Multimedia Đọc Báo in

Nhộn nhịp ngày ông Công, ông Táo

18:34, 03/02/2021

Cứ đến dịp 23 tháng Chạp, các mặt hàng cá chép, hoa quả... phục vụ nhu cầu ngày ông Công, ông Táo tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nhộn nhịp hơn.

Tuy lượng người tới chợ mua sắm tăng lên, song trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết người bán và người mua đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo phong tục của người Việt, khoảng thời gian đẹp nhất để cúng ông Công, ông Táo từ 9 giờ đến 11 giờ 30 và hoàn thành trước giờ Ngọ (12 giờ) ngày 23 tháng Chạp. Mỗi gia đình đều chuẩn bị các vật phẩm, gồm cá chép sống, mũ hài, hoa tươi, mâm cơm… để tiễn ông Táo về chầu trời với sự thành kính, tôn nghiêm.

Từ sáng 3-2 (tức 22 tháng Chạp), tại chợ Tân An các mặt hàng phục vụ lễ đưa ông Công, ông Táo được bày bán khá đa dạng. Chị Lương Thị Kiều (35 tuổi), tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Tân An cho  hay: “Năm nay, giá cả các mặt hàng cau trầu, hoa tươi không có biến động về giá; hoa quả cũng được các chủ cửa hàng nhập về nhiều hơn, chủng loại phong phú, mẫu mã đẹp hơn".

Người dân mua sắm mặt hàng hoa trái tại chợ Tân An. Ảnh: T.Linh
Người dân mua sắm trái cây tại chợ Tân An. 

Còn tại chợ mới Thanh Bình (phường Tân Lập), giá cá chép vàng loại lớn phóng sinh có giá dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/3 con, còn loại nhỏ có giá 20.000 đồng/3 con. Theo chị Nguyễn Thanh Thúy, bán cá tại chợ Thanh Bình, ngày 23 tháng Chạp năm nay rơi vào thứ Năm, nhiều người bận đi làm nên tranh thủ mua sắm từ trước đó 1, 2 ngày. Những ngày này, trung bình mỗi ngày chị Thúy bán được 50 - 100 cặp cá chép vàng.

Các hàng bán cá chép tấp nập người chọn mua. Ảnh: T.Linh
Các hàng bán cá chép tấp nập người chọn mua. 

Chị Nguyễn Thị Như Ý ở đường Võ Thị Sáu (phường Tân Hòa) cho hay: “Tranh thủ được nghỉ làm buổi sáng nên ghé qua chợ mua ít đồ lễ cúng ông Táo. Giá bán cá chép, hoa quả cũng không tăng nhiều. Một năm chỉ có một lần nên gia đình luôn sửa soạn mâm cơm thật tươm tất để tiễn ông Táo lên chầu trời”.

Theo quan niệm truyền thống của người Việt, ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo quân về trời dâng tấu cho Ngọc Hoàng về việc bếp núc, làm ăn của các gia đình trong một năm qua. Đến đêm giao thừa, cả hai vị thần mới trở lại để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình. Vì vậy, hằng năm vào ngày này, người dân khắp cả nước đều chuẩn bị lễ với các vật phẩm, gồm cá chép sống, hoa tươi, xôi chè, mâm cơm cúng để tiễn ông Táo.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.