Mẹ, tôi và… ông Táo!
Hồi nhỏ, nghe kể mẹ mang thai tôi bảy tháng đã sinh. Sinh thiếu tháng nên tôi èo uột khó nuôi lắm. Trẻ khó nuôi, theo quan niệm người xưa, là do những “thế lực hắc ám” từ cõi âm quấy phá.
Cõi dương người có thể giữ nhưng cõi âm, tức ma quỷ, thì thua, phải nhờ thần nhân can thiệp mới xong. Vị thần mà người ta có thể tin tưởng, giao phó trẻ con nhờ bảo vệ, trông nom, không ai khác hơn, chính là… ông Táo!
Vậy nên, theo kinh nghiệm của người lớn, để giữ bình an cho đứa con thơ, mẹ tôi quyết định “ký giấy bán” tôi cho ông Táo. “Thủ tục bán mua” khá đơn giản. Bà tôi bảo: Không phải lễ lạt lớn lao, chỉ cần thành tâm thành ý khấn vài câu là ông Táo nhận lời.
“Bán” xong rồi coi như tôi thành “con” ông Táo. Mẹ chỉ còn là người… giám hộ, lãnh phần trông nom lo lắng mọi nhu cầu ăn uống, ngủ nghê sinh hoạt của tôi. Việc “an ninh” – cho đến khi tôi được mười hai tuổi (tuổi mụ, tức 11 tuổi theo giấy khai sinh) – giao đứt phần ông Táo lo. Vậy nên tôi, ở nhà thì thôi, hễ có chuyện cần ra khỏi nhà là được mẹ xuống bếp khấn Táo quân; xong chấm lọ nghẹ (mồ hóng bếp) quẹt thành cái chữ thập đen thui trên trán. Đó là dấu hiệu để quỷ ma ngoài đường nhận biết tôi là con ông Táo, không dám đến gần!
Minh họa: Trà My |
Chuyện quệt lọ nghẹ vào trán đến khi tôi lớn đụi, ra ngoài biết mắc cỡ với bạn bè mẹ mới thôi. Vậy nhưng, trước khi tôi qua cái tuổi mười hai, hễ bất cứ chuyện gì bất an xảy ra cho tôi mẹ cũng đều xuống bếp vái van ông Táo. Khỏe mạnh thì không tính, chứ hễ tôi trái gió trở trời ấm đầu sổ mũi – ngoài chuyện thuốc thang – bao giờ mẹ cũng đè tôi ra quệt thêm… lọ nghẹ.
“Cho ông Táo ổng giữ, có thờ có thiêng”, mẹ luôn miệng dỗ ngọt, động viên tôi. Chẳng biết có phải nhờ “ông Táo giữ” hay không nhưng quả thật tôi đã đi qua thời ấu thơ hết sức bình an, lớn phổng thành một gã trai lực lưỡng, cao to, dường như không có chút liên hệ gì với ký ức xa xăm mẹ vẫn kể về cái thời bé con hom hem, èo uột.
Mẹ luôn khẳng định như đinh đóng cột là nhờ ông Táo. Mẹ bảo: “Ngài nhân hậu lắm, quanh năm khổ cực cõng nồi xoong, lo giữ lửa, giữ trẻ con. Giúp người thôi chớ có đòi lễ lộc, ăn uống gì đâu”. Biết ơn ông Táo nên khi nấu nướng gì xong mẹ cũng dọn dẹp bếp núc sạch sẽ gọn gàng, đuổi lũ mèo không cho vào bươi tro bếp. Cuối năm dọn dẹp nhà cửa, mấy ông đầu rau, hỏa lò đất bị vỡ hết xài, mẹ sai tôi rinh ra gò hoang, lựa chỗ cao ráo, sạch sẽ mà bỏ. Mẹ dặn đi dặn lại: “Không được vứt bừa vào đống rác mà mang tội”. Nghe lời mẹ, tôi cũng khệ nệ bê đi, trân trọng làm y theo mẹ dặn, kệ cho mấy đứa bạn chạy theo trêu: “Ê, đồ mê tín”. Chúng biết gì chứ, mê đâu mà mê. Uống nước nhớ nguồn, đạo lý ấy sao quên được. Tôi vốn là “con ông Táo” kia mà!
Lớn lên, qua cái thời dễ nhớ dễ tin lại đến lượt các cháu con tôi. Đứa nào lúc nhỏ ốm yếu khó nuôi cũng được bà nội/ngoại đích thân “ký giấy bán làm con ông Táo”. Vợ tôi định phản đối nhưng tôi ngăn, nói nhỏ: “Chuyện không hại gì, chiều cho mẹ vui”. Mà thiệt, cụ vui lắm. Đứa cháu nào ra khỏi nhà cũng được cụ lụm cụm bồng xuống bếp… quệt lọ nghẹ lên trán, không bao giờ quên. Thằng con lớn tôi nghe bà nội giảng giải về cái “thủ tục lọ nồi” chừng tâm đắc lắm. Hôm trước tôi có việc cần đưa mẹ về quê. Trước ngày đi cụ bị cảm, hắt xì, sổ mũi, cu cậu te te chạy theo tôi, dặn: "Ba ơi, ba nhớ quệt lọ nghẹ lên trán nội rồi mới chở đi nghe ba…".
Y Nguyên
Ý kiến bạn đọc