, đậu phụ Là Mơ, hoặc ghé Chợ Đo Đạc tìm bánh chưng Tranh Khúc… Thế là những người tha phương gốc miền Bắc, miền Trung, miền Tây vẫn dễ dàng tìm thấy Tết của quê mình ở đây. Bởi “Ở cái miền đất nắng ấm phương Nam này, hội tụ biết bao là lưu dân tứ xứ, thứ gì cũng theo bước chân miên di của họ ghé bến Sài Gòn”. “Ở Sài Gòn, ăn Tết Bắc đâu khó để giữ nguyên phong vị quê hương. Từ cái tên đường, cho đến mâm cỗ, đôi khi thuần Bắc đến mênh mang cõi lòng”… (Trích Tìm Tết Bắc giữa Sài Gòn).

Nỗi niềm mong nhớ quê hương chủ yếu được tác giả miêu tả lồng ghép thông qua những món ăn quen thuộc “Chỉ có bôn ba xa xứ mới nhận ra một thứ bình dị mà sâu lắng nhất, khi thèm một món ăn quen, chính là lúc thương cố hương nhất dạ…” (Trích Sài Gòn phở). Điều này làm cho “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình” như một cuốn từ điển ẩm thực độc đáo với tất cả những món ăn quen thuộc ba miền Nam - Trung - Bắc. Từ miêu tả chi tiết cách làm từng món ăn, đến gửi gắm những kỷ niệm, câu chuyện về món ăn đó mà bất kỳ ai khi đọc cũng cảm nhận được hương vị thân thuộc, như khẽ chạm vào miền ký ức tươi đẹp.

Hẳn nhà văn Tống Phước Bảo phải là người hiểu và yêu Sài Gòn đến thế nào thì mới có thể thuộc lòng từng con hẻm, ngóc ngách của Sài Gòn với muôn điều thú vị. Từ những món ăn các vùng miền về đây, những hàng quán, đến những phận đời gắn bó bao nhiêu năm với Sài Gòn mà khởi đầu đôi khi chỉ vì hai chữ “mưu sinh” rồi trở thành thói quen, ký ức của bao nhiêu người, mà hễ vắng đi thì lại thấy thiếu. Để “mỗi thân phận làm nên một câu chuyện mà thiếu họ có lẽ Sài Gòn sẽ chẳng còn là Sài Gòn”.

Dẫu vẫn còn đó nhiều cơ cực của những phận người lưu dân, nhưng ở Sài Gòn vẫn đầy ắp những niềm thương nhớ. Bởi “Xứ này lạ lắm à nghen, lao đao lận đận, lam lũ tứ bề, nhưng thiệt lòng đâu ai nỡ xa. Ghé đến một lần, là gắn một đời. Hổng biết tại sao? Dao dác hỏi nhau sao chọn thị thành phồn hoa mà lập nghiệp. Nhiều khi nhận câu trả lời thấy trớt quớt mà đúng quá thể: Vui. Ờ xứ này thì vui nhất nước rồi chứ gì nữa” (Trích Rồi ngày sẽ trôi những nặng nề). Và “Giữa những biến chuyển của thời gian, không gian, cả những mưu cầu đời người ai rồi cũng đến lúc nhìn lại hành trình sống của mình. Khi ấy tự khắc sẽ biết vọng cố hương, biết thương xứ mình...".

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Cuối năm
08:54, 14/01/2023
Cho em nhớ
08:54, 14/01/2023
Thương nhớ miền quê
06:25, 08/01/2023
Trổ mùa
05:48, 06/01/2023
Một sáng quê nhà
05:48, 06/01/2023
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.